Trong cuộc duyệt binh mới được tổ chức tại căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa tại khu tự trị Nội Mông nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc - PLA, một loại vũ khí đặc biệt của Israel đã xuất hiện, đó chính là máy bay không người lái (UAV) tấn công tự sát Harpy.
Sự có mặt của UAV Harpy bên cạnh các loại vũ khí nội địa hiện đại nhất cho thấy Trung Quốc đánh giá rất cao vai trò của phương tiện này, đây là điều không có gì phải ngạc nhiên vì Harpy sở hữu những tính năng kỹ chiến thuật độc nhất vô nhị.
Máy bay không người lái cảm tử Harpy của Trung Quốc xuất hiện trong lễ duyệt binh
Israel đã tạo ra cuộc cách mạng trong việc kết hợp máy bay không người lái với tên lửa hành trình tấn công mặt đất bằng cách chế tạo UAV cảm tử Harpy, nó được thiết kế để tìm kiếm và tiêu diệt các trạm radar nằm sâu trong lãnh thổ đối phương.
UAV Harpy có thể phóng từ xe tải hoặc tàu chiến từ xa vùng chiến sự, với thời gian bay quần rất lâu, nó sẽ tuần tiễu tự động trong khu vực được chỉ định trước. Thiết bị cảm biến sẽ ghi nhận, tìm kiếm tín hiệu radar của đối phương và khi phát hiện, nó sẽ so sánh mẫu thu nhận với cơ sở dữ liệu để đánh giá mức độ ưu tiên.
UAV Harpy được trưng bày tại Triển lãm Paris Air Show 2007
Khi xác định rõ đối tượng cần tiêu diệt, Harpy sẽ ngay lập tức bổ nhào vào mục tiêu, đầu nổ cận đích được thiết kế kích hoạt ngay phía trên nhằm gây thiệt hại cao nhất. Nhưng điểm độc đáo nhất là nếu đối phương phát hiện ra nó và tắt sóng, Harpy sẽ hủy bỏ cú tấn công và lại kéo cao tìm cơ hội mới.
Tính năng trên cho phép Harpy chế áp hệ thống phòng không đối phương trong một thời gian đủ dài để chiến đấu cơ phe nhà hoàn thành nhiệm vụ rồi rút lui an toàn.
Do là thứ vũ khí có một không hai, ngoài Trung Quốc, nhiều cường quốc quân sự trên thế giới như Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ... đã tin tưởng và đặt mua số lượng lớn UAV Harpy.
Máy bay không người lái cảm tử Harop - Thế hệ sau của Harpy
Chưa dừng lại đó, trong năm 2015, Tập đoàn Hàng không vũ trụ Israel - IAI đã hoàn thành việc thử nghiệm máy bay không người lái chuyên thực hiện sứ mệnh tiến công với tên gọi Harop (Harpy 2).
So với "người tiền nhiệm", Harop có kích thước lớn hơn nhằm tăng tầm hoạt động lên tới 1.000 km (ở Harpy là 500 km), thời gian làm việc trên không 6 giờ và có chức năng quay về hạ cánh tại căn cứ. Điểm trừ duy nhất có lẽ nằm ở trọng lượng phần chiến đấu của Harop bị cắt giảm xuống còn 23 kg so với 32 kg trên Harpy.
Tuy nhiên tính năng ưu việt giữa Harop và Harpy là ngoài cảm biến bức xạ để chống radar, nó còn được lắp đặt thiết bị trinh sát quang - điện tử hình ảnh để truyền dữ liệu về sở chỉ huy, ngoài ra giúp tiêu diệt đa dạng các loại mục tiêu từ xe thiết giáp, tàu xuồng đang di chuyển hay cả trận địa hỏa lực lẫn công sự quân thù.
UAV Harop được phóng đi từ bệ phóng di động
Hiện tại Quân đội nhân dân Việt Nam đang thiếu một phương tiện trinh sát - tấn công tức thời như Harop, các loại UAV tự nghiên cứu hay mua chính từ Israel đều là cỡ nhỏ, thời gian hoạt động ngắn, năng lực tác chiến không cao.
Nếu đưa vào trang bị UAV Harop, chúng ta sẽ vừa nâng cao được khả năng trinh sát chiến trường, lại vừa tiết kiệm đáng kể chi phí so với phải điều chiến đấu cơ Su-30MK2 mang tên lửa Kh-31P đi làm nhiệm vụ chế áp phòng không (SEAD), đồng thời đây còn là phương tiện phản ứng tức thời cực kỳ hiệu quả khi không có thời gian gọi hỏa lực hỗ trợ.
Với mối quan hệ hợp tác quốc phòng đang tiến triển tốt đẹp, viễn cảnh Việt Nam tiến tới đặt mua UAV cảm tử Harop của Israel để nâng cao sức mạnh tấn công là điều cần thiết và hoàn toàn khả thi.