Vì sao khó xử lý tội xâm hại trẻ em dù “đối tượng” thừa nhận hay ngoan cố?

Phong Vũ |

Giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 6/2019, Công an TP.HCM đã tiếp nhận 801 tin tố giác, tin báo về tội phạm (đã xác minh 801 vụ, đạt 100%). Công an TP.HCM đã khởi tố 521 vụ/395 bị can về tội xâm hại trẻ em.

Theo báo cáo mới đây của UBND TP.HCM về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em giai đoạn 2015 – 2019, từ năm 2011 đến 2014, Công an TP.HCM đã tiếp nhận 683 tin tố giác, tin báo về tội phạm (đã xác minh 683 vụ, đạt 100%).

Quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, Công an TP.HCM đã khởi tố 566 vụ/471 bị can về tội xâm hại trẻ em.

Với giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 6/2019, Công an TP.HCM tiếp nhận 801 tin tố giác, tin báo về tội phạm (đã xác minh 801 vụ, đạt 100%). Công an TP.HCM đã khởi tố 521 vụ/395 bị can về tội xâm hại trẻ em.

Về phía tòa án, đã thụ lý 374 vụ/415 bị cáo các vụ án hình sự xâm hại trẻ em và đã giải quyết 352 vụ/380 bị cáo, còn lại 22 vụ/35 bị cáo.

Các vụ án xâm hại trẻ em được Tòa án thụ lý, giải quyết kịp thời nhằm xử lý nghiêm người phạm tội, xử lý về bồi thường thiện hại cho người bị hại.

Tuy nhiên, Công an TP.HCM thừa nhận việc điều tra xử lý còn nhiều khó khăn. Trên thực tế xảy ra một số trường hợp đặc biệt như: kết quả giám định pháp y sinh dục ghi nhận màng trinh không giãn, không rách… mặc dù nạn nhân khai đã bị xâm hại tình dục nhiều lần.

Hoặc, có những vụ phát hiện và thu được tế bào nam trong âm hộ của nạn nhân, nhưng Công an TP.HCM không lập được hồ sơ ADN để giám định.

Thậm chí có nạn nhân là trẻ em nữ có tâm sinh lý phát triển sớm, dễ dãi trong lối sống, mối quan hệ với người khác giới và nhiều lần quan hệ tình dục, quan hệ với nhiều người khác nhau, cố tình khai báo hạn chế để che giấu bản thân vì xấu hổ... khiến Công an TP.HCM cũng khó có thể điều tra mở rộng vụ án.

Đối với các trường hợp này, Cơ quan điều tra thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý, dù cho đối tượng thành khẩn thừa nhận hành vi hay ngoan cố, chối tội.

Để bảo vệ trẻ em tốt hơn trước các vụ xâm hại, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất việc thiết lập các đơn vị cảnh sát chuyên biệt về bảo vệ trẻ em.

Đặc biệt, UBND TP.HCM cho rằng cần có quy định: Đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp.

Trong những trường hợp trên, Chủ tịch UBND cấp xã, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế.

Trong khi đó, Tòa án nhân dân cấp quận, huyện cũng nên có thể quyết định việc chăm sóc thay thế đối với trường hợp trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em; hoặc trường hợp cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính là người xâm hại trẻ em...


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại