Vì sao qua ba thế hệ lãnh đạo, đối thoại Mỹ-Trung lại trở về vạch xuất phát?

Nhà báo Kiều Tỉnh |

Đối thoaị Mỹ-Trung Quốc là cơ chế đã được thực hiện qua ba thế hệ lãnh đạo hai nước, nhằm thúc đẩy hợp tác và giảm bớt bất đồng.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là cơ chế đối thoại này được đổi tên thay cho cơ chế “Đối thoại Chiến lược và kinh tế” một di sản từ thời Obama và Hồ Cẩm Đào để lại.

Quan hệ hai nước lớn Trung Quốc và Mỹ là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trên thế giới hiện nay. Đặc trưng của mối quan hệ này là “vừa hợp tác vừa đấu tranh”, “bất đồng, mâu thuẫn, cọ xát, thậm chí có lúc đối đầu đan xen với hợp tác” luôn tồn tại từ trước tới nay, thậm chí tiếp tục trong tương lai.

Bởi vậy, lãnh đạo hai nước đã đề xuất các cơ chế đối thoại nhằm tăng thêm tỉ lệ hợp tác, giảm thiểu tỉ lệ mâu thuẫn, bất đồng và cọ xát.

Tới nay, giữa Mỹ-Trung tồn tại tới 96 cơ chế đối thoại các loại trên các lĩnh vực, nhưng Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (the Strategic and Economic Dialogues) trước đây, và Đối thoại Ngoại giao và An ninh (the Diplomatic and Security Dialogue) hiện nay, là những cơ chế đối thoại quan trọng nhất cả về quy mô, cấp bậc cũng như các vấn đề gây cấn trong quan hệ hai nước.

Cơ chế này đại diện cho 15 cơ quan cấp bộ và 14 đại diện ban ngành do cấp phó Thủ tướng dẫn đầu.

Đối thoại thời kỳ Bush

Trong thời kỳ ông George W. Bush nắm quyền (2000 -2009) tại Mỹ, Trung Quốc do các ông Giang Trạch Dân (1989 – 2002) và Hồ Cẩm Đào (2002 – 2012) lãnh đạo.

Thời kỳ này, song phương đã lập ra cơ chế Đối thoại Chiến lược (The Strategic Dialogues) do Bộ ngoại giao hai nước chủ trì và Đối thoại Chiến lược kinh tế (The Strategic Economic Dialogues) do Bộ thương mại chủ trì.

Hai cơ chế này tiến hành song song và độc lập với nhau do cấp Thứ trưởng đứng đầu. Cơ chế Đối thoại Chiến lược tiến hành được 6 vòng. Cơ chế Đối thoại chiến lược kinh tế tiến hành được 5 vòng thì ông Bush hết nhiệm kỳ rời khỏi Nhà trắng.

Nội dung cơ bản trong Đối thoại Chiến lược chủ yếu xoay quanh các vấn đề chiến lược toàn cầu và khu vực như chống khủng bố, an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, biển Đông, Đài Loan, nhất là từ khi Bush đưa ra chủ trương “Chuyển hướng chiến lược từ Châu Âu sang Châu Á-Thái Bình Dương” năm 2007.

Về kinh tế, là vấn đề tỉ giá giữa đồng đôla Mỹ (USD) với đồng nhân dân tệ (RMB). Phía Mỹ lên án Trung Quốc thao túng tỉ giá, áp dụng một tỉ giá thấp so với đồng USD để ồ ạt xuất hàng sang Mỹ kiếm lời.

Bộ thương mại Mỹ cho biết do áp dụng tỉ giá quá thấp so với đồng USD, nên cán cân thương mại luôn nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc.

Tính tới cuối năm 2006, xuất siêu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 15.4%, tổng ngạch cộng lại lên tới 232.5 tỉ USD. Riêng năm 2006 Mỹ nhập siêu của Trung Quốc tới 177.4 tỉ USD. Bởi vậy, cuộc chiến tranh mậu dịch hai nước là “cuộc chiến tỉ giá”. Mỹ liên tiếp áp dụng các biện pháp trừng phạt và đòi Trung Quốc phải tăng tỉ giá đồng RMB so với đồng USD từ 8.6 RMB = 1 USD lên 6 RMB = 1 USD.

Vì sao qua ba thế hệ lãnh đạo, đối thoại Mỹ-Trung lại trở về vạch xuất phát? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Bắc Kinh, tháng 11/2014 (Ảnh: AP)

Trong bài “Không cho phép Mỹ cướp mất bát cơm của dân Trung Quốc” ngày 20/3/2010, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc viết:

"Nếu tăng tỉ giá thêm 3%, chỉ riêng các nhà máy thiết bị cỡ lớn của Trung Quốc giảm thu nhập tới 30 tỉ RMB, ngành dệt may sẽ có tới 25 triệu người mất việc làm. Đó là chưa kể các ngành khác như cơ khí, đóng tàu, ô tô, gang thép, điện thoại di động bị thiệt hại tới mức nào.

Nếu tăng 10%, thì đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc giảm 6 tỉ USD, xuất khẩu giảm 42.7 tỉ USD, GDP giảm 69 tỉ USD, thất nghiệp tăng lên 3.8 triệu người và Trung Quốc phải nhập siêu tới 65 tỉ USD."

Ngay khi tranh cử cũng như làm Tổng thống, ông Donald Trump cũng phải than phiền: “Sai lầm lớn nhất của Mỹ trong hơn 100 năm qua là đồng ý để Trung Quốc gia nhập WTO. Hơn 10 năm qua, Trung Quốc đã cướp đi của Mỹ hơn 70.000 doanh nghiệp”.

Đối thoại thời Obama: Căng thẳng tăng lên

Tong cuộc gặp gỡ ngày 1/4/2009 bên lề Thượng đỉnh G20 tại London, hai nhà lãnh đạo Barack Obama và Hồ Cẩm Đào thỏa thuận gộp hai cơ chế Đối thoại Chiến lược và Đối thoại chiến lược kinh tế làm một, đổi tên là Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (The Strategic and Economic Dialogues), tiến hành họp luân lưu ở hai nước mỗi năm một lần.

Cơ chế này tiến hành được 8 vòng tới khi ông Obama rời khỏi Nhà trắng. Vòng đầu tiên tại Washington tháng 7/2009, vòng thứ 8 họp tại Bắc Kinh vào đầu tháng 6/2016. Tám vòng đối thoại trong 8 năm, nội dung vẫn xoay quanh hai vấn đề chủ yếu là “Chiến lược và Kinh tế”.

Trong đó, vấn đề chiến lược nổi cộm khi ông Obama đẩy manh thực hiện “Chiến lược tái cân bằng Châu Á-Thái Bình Dương”, coi đây là “cuộc đọ sức quyết liệt nhất giữa hai nước” trong thế kỷ 21, nhất là sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi động sáng kiến "Vành đai và Con đường" vào năm 2013.

Càng về cuối nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama thì các vấn đề chiến lược lại tăng lên, theo đó bất đồng và cọ xát cũng tăng trên các vấn đề, như vị thế lãnh đạo, chương trình hạt nhân Triều Tiên, hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, an ninh mạng, tiền tệ, biến đổi khí hậu, Trung Quốc hướng tới cường quốc biển, sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự thay đổi của nước Mỹ…

Về kinh tế, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đề xướng trở thành vật cản lớn đối với Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Bắc Kinh dẫn dắt.

Tiếp đó, Trung Quốc khởi xướng và thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) để cạnh tranh với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) nhằm tìm cách gạt Mỹ và Nhật Bản ra ngoài, thực hiện chiến lược "phi Mỹ hóa" trong khu vực.

Sau 8 Vòng đàm phán, Đối thoại Chiến lược và Kinh tế không đạt được kết quả đáng kể, trái lại mâu thuẫn hai nước lại tăng lên và căng thẳng hơn trước.

Đối thoại thời tổng thống Trump: Mới khởi động và chưa hiệu quả

Trong cuộc gặp đầu tiên giữa tổng thống Trump và chủ tịch Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida vào tháng 4/2017, hai bên thỏa thuận đổi cơ chế Đối thoại Chiến lược và Kinh tế - sản phẩm của Obama và Hồ Cẩm Đào năm 2009, thành Đối thoại Ngoại giao và An ninh.

Kể từ cuối nhiệm kỳ hai của Obama, tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng, đe dọa an ninh của các đồng minh và Mỹ. Bởi vậy, khi lên nắm quyền, vấn đề an ninh được ông Trump nhấn mạnh, đồng thời tìm cách ép Trung Quốc phải áp dụng biện pháp cứng rắn hơn nữa đối với Triều Tiên.

Mặt khác, nhiều quan chức trong đội ngũ của ông Trump xuất thân từ thương nhân, ít kinh nghiệm ngoại giao so với nhóm của ông Obama, nên vấn đề ngoại giao cũng được nhấn mạnh. Bởi vậy, Đối thoại Ngoại giao và An ninh phù hợp với Tổng thống Trump.

Cơ chế này có 4 nội dung, gồm Đối thoại Ngoại giao và An ninh, Đối thoại toàn diện kinh tế, Đối thoại an ninh mạng và chấp pháp, Đối thoại xã hội và nhân văn.

Về thành phần và cấp bậc tham gia đối thoại của hai bên vẫn giữ nguyên như trước ở cấp phó Thủ tướng.

Vì sao qua ba thế hệ lãnh đạo, đối thoại Mỹ-Trung lại trở về vạch xuất phát? - Ảnh 2.

Ông Tập cùng hai Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông, Uông Dương, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng tài chính Mỹ Jacob Lew tại phiên khai mạc vòng Đối thoại Mỹ-Trung cuối cùng dưới thời tổng thống Obama, tháng 6/2016 (Ảnh: China Daily)

Vòng đối thoại đầu tiên giữa chính quyền Trump với Bắc Kinh diễn ra trong hai ngày 21-22/6/2017 vừa qua tại Washington. Phía Trung Quốc do Ủy viên quốc vụ Dương khiết Trì và Tham mưu trưởng Bộ tham mưu liên quân Phòng Phong Huy dẫn đầu. Về phía Mỹ do Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis dẫn đầu.

Tại đây, hai bên tập trung thảo luận về chính sách “Một Trung Quốc”, vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, tình hình Biển Đông, lá chắn tên lửa THAAD, an ninh mạng, chống khủng bố cùng các vấn đề khác.

Báo chí các nước bình luận, Mỹ dùng “thế thượng phong” để áp đặt các vấn đề đối với Trung Quốc trước ngày đối thoại, như Tổng thống Trump khi đó cảnh báo “biện pháp của Trung Quốc đối với Triều Tiên không hiệu quả”.

Phía Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ, cho rằng đây là “đối thoại” chứ không phải “đàm phán”, nên Mỹ không thể áp đặt trước nghị trình cho đối phương. Dư luận cho rằng đây chỉ là “vòng dạo đầu, ra mắt và thăm dò nhau” giữa Bắc Kinh và chính quyền mới ở Mỹ, nên bất đồng rất lớn và rốt cuộc không đạt được kết quả nào.

Về vấn đề vũ khí hạt nhân bán đảo Triều Tiên, phía Trung Quốc cho rằng “đây là vấn đề giữa Mỹ với Triều Tiên, chứ không phải của Trung Quốc”. Bắc Kinh đề xuất “giải pháp kép”, tức tiến hành đồng thời việc Triều Tiên ngừng chương trình nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân, còn Mỹ-Hàn Quốc đình chỉ tập trận quân sự quy mô lớn. Nhưng Washington gạt bỏ.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton nói phía Mỹ không cảm nhận thấy thiện chí hợp tác của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên. Tờ Hoàn Cầu ngày 22/6 cho rằng Mỹ dùng “vấn đề bán đảo làm cái bẫy trong quan hệ Trung-Mỹ”.

Đối với các vấn đề khác hai bên cũng bất đồng lớn, như về Đài Loan, phía Mỹ cam kết thực hiện chính sách “Một Trung Quốc”, nhưng vẫn giữ Luật quan hệ Đài Loan. Tổng thống Trump nói trước ngày họp là “Trong 50 năm nữa liệu vấn đề 'Một Trung Quốc' có còn đứng vững hay không?”.

Đối thoại Vòng 1 không đạt được kết quả nào. Hai bên không có họp báo chung, cũng không công bố kết quả. Đoàn Trung Quốc không trả lời các nhà báo mà vội vã rời khỏi hội trường. Bà Susan Thornton nói không thể kỳ vọng một vòng đối thoại giải quyết ngay được bất đồng, và trong năm nay có thể còn tổ chức cuộc thảo luận khác.

Dư luận báo chí các nước bình luận từ cơ chế “Đối thoại Chiến lược”, “Đối thoại chiến lược kinh tế” thời Bush, “Đối thoại chiến lược và kinh tế” thời Obama và hiện nay là “Đối thoại Ngoại giao và An ninh” chỉ là “bình mới rượu cũ”, thay đổi tên gọi, còn nội dung và vấn đề không thay đổi.

Vì sao qua ba thế hệ lãnh đạo, đối thoại Mỹ-Trung lại trở về vạch xuất phát? - Ảnh 3.

Giáo sư Kim Xán Vinh, Phó Giám đốc Học viện quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng mâu thuẫn và bất đồng cố hữu giữa hai nước xoay quanh các vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, thương mại... cộng với các vấn đề mới nổi lên luôn ám ảnh và tác động tới quan hệ Trung-Mỹ.

Tùy theo vấn đề nổi cộm hay dịu xuống từng thời kỳ, hai nước lại chuyển trọng tâm đối thoại, theo đó tên gọi cơ chế đối thoại cũng thay đổi theo.

Các nhà phân tích cho rằng, vấn đề cốt lõi trong quan hệ Trung-Mỹ hiện nay và trong tương lai gần là "Trật tự Mỹ hay Trật tự Trung Quốc sẽ chủ đạo thế giới"

Bắc Kinh đang thúc đẩy mục tiêu "Giấc mộng Trung Quốc" của ông Tập để tiến tới chủ đạo thế giới, còn Mỹ đang ra sức duy trì địa vị độc tôn của mình. Bởi vậy, trong tương lai dù tổng thống nào ở Mỹ hay nhà lãnh đạo nào ở Trung Quốc lên nắm quyền “thời kỳ hậu Trump và hậu Tập Cận Bình”, hai bên có lập ra một cơ chế nào đi chăng nữa thì vẫn xoay quanh các vấn đề cốt lõi trên./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại