Trong số những bí ẩn về Chủ tịch Trung Quốc, nổi bật nhất có lẽ là về những chiếc áo gió có khóa màu xanh hải quân mà ông thường mặc, New York Times nhận xét.
Ông Tập Cận Bình đã trở nên quá gắn bó với chiếc áo gió của mình, tới nỗi giờ kiểu áo này còn được gọi là "áo khoác Tập Cận Bình".
Chủ tịch Trung Quốc được nhìn thấy mặc chiếc áo này ở khắp nơi, từ chuyến thăm một vùng quê nghèo tới một buổi gặp mặt tại một giảng đường ở Bắc Kinh để nói về vai trò của các nhà khoa học xã hội và triết học.
Mặc dù ông Tập Cận Bình chưa khi nào công khai bàn luận về lựa chọn trang phục của mình, song chiếc áo gió dường như đã trở thành trang phục biểu tượng cho sự lãnh đạo của ông.
Theo báo New York Times, dáng vẻ "người của nhân dân" mà chiếc áo mang lại, cùng với một chiến dịch truyền thông gọi ông là "cha Tập", đang giúp hình ảnh của Chủ tịch Trung Quốc trở nên mềm mại hơn, làm dịu đi hình ảnh lãnh đạo cứng rắn của ông.
Chiếc áo giản dị cũng khiến người dân cảm thấy thiện cảm hơn với những tuyên bố phát động chiến dịch chống tham nhũng và lãng phí của ông Tập Cận Bình.
Cũng giống như thói quen ăn uống giản dị, cung cách làm việc gần gũi và một người vợ ca sĩ dân gian, chiếc áo gió của ông Tập được truyền thông Trung Quốc ca ngợi là bằng chứng về sự thông thái chính trị.
Tân Hoa xã đã đăng một bài viết, dự đoán chiếc áo của ông Tập sẽ trở thành trang phục ưa thích của công chức Trung Quốc.
Và không có gì ngạc nhiên khi trong một lễ trồng cây vào năm ngoái, hầu hết lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đều mặc kiểu áo tương tự.
Giản dị và thiết thực như áo của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, chiếc áo khoác của ông Tập Cận Bình giúp mọi người hình dung tới hình ảnh một nhà lãnh đạo luôn bận rộn vì dân.
"Nó khác với áo của ông Mao Trạch Đông, nhưng nó vẫn truyền tải được tinh thần của chiếc áo này đó là thanh đạm, thiết thực và gần gũi với người dân", bà Louise Edwards, một giáo sư Đại học New South Wales tại Úc nói.
Giáo sư Edwards đã từng nghiên cứu về biểu tượng chính trị của trang phục tại Trung Quốc. "Ông ấy mặc chiếc áo gió khi muốn chứng tỏ mình là con người của công việc. Thông điệp của chiếc áo khoác là: Điều hành đất nước là công việc của tôi và tôi nỗ lực vì nó", bà Edwards nói.
Tuy nhiên, ông Tập không phải là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên chọn áo gió làm trang phục khi gặp gỡ nhân dân.
Người tiền nhiệm của ông, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, cũng là một người hâm mộ kiểu áo này.
"Chiếc áo khoác đã được các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc yêu thích vì nó linh hoạt và dễ chịu khi mặc", tờ Ta Kung Pao của Hong Kong bình luận vào năm 2014.
Tại cửa hàng Bách hóa Bắc Kinh, những chiếc áo gió có khóa màu xanh hải quân được bán với giá từ 70-700USD.
"Chúng rẻ hơn nhiều so với ở quê tôi", Li Chuande, một người về hưu tới từ Hồ Bắc cho biết. Ông nói rằng, ông đã mặc loại áo này trước khi ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo Trung Quốc.
"Ông Tập đang cho thấy ông ấy cũng giống như những người dân thường", ông Li nói. "Bạn có thể mặc chiếc áo này ở bất cứ đâu".
Ngay cả giày dép của ông Tập cũng có vẻ như được thiết kế cho thấy hình ảnh của một người bận rộn, Deborah M. Lehr, một nghiên cứu sinh tại Viện Paulson ở Chicago nói.
Hiện cô đang gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc để nghiên cứu sâu hơn về những đôi giày của họ.
Ông Tập có vẻ thích đi giày có dây buộc giả và miếng đáp nhỏ bằng nhựa, dường như là để tiết kiệm thời gian buộc dây, cô nhận xét.
"Chủ tịch Tập Cận Bình thường mặc những áo khoác tối màu và không nổi bật, cùng với áo sơ mi trắng và cà vạt sáng màu... Những bộ quần áo của ông rất tinh tế nhưng không quá cầu kỳ và thực tế là ông ấy thích đi giày có dây buộc giả", nhà nghiên cứu nói.