Có người bỏ ra ngàn vàng, đi hàng ngàn dặm từ nam chí bắc chỉ để được ăn một bữa cơm gia đình trong đêm giao thừa; cũng có người thức trắng đêm chỉ vì một tấm vé xe về quê. Tại sao họ lại muốn về nhà vào dịp năm mới đến vậy?
1. Cha mẹ già đi quá nhanh
Cha mẹ già đi quá nhanh, vốn không thể chịu cảnh chia ly hay chờ đợi con cái quá lâu. Trên thế giới có rất nhiều thứ có thể chờ đợi, sự nghiệp thăng tiến có thể chờ đợi, đi làm chỗ này không được thì chỗ khác, v.v.. Nhưng cũng có nhiều thứ không thể chờ đợi, ví như pháo hoa rực rỡ, cầu vồng sau mưa và sự già đi của cha mẹ.
2. Bạn về nhà, cha mẹ mới yên tâm
Nhiều người đi xa làm ăn quanh năm, do đó Tết Nguyên Đán đã trở thành dịp duy nhất để đoàn tụ với cha mẹ. Thời gian trôi qua, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa hơn, nhưng sự quan tâm của họ dành cho con cái vẫn không hề thuyên giảm.
Bạn một mình nơi đất khách quê người, cuộc sống có nhiều lúc khó khăn, nhưng khi bố mẹ gọi điện hỏi thăm, bạn chỉ nói: "Con ổn!"
Nhưng đối với các bậc cha mẹ, bạn càng báo tin tốt chứ không báo tin xấu, họ sẽ càng cảm thấy lo lắng hơn. Chỉ khi bạn về nhà, cho họ được thấy bạn thật sự ra sao thì họ mới có thể an tâm được. Hãy nhớ rằng, đối với tình thân, bạn không cần phải "hiểu chuyện", hãy cứ là chính bạn, một đứa trẻ bé bỏng của cha mẹ như ngày nào.
Nếu bạn sống thật sự tốt, cha mẹ sẽ rất vui mừng và tự hào về bạn. Còn nếu sống không được vui vẻ thì cũng đừng che giấu, hãy tâm sự với cha mẹ những điều bứt rứt trong lòng, có thể cha mẹ sẽ đau lòng đấy, nhưng có vậy thì trái tim của cha mẹ và con cái mới có thể sát gần nhau hơn.
Về nhà thôi! Chỉ khi bạn về nhà, bố mẹ bạn mới thật sự được yên lòng.
Ảnh minh hoạ
3. Mọi nỗ lực chung quy cũng chỉ vì 2 chữ "đoàn viên"
Có thể ở bên ngoài, bạn bị đường đời quật đến mệt nhoài, có thể phải chịu cái lạnh cóng của thời tiết tha hương, có thể bạn đã cực khổ nhiều, nhưng tấm lòng mong chờ con về của cha mẹ còn đau đớn hơn bất kỳ thứ gì bạn đã và đang phải chịu đựng. Đợi đến khi về nhà rồi, bạn chắc chắn sẽ thấy thì ra những nỗ lực của mình cuối cùng cũng chì vì hai chữ "đoàn viên".
4. Tết là đoàn viên
Bữa tối giao thừa chỉ trọn vẹn khi cả gia đình cùng nhau ăn cơm. Nếu cả gia đình không thể tề tụ ngồi lại cùng nhau ăn bữa cơm tối giao thừa, thì còn gì là giao thừa nữa? Năm mới chẳng qua cũng chỉ tiếp tục là một năm cô đơn mà thôi.
Mỗi dịp giao thừa, bữa cơm tất niên luôn là sự ưu tiên hàng đầu của mọi nhà. Những người lớn tuổi thường sẽ dậy rất sớm để chuẩn bị bữa ăn. Con cháu cũng sẽ thức thật sớm để phụ giúp cha mẹ ông bà, cả nhà cùng nhau quây quần trong gian bếp, cười nói rộn rã đầu năm. Dọn ra bàn mâm cơm nóng hổi, lớp trẻ thay phiên nhau, đứa thì sắp xếp bát đũa, đứa thì dời ghế, bưng mâm.
Khi món ăn cuối cùng được dọn ra, mọi người ngồi xuống với nụ cười trên môi, tiếng chén đĩa hòa cùng tiếng pháo nổ bên ngoài, trò chuyện với nhau về những chuyện vui buồn trong năm, cha khen mẹ món này ngon quá, cả nhà cùng nhau cầu mong một năm an khang thịnh vượng. Nghĩ đến khung cảnh này, liệu bạn có thấy lòng mình nao nao hay không? Nếu có thì đó là tiếng nói của trái tim, bảo bạn về nhà ăn Tết đấy!
Tục ngữ có câu: "Người có quê trở về quê, không có quê thì tha hương tiến bước." Thực ra, với chúng ta mà nói, về quê ăn Tết từ lâu đã trở thành một loại tín ngưỡng. Nhà là nơi mà khi bạn gặp khó khăn hay vui vẻ bạn cũng sẽ muốn được trở về. Nhà là nơi lúc nào cũng có người trông đợi bạn trở về.
Một tấm vé xe rất mỏng và rẻ, nhưng giá trị của nó mang lại thì rất lớn. Nó là thứ đưa bạn đến với "vùng đất thần tiên", gặp những người luôn yêu quý bạn, nơi mà bạn có thể quăng hết âu lo, sống những ngày tháng vui vẻ trong vòng tay của người thân. Những trải nghiệm đó dù có tiền cũng không tài nào mua được dù chỉ 1 giây.
Có một con đường mang theo bao ước mơ tuổi trẻ và kỳ vọng của gia đình, có thể đối với người khác, nó là một con đường bình thường không hơn không kém, nhưng đối với bạn thì con đường đó lại vô cùng ý nghĩa. Dù chúng ta ở đâu, thì quê hương vẫn nằm trong tim của mỗi người. Dù có đi xa đến đâu, bước qua bao nhiêu thắng cảnh, nhưng đối với kẻ lãng du, cảnh đẹp nhất vẫn là đường về nhà.
Ảnh minh hoạ
Bôn tẩu ở ngoài đời, bạn kiếm được bao nhiêu tiền, địa vị xã hội ghê gớm đến đâu, đối với ba mẹ đều không quan trọng. Điều họ để tâm nhất là bạn sống có vui không, và Tết có về không! Vì thời gian để họ được ở bên cạnh bạn không còn nhiều nữa, mỗi năm đều ít đi một chút rồi.
Tình thân vốn là một vòng tròn luân hồi, cha mẹ nuôi con khôn lớn, con cùng cha mẹ già đi, nhưng hầu như từ trước đến nay chỉ có cha mẹ làm được việc nuôi con khôn lớn, còn con thì lại để mặc cha mẹ cô quạnh già đi. Cứ nghĩ rằng thời gian còn dài, lúc nào về cùng cha mẹ mà chẳng được, thế là cứ bận rộn những thứ khác không chịu về nhà, đến cả một bữa cơm duy nhất vào Tết Nguyên Đán cũng không về ăn cùng cha mẹ, một chút thời gian cũng không dành cho họ.
Cuộc sống vốn vô thường, chúng ta nên hiểu rằng cha mẹ già đi rất nhanh, họ có thể rời xa chúng ta bất cứ lúc nào. Hiểu rằng chúng ta cố gắng làm việc cũng chỉ vì muốn thành công nhanh hơn tốc độ già đi của cha mẹ, nhưng nếu cha mẹ không còn nữa thì sự thành công của chúng ta liệu có còn ý nghĩa hay không? Có một sự thật tàn nhẫn rằng, tốc độ thành công của chúng ta có thể cả đời cũng không đuổi kịp được sự già đi của cha mẹ, cho nên, tốt nhất vẫn nên bầu bạn cùng cha mẹ nhiều hơn.
Đừng đợi đến khi mất đi rồi mới biết trân trọng, hãy dành thời gian quý giá của bản thân cho người yêu thương bạn nhất. Hãy đặt gia đình lên hàng ưu tiên của bạn. Vì ở đâu có gia đình, ở đó có phúc.
Cha mẹ nào mà không nhớ con, không muốn con về nhà chung vui vào ngày Tết? Nhưng họ hiểu con mình làm ăn xa cực khổ, suy nghĩ cho tương lai của con, sợ mình trở thành gông cùm xiềng xích "con tàu ra khơi" của con cái, nên chỉ có thể hết lần này đến lần khác đè nén ước muốn của mình, nói với con rằng: "Không sao đâu, con cứ lo làm việc đi, Tết này cha mẹ ổn mà."
Nếu người bạn thương đã làm tổn thương bạn thì cũng đừng quên ở nhà vẫn còn người thương bạn đang chờ đợi bạn. Cho nên Tết đến rồi, về nhà thôi!