Một trong những lý do chính mà Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đưa ra khi phế truất Tổng thống Park Geun-hye hồi đầu tháng này là việc bà đã không giữ đúng cam kết hợp tác với các công tố viên trong cuộc điều tra bê bối tham nhũng liên quan tới người bạn thân Choi Soon-sil.
Chuyên viên trang điểm có mặt tại nhà riêng của bà Park trước phiên xét xử ngày 30/3/2017. Chính những động thái nhỏ này lại khiến người dân Hàn Quốc tin rằng bà Park tắc trách, không thực sự ăn năn. Anh: Yonhap.
Thay vào đó, theo cáo trạng, bà đã tìm cách che giấu sự thật và buộc những thân tín của mình phải nói dối. Đây là một phần lý do khiến hơn 70% người dân Hàn Quốc tin rằng bà Park phải ngồi tù trong thời gian xét xử kể cả khi đã bị truất quyền.
Nỗ lực tuyệt vọng để không bị tống giam
Bà Park từng tránh các buổi thẩm vấn và từ chối có mặt tại phiên xét xử của Tòa án Hiến pháp. Vì thế, việc bà có mặt tại phiên xử ngày 30/3 được cho là một “cố gắng tuyệt vọng để không bị tống giam”.
Thế nhưng khi xuất hiện tại phiên tòa ngày 30/3, bà Park tiếp tục lựa chọn né tránh sự thật bằng cách im lặng.
Thân tín của bà Park đã đề nghị tòa cho bà đi vào phòng xử từ bãi đỗ xe ngầm để né tránh truyền thông nhưng tòa đã từ chối yêu cầu này.
Bị buộc phải đi vào từ cửa lớn, nhiều người đã dự đoán bà Park sẽ nói một vài câu “lấy lệ”.
Nhưng không. Bà Park không nói một câu nào với báo giới, lướt qua đám đông phóng viên ngoài phòng xử mà không dừng lại và phớt lờ mọi câu hỏi của họ bất chấp việc đây có thể là cơ hội cuối cùng đề bà nói lời xin lỗi, bày tỏ sự ăn năn hay nói lời thanh minh.
Nhiều người cho rằng hành động đó của bà là không tôn trọng người dân.
Phản ứng sai lầm để mất niềm tin của người dân
Những lời giải thích trước đây của bà cũng đã không thể thuyết phục được người dân mà chỉ làm họ thêm thất vọng.
Theo một thăm dò dư luận của Realmeter tuần trước, có đến 72,3% người được hỏi cho rằng bà Park nên ngồi sau song sắt trước khi bị xét xử trong khi chỉ có 25,1% không đồng ý với ý kiến này.
Chính cách phản ứng và thái độ của bà Park đối với vụ bê bối liên quan tới người bạn thân Choi Soon-sil đã đánh mất tình cảm của công chúng, khiến họ bắt đầu “chán ngấy” nhà lãnh đạo này.
Khi bê bối ngày càng lan rộng, người ta bàng hoàng vì những cáo buộc rằng bà Park đã để người bạn thân, vốn không có chức vị nào trong chính phủ, được can dự vào những vấn đề “quốc gia đại sự”, được tiếp cận tài liệu mật và bòn rút tiền của các tập đoàn lớn.
Nhưng người dân Hàn Quốc còn “sốc” hơn vì phản ứng của bà Park với những cáo buộc đó. Bà bác bỏ tất cả nhưng bằng chứng sau đó càng cho thấy những gì bà nói là dối trá. Bà Park lúc ấy lại bắt đầu thay đổi cách giải thích vấn đề một chút.
Ban đầu bà cam kết sẽ tuân theo quy trình thẩm vấn của cơ quan công tố nhưng khi thực sự đối mặt với nó thì lại bác bỏ. Bà Park sau đó cam kết sẽ trả lời câu hỏi của một hội đồng độc lập nhưng cuối cùng vẫn không làm. Nhà Xanh của bà lúc ấy cũng hết lần này tới lần khác từ chối các yêu cầu khám xét của các điều tra viên.
Tất cả những hành động đó đi ngược lại với lời hứa ban đầu của bà Park rằng sẽ hợp tác trong cuộc điều tra để khẳng định sự thật. Hành động “nói một đằng, làm một nẻo” của bà Park bị xem là một nỗ lực nhằm che giấu sự thật và hủy mọi bằng chứng.
Những gì mà người dân Hàn Quốc muốn biết là “sự thật” về những cáo buộc đối với bà nhưng cựu Tổng thống Park Geun-hye từ chối trả lời câu hỏi của họ mà chỉ khăng khăng dựa vào vị thế của bản thân trong khi uy tín của bà lao dốc không phanh.
Một trong những cáo buộc rằng bà Park đã không làm tròn bổn phận của mình vào cái ngày xảy ra thảm kịch chìm phà Sewol năm 2014 đã được khơi lại trong phiên luận tội cựu Tổng thống.
Người dân Hàn Quốc muốn biết bà đã làm gì với vai trò của một nguyên thủ quốc gia trong suốt 7 giờ đầu tiên vô cùng quan trọng của vụ chìm phà này nhưng cựu Tổng thống đã không thể đưa ra một lời giải thích thỏa đáng để rồi điều duy nhất người ta phát hiện ra là bà đã mất hàng giờ để… làm tóc.
Người dân Hàn Quốc sao có thể không tức giận khi biết sự thật đó?
Bê bối của bà Park khiến cả một dân tộc bối rối và đẩy cả đất nước vào sự chia rẽ giữa những người ủng hộ và phản đối bà.
Đã có những người biểu tình thiệt mạng.
Nhưng bà Park không tỏ ra hối tiếc hay xin lỗi mà thay vào đó tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Tòa án Hiến Pháp về việc truất quyền bà và cho rằng mọi chứng cứ của điều tra viên đều là giả.
Hành vi vô lý của những người ủng hộ bà Park cũng khiến phần còn lại của dư luận cảm thấy khó chịu. Luật sư bảo vệ cho bà Park trong phiên xét xử của Tòa án Hiến Pháp bị cho là “ăn nói thô lỗ và hành động lập dị”. Một trong số họ, ông Kim Pyung-woo đã xúc phạm thẩm phán khi phàn nàn về quy trình ở tòa. Hai luật sư của bà cũng tỏ ra năng nổ hơn trong các cuộc biểu tình phản đối truất quyền ở trên phố hơn là trong phòng xử.
Trước khi bà Park bị bắt, ngày 29/3, một số nghị sỹ ủng hộ bà Park đã thu thập đủ 82 chữ ký vào bản kiến nghị lên Tòa án quận trung tâm thủ đô Seoul, yêu cầu họ không phê chuẩn lệnh bắt này với lý do quyết định này là “quá khắt khe và thậm chí sẽ gây ra nhiều sự bối rối hơn trong xã hội”./.