Vì sao người dùng Internet vẫn chưa thể “thích” quảng cáo trực tuyến của các doanh nghiệp?

Thanh Xuân |

Nhìn vào thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, không nhiều loại quảng cáo trên website mang đến trải nghiệm tốt cho người đọc. Có những loại phản cảm về nội dung cũng như hình thức thể hiện.

Một nghiên cứu của PageFair và Adobe trong năm 2015 cho thấy số lượng người dùng Adblock (phần mềm chặn quảng cáo) đã tăng 41% trong vòng 12 tháng. Câu hỏi đang ngày càng khiến các doanh nghiệp đau đầu là: Lý do gì khiến họ cài đặt loại phần mềm này và từ chối tất cả các quảng cáo?

Nhìn vào thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, không nhiều loại quảng cáo trên website mang đến trải nghiệm tốt cho người đọc. Có những loại phản cảm về nội dung cũng như hình thức thể hiện.

Những quảng cáo này không chỉ khiến người xem "tái mặt" khi hình ảnh bật ra mà còn hiển thị liên tục, tràn lan, gây phiền phức và ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm lướt web. Bên cạnh đó là những quảng cáo "đánh lừa" độc giả khiến người dùng Internet không khỏi ngán ngẩm.

Cùng điểm qua 5 yếu tố của quảng cáo gây khó chịu cho người xem mà các doanh nghiệp đang hoặc sắp sử dụng phương thức quảng cáo trực tuyến nên tránh.

1. Thiết kế xấu

Trong một thị trường đã bão hòa các loại quảng cáo như hiện nay, một thiết kế đẹp, hài hòa nhưng không kém phần nổi bật nên là ưu tiên hàng đầu. Điều này không chỉ chiếm thiện cảm và sự chú ý của người đọc, mà còn giúp các doanh nghiệp thể hiện sự chuyên nghiệp, uy tín.

Rất nhiều biểu hiện của một thiết kế xấu có thể kể ra như: phông chữ khó đọc, quá to hoặc quá nhỏ; màu sắc lòe loẹt, rối mắt, kém hài hòa; bố cục bất hợp lý không làm nổi bật được thông điệp…

Đành rằng "tốt gỗ hơn tốt nước sơn", nhưng ở nơi mà dường như các loại "gỗ" không còn quá nhiều khác biệt thì "nước sơn" trở nên quan trọng để có thể cạnh tranh. Khách hàng tiềm năng sẽ nghĩ gì về sản phẩm của doanh nghiệp qua những thiết kế thiếu thẩm mỹ đó?

Vì sao người dùng Internet vẫn chưa thể “thích” quảng cáo trực tuyến của các doanh nghiệp? - Ảnh 1.

"Bánh xe màu sắc" là công cụ có lẽ đã bị bỏ qua khi những quảng cáo lòe loẹt được thiết kế

2. Ồn ào

Khi độc giả truy cập một website và bị "đánh úp" bởi âm thanh tự động phát từ một video không biết ở vị trí nào, có lẽ hứng thú với trang web đó cũng giảm đi đáng kể.

Đặc biệt khi đang làm việc tại văn phòng đông người hay ngồi học giữa giảng đường yên tĩnh, không gì khó chịu bằng việc bỗng dưng bị hàng chục con mắt nhìn vào mình với chiếc laptop phát ra âm thanh lạ.

Cách quảng cáo này đã tạo ra kết quả ngược với mục đích của nhãn hàng: thay vì xem tiếp, độc giả chỉ muốn tắt ngay hình ảnh trên màn hình, và thậm chí có cái nhìn không mấy thiện cảm về một sản phẩm "ồn ào" như vậy.

3. Mở rộng

Người dùng Internet có lẽ không ít lần "bị" di chuột vào một banner quảng cáo trong khi đọc tin, và ngay lập tức, toàn bộ màn hình bị chiếm trọn bởi hình ảnh sản phẩm của nhãn hàng đó.

Loại quảng cáo này còn mất nhiều thời gian tải do tích hợp hiệu ứng, video hay form đăng ký..., và tệ hơn là khó tắt đi được khi chưa tải xong. Độc giả vì thế chắc hẳn sẽ rất nhớ hình ảnh và tên thương hiệu, nhưng theo hướng tích cực hay tiêu cực thì có lẽ khó trả lời.

4. Gây chú ý

Có nhiều nhãn hàng muốn gây chú ý với người đọc khi đưa logo thương hiệu, hình ảnh sản phẩm trôi xung quanh các đoạn văn bản, đôi lúc xuyên qua cả những con chữ.

Để đo hiệu quả của những loại quảng cáo này, không rõ nhãn hàng sẽ dùng chỉ số nào để đánh giá; nhưng nếu dựa vào chỉ số về sự làm phiền độc giả và mức độ "ám ảnh" về thương hiệu thì chắc chắn sản phẩm đã thành công.

5. Không thể tắt

Có nhiều độc giả chấp nhận quảng cáo, thậm chí đôi lúc hứng thú mở xem và tiếp nhận thông điệp mà nhãn hàng muốn truyền tải. Tuy nhiên, những banner đó chỉ có thể mở ra chứ không thể thu lại hay tắt đi.

Hoặc nếu nhãn hàng và nhà quảng cáo có thêm dấu X hay chữ Close/Đóng thì người đọc cũng khó có thể nhắm trúng được ký hiệu đó để tắt đi. Tồi tệ hơn, sau khi nhắm trúng, độc giả lại bị chuyển hướng đến một website quảng cáo khác.

Vì sao người dùng Internet vẫn chưa thể “thích” quảng cáo trực tuyến của các doanh nghiệp? - Ảnh 2.

Dấu X hay chữ Close đôi khi lại không có chức năng đóng lại quảng cáo

Người dùng Internet không "mặn mà" với quảng cáo trực tuyến vì rất nhiều lý do như vậy. Tuy nhiên, nếu hiểu rõ tâm lý của họ và nắm vững 1 số quy tắc, các doanh nghiệp hoàn toàn có cơ hội tiếp cận khách hàng nhanh và thuận tiện nhất qua hình thức quảng cáo này.

Ví dụ như những loại quảng cáo đã và đang được phát triển với tinh thần đề cao trải nghiệm người dùng trên các báo điện tử lớn như Dân Trí, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress hay các trang tin như CafeF, CafeBiz.

Như vậy, hoàn toàn có cách để hiển thị quảng cáo thân thiện hơn, cũng như giúp doanh nghiệp và nhà quảng cáo tiếp cận người dùng Internet thuận lợi nhất. Mời độc giả đón đọc phần 2 để tìm hiểu câu trả lời cụ thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại