Không phải là đất công?
Ngày 21/4, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCGL) cho biết, ông vừa có văn bản gửi đến Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cùng các cổ đông, nhà đầu tư và đối tác của công ty để nói rõ về thương vụ mua hơn 32 ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TP.HCM).
Ông Cường khẳng định, quyền sử dụng đất nông nghiệp diện tích 32,4 ha mà Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Tân Thuận) chuyển nhượng cho QCGL không phải là đất công. Ngoài ra, việc chuyển nhượng dự án này cũng không phải thông qua đấu giá.
Cụ thể, đại diện QCGL cho rằng, các thửa đất này không phải Nhà nước giao cho Tân Thuận quản lý. Công ty này đã dùng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để thương lượng, đền bù trực tiếp với người dân.
Hiện QCGL vẫn đang tiếp tục thoả thuận đền bù với người dân vì chỉ mới nhận chuyển nhượng 32 ha trong số 50 ha dự án. Dự án này cũng không thuộc các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất vì Tân Thuận là công ty kinh doanh BĐS, hoạt động theo Luật DN và Luật Đất đai.
Ông Nguyễn Quốc Cường khẳng định 32,4 ha đất QCGL nhận chuyển nhượng từ công ty Tân Thuận không phải là đất công. (Ảnh: Zing.vn)
Theo ông Cường, Tân Thuận không đủ điều kiện, năng lực thực hiện dự án vì chưa giải toả được 100%. Tổng mức đầu tư dự án 50 ha này là 5.000 tỷ đồng, Tân Thuận phải đáp ứng điều kiện có 20% vốn đối ứng, tức 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vốn điều lệ công ty này chỉ 126 tỷ đồng, nên Tân Thuận buộc phải bán 32,4 ha đã đền bù. “Các thửa đất Tân Thuận đền bù trực tiếp với người dân là hàng hoá của DN, được kê khai sổ sách hạch toán vào tài khoản 154 là hàng hoá tồn kho của công ty.
Nguồn thu từ việc chuyển nhượng này được chuyển bổ sung vào nguồn vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh – dịch vụ tạo nguồn thu cho ngân sách Đảng bộ Thành phố”, đại diện QCGL nói về nguồn gốc khu đất.
“Văn phòng Thành uỷ đang sở hữu các công ty kinh doanh thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, trong khi Tân Thuận đã thực hiện nhiều dự án phân lô bán nền tại Bình Chánh, quận 7, Gò Vấp… và hiện công ty vẫn đang chào bán các sản phẩm như các công ty BĐS khác.
Nếu cho rằng khu đất Tân Thuận chuyển nhượng cho QCGL là đất công hoặc tài sản công thì các căn hộ, đất nền và sản phẩm của Tân Thuận đều là đất công, tài sản công?”, ông Cường so sánh.
Vì sao Quốc Cường Gia Lai tăng giá mua?
Nói về quá trình nhận chuyển nhượng 32,4 ha từ Tân Thuận, đại diện QCGL cho biết, ngày 5/6/2017, hai bên ký hợp đồng. Đến ngày 11/12/2017 QCGL nhận được công văn 738/CV-TT từ Tân Thuận về việc tạm dừng thực hiện hợp đồng cho đến khi có chỉ đạo của Thường trực Thành uỷ.
Ngày 23/12/2017, QCGL, Tân Thuận và Văn phòng Thành uỷ có buổi làm việc ba bên liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng này. Đến ngày 9/2/2018, QCGL và Tân Thuận ký phụ lục hợp đồng số 3 điều chỉnh giá trị hợp đồng.
Tại buổi làm việc này, qua tham khảo các ý kiến của ban ngành và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM, hai công ty thống nhất giá trị hợp đồng là 574,4 tỷ đồng chưa tính thuế VAT. Bình quân 1,768 triệu đồng/m2 và phía QCGL phải nộp thêm 170,8 tỷ đồng.
Ông Cường khẳng định, tổng giá trị QCGL nhận chuyển nhượng các thửa đất nông nghiệp diện tích 32,4 ha là 632 tỷ đồng đã bao gồm VAT, chứ không phải con số 419 tỷ đồng như báo chí nêu.
QCGL đồng ý ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh giá trị hợp đồng là do công ty nhận thấy giá đất 1,769 triệu đồng/m2 mà Sở TN&MT xác định là giá đất được trừ vào số tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích sang đất ở để triển khai dự án.
Theo ông Cường, các thửa đất 32,4 ha công ty nhận chuyển nhượng được đền bù loang lổ, để công nhận là chủ đầu tư công ty phải tiếp tục đứng ra đền bù giá cao cho dân. Công ty cũng phải chịu rủi ro khi thời gian đền bù kéo dài làm phát sinh chi phí thương lượng.
Ngoài ra, đại diện QCGL cho rằng giai đoạn năm 2016 – 2017, công ty nhận chuyển nhượng các thửa đất rộng từ 1.000m2 – 2.400m2 của người dân thuộc khu đất 50ha này với giá từ 2 – 2,5 triệu đồng/m2.
Cũng trong năm 2017, có lô đất 10ha đối diện khu đất 50 ha này chào bán cho QCGL giá 2,2 triệu đồng/m2 nhưng khi công ty trả 1,8 triệu đồng/m2 chủ đất không bán. Đến nay chủ lô đất chào giá 2,8 triệu đồng/m2 nhưng 1 năm rồi vẫn chưa bán được.
Đại diện QCGL cho hay, cùng thuộc xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè nhưng dự án Khu dân cư Phước Kiển 91 ha thuộc khu vực trung tâm. Do vậy không thể lấy giá đền bù ở dự án này so sánh với dự án của Tân Thuận.