Vì sao NATO lo sốt vó trước cuộc tập trận Zapad quy mô lớn của Nga?

QS |

Cuộc tập trận bắt nguồn từ thời Liên Xô đang làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Nga với NATO, đặc biệt là với các nước Baltic.

Trong bài viết trên tờ National Interest, nhà phân tích Kyle Mizokami cho biết, cuộc tập trận Zapad 4 năm trước (2013) không chỉ khắc họa mục tiêu chiến lược của Nga, mà còn cho thấy nước này đang lên kế hoạch cho các cuộc chiến tranh tương lai như thế nào, đặc biệt là việc sáp nhập bán đảo Crimea.

Năm nay, cuộc tập trận Zapad sẽ tiếp tục được tiến hành (theo kế hoạch 2 năm một lần), thúc đẩy các nước Baltic yêu cầu NATO và Mỹ tăng cường hỗ trợ quân sự để đối phó.

Nỗi ám ảnh từ quá khứ...

Zapad ’81 từng là cuộc tập trận lớn nhất do Liên Xô tổ chức. Với quy mô chiến lược/chiến dịch, Zapad 1981 đã diễn ra trong 8 ngày, với sự tham gia của 100.000 - 150.000 quân nhân Liên Xô và các nước khác trong khối Warsaw.

Cuộc tập trận đã thử nghiệm một số hệ thống vũ khí mới, trong đó có tên lửa đạn đạo tầm trung SS-20 (sau này đã bị cấm theo Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung - INF).

Các nhà hoạch định của Nga đã hình dung ra viễn cảnh NATO chuẩn bị xâm lược khối Warsaw nhưng kế hoạch chuẩn bị của Bỉ bị Moscow phát hiện và chặn đứng.

Cuộc tập trận còn mô phỏng đợt phản công vào Đức và cuộc tấn công phủ đầu, sử dụng các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhằm vào "các lực lượng phương Tây", tiêu diệt 1/4 triệu quân NATO.

Hình ảnh cuộc tập trận Zapad ’81. Nguồn: You Tube

Zapad ’81 gây chú ý vì đã đưa ra phương thức để đối phó với những bước phát triển mới trong khối NATO, nhất là những tiến bộ trong công nghệ như xe tăng Abrams hay Leopard 2.

Một ý tưởng đặc biệt trong số này là "Nhóm cơ động tác chiến". Theo đó, một lực lượng được vũ trang mạnh sẽ tìm cách thọc sâu vào phòng tuyến NATO để cắt đứt đường dây cung ứng và phá hủy các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật của họ.

... cho tới hiện tại

Sự sụp đổ của Liên Xô và những khó khăn mà các nước cộng hòa cũ trong khối Xô Viết đã trải qua khiến các cuộc tập trận không được tiến hành thường xuyên.

Cuộc tập trận Zapad chỉ được tiến hành một vài lần trong giai đoạn 1981-2013, nhưng 2013 được xem là cuộc tập trận Zapad lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Giống như cuộc tập trận nguyên bản, Zapad 2013 đã thử nghiệm nhiều thiết bị và phương thức mới, nó chứng tỏ rằng quân đội Nga cuối cùng đã thoát khỏi thời kỳ suy sụp, đói kém trong những năm 1990 và 2000.

Cuộc tập trận Zapad 2013 có sự tham gia của gần 12.000 binh sĩ, được tiến hành cả ở Nga và Belarus.

Một phần cuộc tập trận Zapad 2013 giữa Nga - Belarus. Nguồn: Live Leak

Các bài tập, do Quân khu miền Tây của Nga tiến hành từ ngày 20/9 - 26/9, đã được định hướng một phần quanh khu vực Baltic, với nhiều nội dung được triển khai tại vùng Kaliningrad và biển Baltic.

Lực lượng Nga và Belarus đã thực thành các chiến dịch chung, thử nghiệm phương thức tổ chức mới (trong đó lữ đoàn lục quân được xem là đơn vị tác chiến độc lập) và thử nghiệm khả năng của Không quân. cùng lực lượng phòng không trong việc bảo đảm an toàn cho không phận.

Viện nghiên cứu và phân tích Jamestown Foundation (trụ sở ở Washington, D.C) đã mô tả viễn cảnh chiến tranh trong Zapad 2013:

Một cuộc tập trận bất thường, trong đó "những kẻ khủng bố Baltic" với tàu đổ bộ, trực thăng tấn công, cùng các máy bay chiến đấu Su-25, Su-30 và cường kích đã tấn công Belarus, sau đó xâm nhập vào các thành phố của nước này, buộc lực lượng phòng thủ tham gia tác chiến đô thị.

"Những kẻ khủng bố Baltic" được cho là ám chỉ đến NATO.

Vì sao NATO lo sốt vó trước cuộc tập trận Zapad quy mô lớn của Nga? - Ảnh 3.

Vì sao NATO lo sốt vó trước cuộc tập trận Zapad quy mô lớn của Nga? - Ảnh 4.

Một số hình ảnh trong cuộc tập trận Zapad 2013. Ảnh: Sputnik

Giới quan sát bên ngoài cho rằng số binh sĩ thực tế tham gia cuộc tập trận này phải lên tới 90.000 người, tức là gấp hơn 7 lần con số tuyên bố. Ngoài ra còn có 530 xe bọc thép, 50 hệ thống pháo và 90 máy bay. Cùng tham gia cuộc tập trận là 20.000 binh sĩ trực thuộc Bộ Nội vụ Nga, chuyên trách các hoạt động an ninh nội bộ.

Cuộc tập trận Zapad 2013 khiến nhiều nước láng giềng của Nga lo ngại. Việc sử dụng tàu đệm khí Zubr để đổ bộ lính thủy đánh bộ của Nga và Belarus là điều đáng ngại đối với các nước Baltic trong khối NATO, đặc biệt là Estonia, Latvia và Lithuania.

Vì sao NATO lo sốt vó trước cuộc tập trận Zapad quy mô lớn của Nga? - Ảnh 5.

Tàu đổ bộ đệm khí trong cuộc tập trận Zapad 2013. Ảnh: Wiki

Tàu đổ bộ đệm khí Zubr có thể chở theo 10 xe bọc thép, hoặc tới 366 binh sĩ và có thể đưa họ đổ bộ vào bờ biển của đối phương cách xa tới 300 dặm.

Mặc dù Nga tuyên bố Zapad 2013 là cuộc tập trận phòng thủ nhưng nhiều khía cạnh chiến thuật trong đó đã được Nga áp dụng khi can thiệp vào Crimea và Syria.

Trong cuộc tập trận, giới quan sát phương Tây để ý thấy Nga đã sử dụng phương tiện không người lái để định vị mục tiêu cho pháo binh và tiến hành đánh giá mức thiệt hại do bom gây ra. Có thể thấy trong năm sau đó, Moscow đã áp dụng phương thức này trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Cuộc tập trận còn cho thấy các tên lửa chiến thuật được sử dụng với vai trò tấn công thọc sâu. Điều này cũng được Nga thực hành ở Syria.

Ngoài các chiến thuật này, một số đơn vị lục quân Nga tham gia tập trận Zapad 2013 đã tham chiến tại Crimea và Donbass, trong đó có Sư đoàn tấn công đổ bộ đường không số 76 và lữ đoàn tấn công đường không số 31. Đặc nhiệm Spetsnaz của Nga, từng tham gia Zapad, cũng tham chiến tại miền đông Ukraine và Syria.

Cuộc tập trận Zapad năm nay sẽ diễn ra vào tháng 9. Hiện vẫn có rất ít thông tin về cuộc tập trận này, ngoại trừ việc nó chắc chắn sẽ là nơi quy tụ các phương thức chiến thuật mới, các hệ thống vũ khí mới, cũng như những bài học mà Moscow đã đúc rút từ cuộc xung đột tại Syria.

Cuộc tập trận Zapad sẽ một lần nữa khiến các nước Baltic trong khối NATO và các nước Scandinavia lo ngại, nhắc nhở họ rằng Nga vẫn coi các nước láng giềng này là sân sau của mình.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của chuyên gia phân tích Kyle Mizokami.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại