Ankara hoan nghênh nhưng không "mặn mà" với Patriot
Thời hạn đầu tiên mà Washington đặt ra để Thổ Nhĩ Kỳ đáp ứng lời đề nghị mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot đã được thông qua vào tuần trước mà không có tiến triển nào trong thỏa thuận hai nước.
Chỉ một ngày sau hạn chót, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence một lần nữa nêu vấn đề với Ankara về thỏa thuận gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần qua, ông Pence đã đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ bằng lời ám chỉ rằng: "Chúng tôi sẽ không để yên trong khi đồng minh NATO mua vũ khí từ kẻ thù của mình. Chúng ta không thể đảm bảo sự phòng thủ của phương Tây nếu các đồng minh của chúng ta phát triển phụ thuộc vào phương Đông".
Người Mỹ gần đây đã đồng ý cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận tên lửa Patriot, trị giá khoảng 3,5 tỷ USD, nhưng đã liên kết thỏa thuận này với một số điều kiện, bao gồm cả việc cần phải từ bỏ thỏa thuận S-400 với Nga.
Người Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu hoan nghênh lời đề nghị, nhưng từ chối các điều kiện ràng buộc kèm theo. Ankara cũng liên kết mọi thỏa thuận có thể để phục vụ lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là về khung thời gian giao hàng hệ thống.
Ngoài ra, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng quy định sự cần thiết của thỏa thuận bao gồm việc chuyển giao công nghệ cho nước này cũng như các điều khoản hỗ trợ tài chính chi trả.
Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, Mỹ đã phản ứng tích cực với điều kiện cung cấp hệ thống sớm, nhưng vẫn chưa đáp ứng với các vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tài chính.
Vì thời hạn chính thức cho phản hồi về lời đề nghị của Mỹ sẽ hết hạn vào cuối tháng 3, do đó cuộc tranh luận về chủ đề này sẽ còn tiếp tục trong vài tuần nữa.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán mua vũ khí của hai nước cũng xảy ra trong bối cảnh Mỹ đe dọa chuyển giao máy bay chiến đấu F-35 cho Ankara và khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu nước này không rút lui khỏi thỏa thuận S-400 với Nga.
Theo các nhà quan sát, Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng việc loại bỏ họ khỏi chương trình sản xuất F-35 sẽ chỉ mang đến tổn hại cho người Mỹ, đồng thời cản trở thời gian giao hàng sớm cho nhiều đồng minh. Quan trọng hơn, nó sẽ làm tổn hại uy tín vốn đã sứt mẻ của Washington.
Cũng chính vì lý do này, động thái ép buộc của chính quyền Trump sẽ chỉ củng cố cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ đối với thỏa thuận với Nga, vì rõ ràng là rút ra khỏi hợp đồng S-400 là điều gần như không thể trong hoàn cảnh hiện tại.
Lý do Ankara "sống chết" với S-400 của Nga
Mỹ mời gọi Thổ Nhĩ Kỳ mua Patriot nhưng không đưa thêm điều kiện chuyển giao công nghệ.
Có ba lý do khiến Ankara sẽ không từ bỏ thỏa thuận S-400 với Nga. Đầu tiên là thiếu tin tưởng vào sự chân thành của Washington, đặc biệt là sau khi Mỹ không giữ lời hứa trong một số trường hợp, gần đây nhất là đe dọa hủy giao hàng F-35.
Ankara tin rằng một khi chốt hợp đồng, Mỹ sẽ có thể sẽ tiếp tục chơi trò đe dọa hủy bỏ thỏa thuận Patriot hoặc sử dụng nó như một phương tiện để gây sức ép cho Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp cần thiết.
Hơn nữa, việc thiếu một động lực tài chính khiến Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảm thấy tốn kém khi mua hệ thống Patriot từ Mỹ, đặc biệt là trong hoàn cảnh kinh tế hiện tại. Trừ khi Washington thảo luận về khía cạnh này của thỏa thuận, nếu không đề nghị với Patriot sẽ không hấp dẫn từ quan điểm tài chính thuần túy, chứ chưa nói đến những so sánh khác với S-400 của Nga.
Cuối cùng, cho đến nay, Washington đã từ chối chuyển giao công nghệ cho Thổ Nhĩ Kỳ như một phần của thỏa thuận tiềm năng với Ankara. Nếu điều này không được thực hiện, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đạt được mục tiêu mong muốn, và do đó hệ thống Patriot có mua lại cũng chỉ vì lý do chính trị để cân bằng trong mối quan hệ giữa Nga và Mỹ.
Với tất cả lý do trên, gần như chắc chắn rằng Ankara sẽ tuân thủ thỏa thuận S-400 với Nga.