Vì sao ngân hàng của nữ “đại gia” Vietjet Air hào phóng chia cổ tức 10%?

Vân Lam |

Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 513 tỉ đồng nhưng HDBank lại mạnh tay chi ra gần 810 tỉ đồng để thanh toán cổ tức cho cổ đông, đằng sau việc mạnh tay chi cổ tức của HDBank là gì?

HDBank mạnh tay chia cổ tức

Ngày 12.5 vừa qua, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) đã tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2016.

Tuy tổ chức khá muộn nhưng HDBank đã gây “rúng động” thị trường tài chính Việt Nam khi quyết định chi trả 10% cổ tức (LĐĐS số 7, ra ngày 19.5 đã thông tin).

Ngay khi đại hội đang diễn ra, các cổ đông đã được chuyển tiền mặt vào tài khoản.

Theo báo cáo của HDBank, trong năm 2015, các chỉ tiêu quan trọng của HDBank đều tăng trưởng tốt so với năm 2014, nhưng tổng tài sản và lợi nhuận đều không đạt kế hoạch năm.

Lợi nhuận trước thuế đạt 788 tỉ đồng, đạt 94,9% so với kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 513 tỉ đồng, chỉ số EPS (lợi nhuận thu nhập tính trên một cổ phiếu) đạt 633 đồng.

Ngoài ra, nhờ những năm trước không chia cổ tức nên lợi nhuận chưa phân phối ở mức 909 tỉ đồng.

Với kết quả như trên, lãnh đạo HDBank quyết định chi trả mức cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt là 10% (1.000 đồng/cổ phiếu) và được các cổ đông đồng thuận.

Như vậy, HDBank sẽ chi ra gần 810 tỉ đồng để thanh toán cổ tức.

Trên phông nền u ám khi nhiều ngân hàng “nói không với cổ tức” thì việc các cổ đông của HDBank nhận được cổ tức 10% bằng tiền mặt đã khiến cổ đông các ngân hàng khác phải ghen tỵ.

Điều này cũng đã tạo hiệu ứng truyền thông đối nội và đối ngoại có thể vượt cả chủ ý mong đợi.

Theo quy định, các nhà băng phải thực sự bảo đảm các chỉ tiêu an toàn, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, kể cả phải có nguồn dự trữ rồi mới được chia cổ tức.

Lợi nhuận phải giữ lại, phải tranh thủ lợi ích của cổ đông để tăng quy mô vốn tự có, cải thiện tỉ lệ an toàn vốn (CAR) được đưa ra giải trình. BIDV, VietinBank và ngay cả Vietcombank đang đứng trước yêu cầu phải bồi đắp cho CAR.

Tình hình chung, cập nhật đến tháng 2.2016, CAR bình quân của khối ngân hàng thương mại nhà nước chỉ 9,47%, chớm trên mức tối thiểu Ngân hàng Nhà nước quy định 9%.

Dĩ nhiên, trong quá khứ từng có những giai đoạn hay những trường hợp không đảm bảo được CAR tối thiểu theo quy định.

Thậm chí, ngay cả hiện nay, hệ thống vẫn phải chấp nhận thực tế gần như “suông” tại những “ngân hàng 0 đồng” chuyển giao từ năm 2015.

Về thực tế, CAR kém hoặc nằm dưới ngưỡng quy định (có thể xem việc thực hiện Basel 2 là ngoại lệ vì còn ở dạng thí điểm) thì thực sự đáng sợ bởi các chế tài, luật định trong xử lý.

Nếu CAR không đảm bảo, ít nhất hoạt động kinh doanh không những bị hạn chế mà còn bị giám sát ngặt nghèo hơn, không loại trừ là cả kiểm soát đặc biệt.

Cũng chính vì bối cảnh này mà năm nay nhiều ngân hàng đã buộc phải giữ lại, khất hoặc tranh thủ nguồn lực cổ tức của cổ đông để gia cố các chỉ số an toàn.

Họ buộc phải tăng cường quy mô vốn tự có. Đối diện với một năm nhiều khó khăn nên ngay cả những ngân hàng lớn nhất Việt Nam như VietinBank, BIDV... - thường là những ngân hàng chia cổ tức cao trong những năm trước - năm nay cũng phải “nói không với cổ tức”.

Động thái nào khiến HDBank trả cổ tức 10%?

Có lẽ thông tin được trả 10% cổ tức bằng tiền mặt đã khiến cổ đông tạm thời không nhớ đến một chi tiết quan trọng, đó là lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 513 tỉ đồng.

Nói về việc chi trả cổ tức 10% lần này, Chủ tịch HĐQT HDBank Lê Thị Băng Tâm cho biết, nguồn vốn chia cổ tức như trên không phải năm nào cũng lấy đúng tiền để chia cho năm đó mà từ nhiều nguồn khác nhau.

Năm 2015, HDBank có nguồn lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức là gần 845 tỉ đồng, bao gồm lợi nhuận năm 2015 còn lại sau khi trích lập các quỹ là 431,7 tỉ đồng, phần lợi nhuận từ việc thoái vốn 1% là 8,6 tỉ đồng, lợi nhuận các năm chưa chia 404,5 tỉ đồng.

Tuy nhiên, việc chi trả 10% cổ tức của HDBank liệu có quá tay khi mà trong bối cảnh ngành ngân hàng còn nhiều khó khăn? Với vốn điều lệ 8.100 tỉ đồng và tổng tài sản 106.485 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế năm 2015 của HDBank chỉ đạt 788 tỉ đồng.

Trong khi đó, Techcombank, VPBank có vốn điều lệ tương đương và tổng tài sản, lợi nhuận trước thuế đều cao hơn hẳn so với HDBank, nhưng không “mạnh tay” chia cổ tức mà dành lợi nhuận làm nguồn lực để phát triển.

Bên cạnh đó, khi các cổ đông đề cập việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, đại diện của HDBank cho biết:

“Việc niêm yết lên sàn chứng khoán cần phải cân nhắc nhiều yếu tố chứ không phải muốn lên sàn là lên được.

Chúng ta phải xem xét nội lực tài chính ngân hàng khi ấy có tốt không, sau đó xét tới yếu tố tình hình thị trường chứng khoán có thuận lợi không.

Nếu như chúng ta vội vàng niêm yết thì sẽ lợi bất cập hại trong trường hợp hoàn cảnh thị trường không tốt và ngân hàng còn non trẻ chưa trong tư thế sẵn sàng”.

Câu trả lời chung chung này khiến không ít cổ đông cảm thấy lo lắng. Mong muốn chung của tất cả các cổ đông là ngân hàng sẽ ngày càng vững mạnh.

Với nhiều vấn đề cần giải quyết thì việc chi trả 10% cổ tức chưa hẳn đã làm cho các cổ đông vui bằng việc ngân hàng sớm được lên sàn, minh bạch thông tin và thực sự phát triển ổn định.

Ngày 10.5, tên của bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT HDBank - được xuất hiện trong danh sách Hồ sơ Panama.

HDBank tổ chức ĐHCĐ vào ngày 12.5, rồi thông tin HDBank trả cổ tức 10% đã làm rúng động thị trường tài chính Việt Nam.

Trả lời với báo chí, bà Thảo cho biết, việc có tên trong Hồ sơ Panama là điều bình thường.

Trong dữ liệu hồ sơ Panama vừa được Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố, Việt Nam có 189 cá nhân và tổ chức bị nêu tên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại