Vì sao liên quân giải phóng Mosul đánh 8 tháng chưa thắng IS dù đông hơn 10 lần?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Ngày 17/10/2016, chiến dịch quân sự giải phóng Mosul, thành lũy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq đã được mở màn.

Trước đó, ngày 16/10/2016, Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi tuyên bố phát động chiến dịch và cam kết sẽ giành thắng lợi quét sạch IS khỏi thành phố này trong vòng 3 tháng. Đây là chiến dịch quân sự có quy mô lớn nhất của chính quyền Iraq chống tổ chức IS kể từ khi Mỹ tấn công đánh chiếm Iraq năm 2003 đến nay.

Nếu so với cuộc chiến của Mỹ năm 2003 đánh chiếm Iraq chỉ trong vòng 40 ngày thì cuộc chiến giải phóng Mosul đến nay đã bước sang tháng thứ tám vẫn chưa biết khi nào kết thúc.

Theo con số của chính phủ Iraq, tham gia chiến dịch này có 140.000 quân, trong đó có 60.000 quân của lực lượng an ninh Iraq ISF, 14.000 dân quân địa phương, 40.000 quân Peshmerga của người Kurd và lực lượng vũ trang Hashd Sha'abi của người Shia.

Đứng sau chiến dịch này là cả một đội quân hùng hậu của liên quân quốc tế gồm 9.000 người, trong đó có 5.200 lính Mỹ.

Trong khi đó, IS có khoảng 4.500-12.000 quân, trong đó có 1.000 quân là người nước ngoài thuộc các quốc tịch khác nhau. Mặc dù quân số ít, nhưng đây là lực lượng thiện chiến gồm nhiều sỹ quan trong quân đội của chính quyền cũ được trang bị vũ khí hiện đại do quân Iraq rút khỏi thành phố năm 2014.

Sau 1 tháng siết chặt vòng vây quanh thành phố, Thủ tướng Al-Abadi tuyên bố tổ chức IS chỉ có hai sự lựa chọn: Hoặc là đầu hàng, hoặc là bị tiêu diệt.

Vì sao liên quân giải phóng Mosul đánh 8 tháng chưa thắng IS dù đông hơn 10 lần? - Ảnh 1.

Một vụ không kích nhằm vào IS đi nhầm mục tiêu, làm ít nhất 150 người thiệt mạng ở một quận phía Tây Mosul (Ảnh: Felipe Dana/AP)

IS thay đổi cách đánh, chiến sự diễn biến phức tạp

Mặc dù chính quyền Iraq hạ quyết tâm giải phóng Mosul trong vòng 3 tháng, nhưng đến nay đã hơn 7 tháng trôi qua, cuộc chiến vẫn chưa có triển vọng kết thúc sớm và đang biến thành một cuộc chiến tranh du kích tiêu hao.

Có thể nói chiến dịch giải phóng Mosul đến nay đã không đạt được mục tiêu đề ra mà hậu quả của nó hết sức nặng nề.

Từ một thành phố đẹp tuyệt vời, vào mùa xuân hoa nở khắp nơi không khác gì một thành phố ở châu Âu bỗng trở thành một đống đổ nát, hoang tàn. Nhiều khu trong thành phố trở thành đống gạch nát.

Tình hình nhân đạo tại Mosul là hết sức bi kịch. Theo thống kê của Liên hợp quốc, hơn 630.000 người dân Mosul mất nhà cửa phải chạy khỏi sự ác liệt của chiến tranh để sống trong các trại tỵ nạn. 50% các công trình cơ sở hạ tầng điện, nước, cầu cống, đường sá bị phá hủy.

Chừng 750.000 người dân còn kẹt lại trong thành phố đang phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu nước uống, lương thực, thực phẩm và thuốc chữa bệnh.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 7 tháng qua đã có 16.000 dân thường bị giết, trong đó có 9.000 phụ nữ và trẻ em, 19.000 người khác bị thương.

Con số thương vong này không chỉ do IS mà một phần rất lớn còn do các cuộc pháo kích của quân Iraq và máy bay liên quân ném bom "nhầm mục tiêu" trong thành phố.

Hơn 9.000 quân Iraq thuộc lực lượng ISF và Peshmerga tham gia chiến dịch đã bị giết. Chỉ xét về con số thương vong, sự tàn phá và hậu quả nhân đạo, chưa tính tới chi phí cho cuộc chiến thì cái giá phải trả cho chiến dịch giải phóng Mosul là quá đắt.

Mặc dù chính phủ Iraq tuyên bố đã kiểm soát được 90% thành phố, nhưng trên thực tế chiến dịch giải phóng Mosul đang đứng trước nhiều khó khăn, phức tạp.

IS đang thay đổi chiến thuật từ đối đầu trực diện sang chiến tranh du kích, chiến tranh đường phố, dùng lá chắn người..... làm cho các cuộc pháo kích và ném bom của không quân không phát huy được tác dụng. Trong khi đó IS đang mở thêm mặt trận ở phía Tây tỉnh Anbar, Dyala và Rutba.

Vì sao liên quân giải phóng Mosul đánh 8 tháng chưa thắng IS dù đông hơn 10 lần? - Ảnh 2.

Người dân dùng tem phiếu để nhận thực phẩm viện trợ nhân đạo ở phía Đông Mosul, ngày 31/1/2017 (Ảnh: Khalid Mohammed/AP)

Chiến dịch phục vụ mục đích chính trị của Mỹ?

Theo giới nhà binh, chiến dịch quân sự này đã không được chuẩn bị kỹ càng, các nhà chỉ huy chiến dịch đã đánh giá thấp khả năng chiến đấu của IS.

Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng mục đích chính của chiến dịch này không phải để giải phóng Mosul mà đề phục vụ cho bầu cử ở Mỹ và thanh lọc sắc tộc.

Chính quyền Mỹ và Iraq quyết định mở chiến dịch này vào tháng 10/2016, trước bầu cử ở Mỹ tháng 11/2016 và trước khi Tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ là có ý để nâng cao vị thế và tăng thêm cơ hội cho ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton bước vào nhà Trắng.

Trong trường hợp ứng cử viên đảng Cộng hoà Donald Trump thắng cử thì thắng lợi của chiến dịch này cũng sẽ là món quà có ý nghĩa cho ông Trump.

Đội quân đông nhưng không đồng nhất

Tham gia chiến dịch, ngoài lực lượng Iraq và liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu, còn có lực lượng Peshmerga của người Kurd, Hashd Sha'abi của người Shia thân Iran và quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều lực lượng tham gia chiến dịch như vậy, nhưng không có bộ chỉ huy chung, thiếu sự phối hợp tác chiến. Các lực lượng này đều chống IS, nhưng bộc lộ nhiều yếu kém do không thống nhất và mỗi bên lại theo đuổi những mục tiêu riêng.

Các lực lượng ISF chiến đấu vì mục tiêu của chính quyền Iraq, Peshmerga lại chiến đấu vì quyền tự trị của người Kurd. Trong khi đó, mục tiêu của Hashd Sha'abi là thanh lọc người Hồi giáo Sunni. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những mục tiêu riêng của mình là kiểm soát thành phố biên giới chiến lược này và toàn bộ phía Bắc Iraq để kiềm chế ảnh hưởng của người Kurd.

Mỹ và đồng minh chưa thực sự muốn tiêu diệt hoàn toàn IS, mà họ sử dụng IS để gây sức ép với chính phủ Iraq và Syria, duy trì sự có mặt lâu dài của mình ở khu vực.

Vì sao liên quân giải phóng Mosul đánh 8 tháng chưa thắng IS dù đông hơn 10 lần? - Ảnh 3.

Những mâu thuẫn về quyền quản lý thành phố Mosul sau giải phóng cũng đã xuất hiện ngay trước khi mở màn chiến dịch. 

Cùng tham gia chiến dịch giải phóng Mosul, các lực lượng khác không chấp nhận chính phủ Iraq là bên duy nhất quản lý thành phố như tuyên bố của Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi.

Việc tiêu diệt hoàn toàn các lực lượng IS là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Cuộc chiến Mosul đang bước sang một giai đoạn hết sức ác liệt và khó khăn.

Dù thế nào chăng nữa, xét tương quan lực lượng hiện nay, sớm hay muộn IS sẽ buộc phải rút khỏi Mosul về cố thủ ở các thành phố Telafar và Sanjar dọc theo biên giới với Syria do chúng kiểm soát, chuẩn bị cho trận chiến mang tính chất quyết định ở Raqqa.

Cuộc chiến giải phóng Mosul sẽ kết thúc không có nghĩa là tình hình Iraq sẽ yên. Cuộc chiến chống khủng bố và IS sẽ còn hết sức khó khăn, cần sự đoàn kết và nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại