Vì sao Mỹ tuần tra trên không thay vì trên biển như kế hoạch?

Đức Huy |

Tạp chí The Diplomat hôm nay (27/4) đăng bài bình luận thông tin từ Wall Street Journal cho biết, Mỹ đã hủy đợt tuần tra trên biển để tuần tra trên không qua Bãi cạn Scarborough.

Thông tin này được một quan chức chính phủ Mỹ tiết lộ với Wall Street Journal (WSJ).

Theo đó, trong một động thái "hạ nhiệt" trên Biển Đông mà vẫn thể hiện được thái độ phản đối với các hành động của Trung Quốc trên Bãi cạn Scarborough, Washington quyết định không tiến hành tuần tra tự do hàng hải (FONOP) như kế hoạch ban đầu, mà thay vào đó đã điều máy bay tới tuần tra gần khu vực này.

Nếu theo đúng tần suất mỗi quý một lần như tuyên bố trước đây, thì đáng ra tháng 4 này Mỹ sẽ phải có thực hiện một FONOP. Trước đó, Hải quân Mỹ đã tuần tra vào tháng 10/2015 tại khu vực Quần đảo Trường Sa, và một lần khác vào tháng 1/2016 tại Quần đảo Hoàng Sa.

Bối cảnh dẫn đến quyết định này chưa được công khai, song theo phân tích của chuyên gia Ankit Panda trên tạp chí The Diplomat, chính phủ Tổng thống Barack Obama làm vậy vì muốn cùng lúc thể hiện sự ủng hộ dành cho đồng minh Philippines cũng như tránh gây hấn quá mức với Trung Quốc.

Trước đợt tuần tra này, Washington đã có nhiều động thái "vỗ về" Manila trong thời gian qua.

Có thể kể đến chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, việc kí kết Hiệp ước Quốc phòng EDCA cho phép Mỹ đóng quân luân phiên tại Philippines, và việc ông Carter trở thành ông chủ Lầu Năm Góc đầu tiên trong lịch sử đích thân giám sát cuộc tập trận Balikatan.


Ông Carter trong chuyến công du Philippines hồi đầu tháng. Ảnh: AP

Ông Carter trong chuyến công du Philippines hồi đầu tháng. Ảnh: AP

Theo ông Panda, việc Mỹ chọn Bãi cạn Scarborough cũng là một chi tiết đáng chú ý. Chuyên gia này phân tích, Washington đang ngày một lo ngại việc Bắc Kinh sẽ sớm đẩy mạnh các hoạt động cải tạo đất tại Bãi cạn này.

Với việc hủy FONOP, Mỹ đã "dồn trọng tâm vào 3 đợt tuần tra trên không gần Scarborough trong những ngày qua", WSJ viết. Cụ thể, chiến đấu cơ A-10 Thunderbolt và trực thăng HH-60 Pave Hawk đã được điều động từ căn cứ Clark tới thực hiện nhiệm vụ này.


Chiến đấu cơ A-10 Thunderbolt tham gia tuần tra gần khu vực Bãi cạn Scarborough. Ảnh minh họa: WikiMedia

Chiến đấu cơ A-10 Thunderbolt tham gia tuần tra gần khu vực Bãi cạn Scarborough. Ảnh minh họa: WikiMedia

Lầu Năm Góc - Nhà Trắng bất đồng?

Việc phải hủy kế hoạch tuần tra trên biển đã giảm hẳn uy tín của tuyên bố do ông Carter đưa ra hồi năm ngoái, rằng FONOP sẽ diễn ra đều đặn trên Biển Đông.

Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, theo ông Panda, điều này nhiều khả năng còn cho thấy căng thẳng giữa Lầu Năm Góc và Nhà Trắng vẫn hiện hữu.

Về phía bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh cho biết: "Chuyện máy bay di chuyển xung quanh không phận gần Hoàng Nham Đảo (tên gọi Bãi cạn Scarborough của Trung Quốc - PV) cũng không có gì lạ.

Tuy nhiên, làm rùm beng một việc như vậy cũng có phần thiếu tự nhiên, và cần đặt dấu hỏi cho lý do họ làm vậy".

Bộ Ngoại giao nói tương đối "nhẹ", nhưng bộ Quốc phòng Trung Quốc thì nói thẳng: "Đảo Hoàng Nham là lãnh thổ của Trung Quốc, và quân đội Trung Quốc sẽ làm mọi điều cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh", giọng điệu khá giống với những gì Bắc Kinh tuyên bố sau 2 đợt FONOP trước đây của Mỹ.

Nhìn từ phía Washington, bản thân việc hủy bỏ FONOP không phải vấn đề gì quá lớn, bởi đợt tuần tra trên không cũng mang thông điệp tương tự tới Bắc Kinh, và phản ứng của bộ Quốc phòng Trung Quốc đã cho thấy điều đó. Không những vậy, Mỹ còn thể hiện được sự ủng hộ dành cho đồng minh Philippines.

Lo ngại

Tuy bản chất sự việc lần này không có nhiều vấn đề, song việc phải hủy bỏ FONOP, theo chuyên gia Panda, có khả năng sẽ gây nhiều hậu quả về lâu về dài cho tiếng nói của Mỹ trên Biển Đông.

Từ trước đến nay, Mỹ vẫn nói rằng tuần tra là một việc hết sức bình thường, và họ muốn thể hiện quyết tâm bảo vệ quyền tự do đi lại, chứ không có ý nghĩa biểu tượng của một hành động gây hấn trực tiếp nhắm vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, với việc hủy bỏ tuần tra trên biển lần này, ông Panda cho rằng Mỹ đã tự gán cho FONOP một y nghĩa biểu tượng nào đó.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng không loại trừ khả năng những lời đồn thổi về việc cải tạo đất trên Bãi cạn Scarborough chỉ là đòn "tung hỏa mù" của Trung Quốc.

Ông cho rằng, trước nguy cơ cao phả đối mặt với phán quyết bất lợi trong vụ kiện với Philippines tại Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA), Bắc Kinh không lý gì lại tiếp tục "làm xói món hình ảnh vốn đã chẳng mấy tốt đẹp của mình" bằng các hành động cải tạo trên Bãi cạn Scaborough, kể cả khi Trung Quốc có tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết của PCA.

Nếu những gì chuyên gia Panda lo ngại là đúng, thì phải chăng Mỹ đã hành động có phần hấp tấp?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại