Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu cơ chế gây ra lũ lụt trên sông Hoàng Hà. Theo đó, lớp phù sa tích tụ trên sông Hoàng Hà chính là nguyên nhân khiến nước sông luôn có màu vàng đặc trưng và thường xuyên tràn bờ gây lũ lụt.
Theo Tân Hoa Xã, hàng thế kỷ trải qua sự bồi đắp phù sa cùng sự bao bọc của các con đê đã khiến nước sông Hoàng Hà chảy ở độ cao lớn hơn so với đất nông nghiệp 2 bên bờ. Điều này khiến tình trạng ngập lụt trở nên nghiêm trọng hơn. Ước tính, đê trên sông Hoàng Hà đã vỡ không dưới 1.500 lần.
Xả lũ tại đập Tam Môn Hiệp trên sông Hoàng Hà (ảnh: Xinhua)
Việc Trung Quốc xây dựng nhiều đập nước mà chưa tính toán chính xác khả năng tích tụ trầm tích, phù sa cũng khiến độ sâu của lòng sông bị thu hẹp, giảm khả năng lưu trữ nước lũ của sông Hoàng Hà.
Hoàng Hà là dòng sông dài thứ 6 thế giới và dài thứ 2 tại Trung Quốc, sau sông Dương Tử. Lưu vực sông Hoàng Hà cũng được coi là cái nôi của nền văn minh Trung Quốc.
Dài 5.464 km, Hoàng Hà chảy qua 9 tỉnh thành Trung Quốc, cuối cùng đổ ra biển Bột Hải. Do chảy qua cao nguyên Hoàng Thổ ở Tây Bắc Trung Quốc, sông Hoàng Hà có màu vàng đặc trưng. Hoàng Hà cũng có nghĩa là sông màu vàng. Dòng sông cũng cung cấp nước cho người dân ở 40 tỉnh thành Trung Quốc.
Những trận lũ lịch sử trên sông Hoàng Hà gần đây nhất xảy ra vào các năm 1931, 1938 và 1943.
Việc xây dựng đập lớn không phải cách tốt nhất để kiểm soát lũ trên sông Hoàng Hà, theo chuyên gia (ảnh: Xinhua)
Trận lũ năm 1931 ở Trung Quốc được đánh giá là đại hồng thủy khủng khiếp nhất lịch sử thế giới, trực tiếp và gián tiếp cướp đi sinh mạng của khoảng 3,7 triệu người, theo Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA).
Mưa lớn năm đó khiến nước sông dâng cao bất thường, làm một khu vực rộng 180.000 km vuông chìm trong nước. Dịch bệnh, nạn đói kéo theo sau trận lũ cũng cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người.
Sông Hoàng Hà vận chuyển lượng phù sa, trầm tích nhiều gấp 10 – 20 lần so với giới hạn của mô hình nghiên cứu. Phù sa trên sông Hoàng hà có dạng hạt nhỏ và mịn, có thể bị nước sông cuốn đi một quãng đường dài.
Không có nhiều con sông trên thế giới có loại phù sa nhỏ mịn như ở sông Hoàng Hà. Từ năm 2002, Trung Quốc đã cho xây dựng một số con đập trên dòng sông này để kiểm soát lũ.
Việc xây đập trên sông Hoàng Hà thể hiện hiệu quả trong việc điều tiết lũ ở những năm đầu. Tuy nhiên, thời gian đã chứng minh rằng, xây dựng đập lớn không phải cách phù hợp để kiểm soát lũ sông Hoàng Hà.
Những con đập đã nhốt một phần phù sa, trầm tích trong các hồ chứa, làm giảm khả năng vận chuyển phù sa của con sông. Trong những năm gần đây, lòng sông Hoàng Hà ngày càng xuất hiện nhiều hạt phù sa to và nặng hơn. Điều này khiến việc vận hành các con đập trên dòng sông trở nên kém hiệu quả.
Nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra ở Trung Quốc sau khi nhiều vấn đề về đập Tam Môn Hiệp xuất hiện.
Đây là con đập đầu tiên được xây dựng trên sông Hoàng Hà. Công trình đập Tam Môn Hiệp xây dựng năm từ 1957 đến năm 1960 thì hoàn tất. Đập Tam Môn Hiệp khi đó được coi như thành tựu lớn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, chỉ 18 tháng sau khi đập thủy điện chính thức đi vào hoạt động, lượng phù sa tích tụ dưới đáy hồ thủy điện đã lên tới 1,8 tỷ tấn, làm giảm 17% dung tích trữ nước.
Vào những năm 1970, Trung Quốc phải bỏ ra 1,2 triệu USD để cải tạo đập Tam Môn Hiệp, mở 6 cống ngầm giúp giải phóng phù sa.
Trung Quốc đã có nhiều lần sửa chữa, thiết kế lại đập Tam Môn Hiệp do lượng phù sa tích tụ quá nhiều trong hồ chứa.
Những vấn đề về vận hành của con đập vẫn còn kéo dài đến ngày nay. Một số kỹ sư hàng đầu Trung Quốc thậm chí còn kêu gọi dừng hoạt động đập Tam Môn Hiệp.
Khoảng 1/3 loài cá trên sông Hoàng Hà đã tuyệt chủng vì các đập nước, ô nhiễm và nạn đánh bắt tràn lan.