Chiều ngày 18/12/2017 tại Sở GDCK TP.HCM (HoSE) đã diễn ra buổi đấu giá chào bán cạnh tranh cổ phần của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với sự tham gia của 2 nhà đầu tư trong nước, bao gồm 1 tổ chức và 1 cá nhân đã đăng ký mua tổng cộng 343,68 triệu cổ phần SAB , tương đương 53,6% cổ phần lưu hành của Sabeco. Lượng đặt mua của 2 nhà đầu tư này nhỉnh hơn 20 nghìn cổ phiếu so với lượng chào bán của Bộ Công thương.
Kết quả đấu giá, Nhà đầu tư cá nhân đã mua được 20.000 cổ phiếu Sabeco đã đăng ký với mức giá 320.500 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua trọn lô 343,66 triệu cổ phiếu SAB với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu, bằng với mức giá khởi điểm. Theo đó, mức giá thành công bình quân được xác định là 320.000 đồng/cp.
Như vậy là, đợt chào bán cạnh tranh cổ phần Sabeco đã thành công mỹ mãn và Nhà nước dự kiến thu về 110.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD trong đợt đấu giá này.
Tuy nhiên, điều nhiều người hiếu kỳ là: Vì sao một nhà đầu tư cá nhân phải lặn lội đi đấu giá mua 20.000 cổ phiếu Sabeco cho bằng được mà không phải là mua trên sàn theo phương thức khớp lệnh thông thường? Vì sao chấp nhận mua đắt hơn cả nhà đầu tư tổ chức là Công ty TNHH Vietnam Beverage?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Nhà đầu tư cá nhân mua thành công 20.000 cổ phần SAB là ông Ngô Vinh Hiển, đến từ Hà Nội. Ông Hiển đặt mua thành công 20.000 cổ phần với giá 320.500 đồng/cổ phần, cao hơn giá khởi điểm 500 đồng và cũng cao hơn nhà đầu tư tổ chức Vietnam Beverage 500 đồng/cổ phiếu.
Nếu tính theo giá cổ phiếu SAB chốt phiên giao dịch ngày 18/12/2017 là 309.200 đồng/cp thì ông Hiển đã tạm lỗ ngay 226 triệu đồng cho món 20.000 cổ phiếu mà ông đã phải lặn lội mất thời gian đi đấu giá mới mua được.
Thực tế, để mua được 20.000 cổ phiếu SAB trên sàn niêm yết thì không khó gì khi mà thanh khoản cổ phiếu SAB bình quân 10 phiên gần đây đạt gần 140 nghìn cổ phiếu mỗi phiên và giá cổ phiếu những phiên gần đây đều không quá 320.000 đồng/cổ phiếu.
Biến động giá cổ phiếu SAB 6 tháng qua
Tuy nhiên, nếu như không có lệnh đặt mua của ông Hiển thì kỳ đấu giá này đã không diễn ra được. Theo quy chế đấu giá cạnh tranh, cuộc chào bán cạnh tranh chỉ đủ điều kiện tổ chức khi có ít nhất 2 nhà đầu tư tham gia.
Chính vì thế, nếu không có nhà đầu tư Ngô Vinh Hiển "hy sinh" chịu lỗ và đặt mua cổ phần thì cuộc chào giá cạnh tranh lần này đã không thành công. Lý do vì sao lại là 20.000 cổ phiếu chứ không phải con số nhỏ hơn là vì bước khối lượng để tham gia đợt chào giá cạnh tranh lần này là 20.000 cổ phiếu.