Vì sao ông Hun Sen từ chức?

Trọng Dương |

GD&TĐ - Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nêu ra 4 lý do khiến ông quyết định từ chức sau nhiều năm lãnh đạo đất nước.

Phát biểu tại lễ khánh thành đường vành đai thứ ba nối thủ đô Phnom Penh với tỉnh Kandal, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nêu ra 4 lý do khiến ông quyết định từ chức sau nhiều năm lãnh đạo đất nước.

Lý do đầu tiên đó là, việc chuyển giao quyền lực cho thế hệ trẻ hiện ổn định và an toàn. Lý do tiếp theo là thế hệ trẻ cho thấy tâm thế sẵn sàng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo. Ngoài ra, dù từ chức Thủ tướng, ông Hun Sen vẫn lãnh đạo đảng Nhân dân Campuchia (CPP). Cuối cùng, đa số phiếu bầu ủng hộ tướng Hun Manet làm Tân thủ tướng.

Cho rằng việc nắm giữ quyền lực khi tuổi tác cao hoặc không còn đủ sức khỏe là điều không tốt, ông Hun Sen quyết định tiến hành chuyển giao quyền lực ngay bây giờ. Điều đó phù hợp với việc trước đây cố quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk nhường ngôi cho con trai.

“Vì sao tôi phải rời chức vụ thủ tướng khi CPP nhận được sự ủng hộ cao như vậy? Tôi cho rằng, đó là sự hy sinh vì hòa bình lâu dài, để đảm bảo hòa bình và phát triển”, ông Hun Sen kết luận. Ông Hun Sen cũng khẳng định nội các mới gồm những người trẻ tuổi, có đủ năng lực. Trong đó, một số đã giữ chức phó thủ tướng, bộ trưởng, quốc vụ khanh ở nhiều bộ, ngành.

Về việc chuyển giao quyền lực tại Campuchia sau cuộc tổng tuyển cử (diễn ra ngày 23/7), ông Hun Sen cho biết có 2 kịch bản được đưa ra. Thứ nhất, nội các cũ sẽ tiếp tục điều hành đất nước từ 1 đến 2 năm nữa và chuyển giao cho thế hệ trẻ. Thứ hai, chuyển giao cho thế hệ trẻ ngay từ ban đầu. Theo ông Hun Sen, dựa trên những điều kiện thuận lợi hiện nay, Ban thường vụ đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia quyết định chọn kịch bản thứ 2.

Trước đó, ngày 26/7, ông Hun Sen tuyên bố sẽ không còn là Thủ tướng Campuchia từ ngày 22/8. Thủ tướng Campuchia cũng khẳng định, việc đưa ông Hun Manet lên làm Thủ tướng vẫn sẽ phải đảm bảo đúng quy trình.

Ông Hun Sen nói: “Con trai tôi sẽ không kế thừa vị trí này mà không thông qua quy trình hợp pháp. Hun Manet đã tham gia cuộc bầu cử với tư cách ứng viên nghị sĩ và đây là một bước thiết yếu trong hệ thống dân chủ của chúng tôi”.

Ông Hun Sen cũng chia sẻ, sau khi kết thúc nhiệm vụ tại chính phủ, ông sẽ được quốc vương Campuchia bổ nhiệm làm chủ tịch Viện cơ mật tối cao của quốc vương, và sẽ thay ông Samdech Say Chhum làm Chủ tịch Thượng viện sau khi cơ quan này bầu cử khóa mới vào ngày 25/2/2024.

Thủ tướng Hun Sen (70 tuổi) là một trong những lãnh đạo tại vị lâu nhất thế giới với 38 năm cầm quyền. Ông nhậm chức ngày 14/1/1985, trở thành Thủ tướng trẻ nhất thế giới khi đó ở tuổi 32.

Con trai ông - Hun Manet (45 tuổi) là người Campuchia đầu tiên tốt nghiệp học viện quân sự West Point của Mỹ. Ông được cho là có đóng góp đáng kể trong quá trình đàm phán với Thái Lan khi quân đội hai nước đụng độ ở khu đền cổ Preah Vihear năm 2008.

Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen ngày 23/7 tuyên bố giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội, giành được 120 trên tổng số 125 ghế nghị sĩ. Đảng FUNCINPEC, do Hoàng thân Norodom Chakravuth đứng đầu, giành được 5 ghế.

Theo quy định, ứng viên thuộc đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội sẽ trở thành Thủ tướng. Người phát ngôn CPP Sok Eysan cho biết, đảng có hai ứng viên thủ tướng là ông Hun Sen và ông Hun Manet.

Vị trí Thủ tướng do Quốc vương Campuchia bổ nhiệm theo đề nghị của chủ tịch và các phó chủ tịch quốc hội. Thủ tướng cũng cần được quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Trong cuộc bầu cử năm nay, ông Hun Manet ứng cử vào vị trí nghị sĩ đại diện Phnom Penh. Hiến pháp Campuchia quy định, Thủ tướng trước hết phải là nghị sĩ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại