Các quan chức Mỹ hôm 16/11 cáo buộc Nga thực hiện "vụ tấn công nguy hiểm" vào một vệ tinh, tạo ra đám mây mảnh vỡ trên vũ trụ. Vụ việc một lần nữa làm dấy lên lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang trong không gian, từ vũ khí laser đến loại vệ tinh có thể đẩy vệ tinh những nước khác ra khỏi quỹ đạo.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo "đã thử nghiệm thành công một hệ thống vũ khí mới để phá hủy Kosmos 1408, vệ tinh tín hiệu tình báo thuộc hệ thống Tselina-D đã ở trên quỹ đạo gần 40 năm", theo RT.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố hệ thống vũ khí mới có thể tấn công chính xác tuyệt đối các mục tiêu. "Các mảnh vỡ không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với hoạt động trong không gian", ông Shoigu được báo chí Nga dẫn lời.
Giới chức Mỹ không được Nga thông báo trước về vụ thử hệ thống vũ khí đã tạo ra 1.500 mảnh rác vũ trụ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng mối đe dọa vẫn chưa kết thúc và các mảnh vỡ tiếp tục đe dọa vệ tinh và hoạt động của ISS.
Ngày 17/11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi hành động của Nga là rất đáng lo ngại. "Điều đó thể hiện rằng Nga đang phát triển các hệ thống vũ khí mới có thể bắn hạ vệ tinh", ông Stoltenberg nói trong cuộc gặp của các bộ trưởng quốc phòng EU.
Trên Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cảnh báo Nga đang tạo ra một lượng rác nguy hiểm. Bộ Ngoại giao Đức bày tỏ quan ngại về vụ thử và kêu gọi cần có các biện pháp khẩn cấp để "tăng cường an ninh và niềm tin".
Quân đội Nga nói rằng họ thực hiện các hoạt động theo kế hoạch để tăng cường năng lực phòng thủ.
"Mỹ biết chắc rằng những mảnh vỡ đó, xét về thời gian thử nghiệm và các thông số quỹ đạo, đã không và sẽ không gây nguy hiểm cho tàu vũ trụ và các hoạt động trong không gian", Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố. NASA nói rằng các phi hành gia trên ISS, gồm 4 người Mỹ, 1 người Đức và 2 người Nga, bị đánh thức và phải tìm nơi trú ẩn.
Ông Yury Shvytkin, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Nga, phủ nhận Mátxcơva đang quân sự hóa không gian. "Chúng tôi đang và sẽ tiếp tục phản đối quân sự hóa không gian vũ trụ", ông Shvytkin được Interfax dẫn lời.
Vũ khí diệt vệ tinh là loại tên lửa công nghệ cao mà chỉ một vài nước phát triển được. Ấn Độ là nước gần đây nhất thử vũ khí như vậy vào năm 2019 và đã bị Mỹ chỉ trích sau khi tạo ra hàng trăm mảnh vỡ trong không gian. Năm ngoái, Anh và Mỹ cáo buộc Nga thử vệ tinh kiểu "búp bê làm tổ", có thể mở ra và thả một robot cỡ nhỏ hơn để theo dõi vệ tinh Mỹ.