Tôi có một người bạn, vừa tốt nghiệp loại giỏi tại một trường đại học danh tiếng thì đã ngay lập tức đậu phỏng vấn vào một công ty, con đường phía trước trông rất thuận buồm xuôi gió. Một nhân viên mới mang trên mình ánh hào quang chói rọi của một sinh viên loại giỏi đương nhiên cũng sẽ có vô số sự kỳ vọng từ mọi người thúc đẩy anh ấy hăng hái trong công việc.
Sợ sếp không biết mình là siêu nhân, anh ấy luôn gồng mình, làm việc 120% công suất, tham gia hoạt động nhóm thì luôn tranh trước sợ sau, đứng xếp hàng đầu, tranh hạng nhất, anh ấy không cho phép bản thân có bất kỳ khuyết điểm nào.
Các sếp cũng thường hay khen ngợi anh ấy trong các buổi họp, khiến anh cảm thấy cả người tràn đầy nhiệt huyết, giống như một con ngựa hiếu thắng, ngày ngày đều bật chế độ chiến đấu. Khi ấy, anh ta là loại người ai nhìn cũng khen, hoa thấy hoa nở. Nhưng sau nửa năm, hình ảnh và ấn tượng của anh bỗng liên tục giảm sút, thậm chí còn bị sếp phê bình.
Sau này tôi mới hiểu, thì ra anh ấy đã phạm phải sai lầm thường gặp của rất nhiều người khi mới đi làm, đó chính là gấp thể hiện, gấp thành công, kết quả đã tạo ra một bi kịch "dục tốc bất đạt". Vấn đề cơ bản của việc này chính là quá để tâm đến kỳ vọng của người khác, khiến cho năng lực của bản thân bị quá tải, cuối cùng bùng nổ.
(Ảnh minh hoạ: Pinterest)
Ngay sau khi gia nhập công ty, anh ấy đã nỗ lực hết mình, thậm chí dùng hết thời gian rảnh rỗi để cống hiến 120% công suất lao động, giống như việc tăng tốc một chiếc ô tô lên 100 km/ giờ vậy. Các sếp và đồng nghiệp đều lầm tưởng rằng anh ấy có xuất phát điểm cao, vì thế sức chịu đựng cũng sẽ cao không kém, nên đã đặt kỳ vọng quá lớn.
Khi mới bắt đầu, anh ấy đã đổ đầy xăng và sử dụng 120% "sức lực" của mình, điều này dẫn đến sự thiếu bền vững về sau, và việc "chiếc xe" bị hư giữa đường cũng là một điều dễ hiểu. Khi tốc độ xe chậm lại, các nhà lãnh đạo sẽ cảm thấy rằng anh ấy không còn chăm chỉ nữa, dẫn đến ấn tượng về anh cũng dần xấu đi. Kết quả là, khi đơn vị thăng chức cho người mới thì không có tên của anh trong danh sách.
Hãy lấy một ví dụ về quy tắc tâm lý: khi chúng ta xem một bộ phim, nếu đầu phim nhân vật chính là anh hùng, nhưng khi kết phim lại thành vai phản diện, thì loại phim như vậy chắc chắn sẽ bị khán giả ném gạch đến vỡ màn hình mới thôi. Ngược lại, nếu ban đầu nhân vật chính là vai phản diện, nhưng cuối cùng lại bị cảm hóa và về chung đội với nhóm người lương thiện thì khán giả chắc chắn sẽ nhiệt liệt vỗ tay.
Do đó, là một người mới đi làm, bạn phải học cách quản lý được sự kỳ vọng của người khác về mình, chứ không phải để bản thân bị cuốn theo sự kỳ vọng đó. Có vậy thì bạn mới có thể đạt được kết quả "làm một nửa, ăn gấp đôi".
(Ảnh minh hoạ: Pinterest)
Vậy chi tiết thì một người mới nên làm gì mới phải? Xin mời tham khảo 5 quy tắc ngầm dưới đây:
- Đầu tiên, đừng vội bộc lộ hết con người bạn, đừng cố hết sức, tốt nhất khi bắt đầu chỉ nên bỏ ra 70% công lực, rồi từ từ mới gia tăng lên, như thế sẽ tạo được cho người xung quanh sự bất ngờ. Việc duy trì sự kỳ vọng của mọi người ở 9/10 điểm sẽ rất dễ khiến cơ thể bạn mệt mỏi và mất đi sự bền vững về lâu dài.
- Thứ hai, đừng vội thể hiện quan điểm của mình, trước tiên hãy dò xét kỹ rồi hãy nói. Nếu chưa hiểu rõ bản chất và môi trường ở nơi làm việc thì nên im lặng và tìm hiểu chứ đừng cố chấp lấy tư tưởng của học sinh ra để diễn giải toàn bộ. Càng không nên dùng lý tưởng và lý luận đi "thu phục giang sơn", đừng đi lên núi rồi cầu xin cá, bạn nhất định phải học và nghiên cứu trước, từng bước phát triển bản thân.
- Thứ ba, những người mới thì không nên ham thành công nhanh chóng, không nên kỳ vọng công ty phải cho mình được một kết quả ngay tức thì trong một thời gian ngắn. Điều này hoàn toàn không thực tế chút nào, nó không những không mang lại kết quả tốt mà còn có thể phản tác dụng, dục tốc thì bất đạt, đó là quy luật xưa nay.
- Thứ tư, đừng vội vàng bác bỏ ý tưởng của người đi trước, làm vậy sẽ rất dễ đắc tội với người khác. Khi đảm nhiệm một công việc nào đó, vì muốn vội vàng thể hiện bản thân, chúng ta thường muốn làm khác đi, tìm cách mới hơn, trình độ cao hơn người đi trước để thực hiện. Cách cư xử này dễ gây phẫn nộ từ phía lãnh đạo và đồng nghiệp, đồng nghiệp cho rằng bạn thích thể hiện nên họ sẽ dần xa lánh bạn, nếu mọi nhân viên đều coi thường bạn và các mối quan hệ đều rạn nứt thì ngay cả lãnh đạo cũng không thể cứu được bạn.
- Thứ năm, bạn phải "học chơi đàn bằng tất cả các ngón tay", như thế mới tránh được công việc càng lúc càng rối loạn, càng lúc càng mệt mỏi, mỗi ngày đều phải vực dậy tinh thần uể oải. Cần kiểm soát nhịp độ công việc, giảm bớt tâm lý thực dụng nóng vội muốn thành công. Làm việc nên đều đặn, từng bước một, đừng để người khác làm phân tâm.
Nói tóm lại, khi bước vào môi trường làm việc, bạn nên học hỏi và xem xét nhiều hơn, phải khiêm tốn, kiệm lời, biết xin ý kiến với một tư tưởng cởi mở, hòa đồng; phải khắc phục tâm lý nóng vội, loại bỏ ham muốn thành công nhanh chóng, biết tích lũy năng lượng thì mới tiến bộ bền vững được.