Theo ghi nhận của PV, thời gian gần đây, từ sáng sớm cho tới tối, lúc nào các tuyến đường gần cảng Cát Lát (quận 2) cũng chật cứng các phương tiện, trong đó chủ yếu là xe tải và container. Đặc biệt là vào khung giờ cao điểm, khi các phương tiện đổ về như nêm.
Điển hình như đường Đồng Văn Cống, Võ Chí Công, Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định.... thậm chí, ra đến Xa lộ Hà Nội cũng bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do cảng hiện đại và lớn nhất cả nước hiện nay rơi vào tình trạng quá tải. Theo thông tin công bố của Công ty Cổ phần Cảng Cát Lái thì cảng này có diện tích 1.200.000 m2.
Trong đó, diện tích bãi là 1.050.000 m2 và diện tích kho là 30.000 m2. Cùng với đó là 8 cầu tàu 1.500 m, khả năng tiếp nhận là 40.000 DWT (Cụm từ tiếng Anh: Deadweight Tonnage, là đơn vị đo năng lực vận tải an toàn của tàu thủy tính bằng tấn).
Dù là cảng lớn và hiện đại nhưng đến nay, cảng này đã vượt năng lực so với dự báo đến 3 năm với gần 50%. Bởi theo quy hoạch, đến năm 2020, năng lực dự kiến qua cảng Cát Lái cũng chỉ khoảng 36 triệu tấn/năm nhưng thực tế, đến năm 2016, sản lượng hàng qua cảng này đã đạt con số 53 triệu tấn, vượt gần 50% so với quy hoạch.
Theo dự báo, lượng hàng tập trung về qua cảng Cát Lái sẽ tăng từ 8% đến 10%/năm trong thời gian tới. Vì vậy, lượng phương tiện di chuyển giao nhận hàng qua khu vực này sẽ tiếp tục tăng và gây áp lực cho đô thị TP, đặc biệt là tình hình giao thông.
Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, khu vực quận 2, 9, Thủ Đức (vây quanh cảng Cát Lái) đang trở thành điểm nóng về giao thông.
Tình trạng kẹt xe nghiêm trọng khu vực này đã diễn ra từ lâu và các ngành liên quan cũng đã tìm các giải pháp khắc phục nhưng vẫn chưa hiệu quả.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: "Lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa qua cảng Cát Lái đã tăng cao trong thời gian qua, hiện ở mức bình quân 17.000 lượt phương tiện (chủ yếu là container và xe tải).
Thậm chí lúc cao điểm đạt khoảng 20.000 - 21.000 lượt, khiến tình trạng ùn tắc giao thông khu vực này diễn ra thường xuyên".
Kẹt xe ra vào cảng đang là nổi ám ảnh không chỉ của người dân, tài xế mà các doanh nghiệp cũng đang đau đầu về câu chuyện này.
Ông Trần Hùng Cường, Tổng giám đốc Công ty giao nhận Hùng Cường cho biết: "Khách hàng, đối tác của chúng tôi thường phàn nàn về sự chậm trễ.
Ngoài thủ tục thông quan tại cảng lại còn phái gánh thêm nạn kẹt xe, có khi chậm hơn giờ dự kiến giao nhận hàng hóa cả ngày do tắc đường.
Nếu không cải thiện thì thiệt hại sẽ rất lớn, không chỉ cho doanh nghiệp mà cả sự phát triển kinh tế - xã hội của TP".
Để giảm kẹt xe, các đơn vị liên quan cũng đã tìm nhiều biện pháp, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được tình trạng nói trên. Theo đó, đại diện cảng Cát Lái cho biết: "Các phương tiện chở container vào càng Cát Lái đều phải làm thủ tục giấy tờ qua mạng internet trước khi đến cảng. Việc này là để giảm thiểu phương tiện dừng, đậu xe chờ vào làm thủ tục, gây ùn tác giao thông". |
Bên cạnh đó, chính quyền TP cũng đã tìm nhiều biện pháp, trong đó đã dự kiến số kinh phí lên tới 34.000 tỷ đồng cho bài toán kẹt xe tại đây.
Ông Cường cho biết thêm: "Các dự án được triển khai là thực hiện nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2), hoàn thành đường Vành đai phía Đông, đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cầu Phú Hữu, xây cầu qua đảo Kim Cương (đường từ khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi đến đường Mai Chí Thọ)...
Dự kiến các dự án này sẽ thực hiện xong trong giai đoạn 2017 – 2018".
Các chuyên gia cho rằng, vấn đề chống kẹt xe tại khu vực cảng Cát Lái cần phải được thảo luận, tính toán kỹ lưỡng và sớm thực hiện.
Bởi vì, trong 5, 10 hay 20 năm nữa, TP.HCM sẽ trở thành một siêu đô thị thì bài toán này sẽ càng khó giải quyết.
Vì thế, tuyến đường sắt nối từ cảng Cát Lái đến ga Sóng Thần (Bình Dương) vốn được Thủ tướng đã chấp thuận và phê duyệt lại được nhắc tới.
Ngoài kẹt xe, các phương tiện chở hàng siêu trường, siêu trọng, quá tải cũng gây ra tình trạng sụt lún nhiều tuyến đường trong thời gian qua. Rõ ràng nhất là con đường Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ liên tiếp bị sụt lún. |