Vì sao Iraq đánh đổi xe tăng Abrams lấy T-90 Nga? Người Mỹ đã nhận ra sự thật cay đắng

QS |

Theo giới chuyên gia, việc Iraq quyết định mua số lượng lớn xe tăng T-90S từ Nga là một lời nhắc nhở phũ phàng dành cho Mỹ.

Mỹ đã mất vị thế độc quyền

Theo trang mạng Defense News (Mỹ), một lữ đoàn thiết giáp của Iraq đang đánh đổi các xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ lấy xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S của Nga. Động thái này được cho là xuất phát từ các lý do địa chính trị.

Quyết định được Iraq đưa ra sau khi các quan chức Mỹ phản ánh rằng một số xe tăng Abrams đã rơi vào tay lực lượng phiến quân do Iran hậu thuẫn, và điều này có thể trở thành một con đường để Nga thông qua đó tìm cách tăng sức ảnh hưởng trong khu vực.

"Tôi cho rằng động thái này một phần được thúc đẩy nhằm khắc phục tình hình trước mắt" - James Phillips, thành viên cấp cao chuyên về các vấn đề Trung Đông tại tổ chức tư vấn Heritage Foundation, nhận định.

"Tuy nhiên, đây cũng là một điều nhắc nhở rằng Mỹ không còn vị thế độc quyền về xe tăng và Iraq có thể có được chúng từ Nga", ông Phillips nói, "Điều này làm suy yếu sức ảnh hưởng của Mỹ, trong khi mang lại cho Baghdad nhiều sự lựa chọn hơn trong tương lai".

Thỏa thuận mua xe tăng T-90S của Iraq được xúc tiến vào đầu năm nay, khi truyền thông Nga thông báo lô đầu tiên với 35 xe tăng, và lô tiếp theo với hơn 30 xe tăng đã được chuyển tới Iraq lần lượt vào tháng Hai và cuối tháng Tư vừa qua.

Đợt chuyển giao thứ hai đã được Iraq xác nhận vào cuối tuần trước, khi Bộ Quốc phòng nước này công bố một đoạn video bằng tiếng Ả Rập cho thấy hình ảnh các xe tăng T-90S mới.

Vì sao Iraq đánh đổi xe tăng Abrams lấy T-90 Nga? Người Mỹ đã nhận ra sự thật cay đắng - Ảnh 1.

Hình ảnh xe tăng T-90S được bàn giao cho Lữ đoàn thiết giáp số 35 của Iraq. Ảnh: Bộ Quốc phòng Iraq.

Truyền thông Nga dẫn lời Tổng Tham mưu trưởng Iraq Osman Ganimi cho hay, hợp đồng cung cấp xe tăng sẽ giúp Iraq "tăng cường năng lực chiến đấu của lực lượng thiết giáp".

Một đoạn video do Military Times đăng tải đã dẫn lời các quan chức quân đội Iraq cho biết, những chiếc xe tăng này sẽ được phân bổ vào 2 tiểu đoàn trực thuộc Sư đoàn thiết giáp số 9 và Lữ đoàn cơ giới số 35.

Trong khi đó, những chiếc xe tăng Abrams còn lại sẽ được chuyển sang Lữ đoàn thiết giáp số 34 và chúng thuộc cùng một sư đoàn.

Thỏa thuận mua xe tăng T-90 được Iraq đề xướng vào thời điểm có tới 9 xe tăng M1A1 Abrams rơi vào tay lực lượng phiến quân PMF (Popular Mobilization Forces) do Iran hậu thuẫn.

Trả lời phỏng vấn tờ Military Times hồi tháng Hai, người phát ngôn Lầu Năm Góc Eric Pahon khẳng định quân đội Mỹ không cung cấp thiết bị quân sự cho PMF.

"Tuy nhiên, chúng tôi phát hiện ra một số trường hợp, trong đó một số thiết bị có nguồn gốc từ Mỹ, như xe tăng Abrams, nằm trong tay các nhóm PMF" - ông Pahon nói.

Mặc dù ông Pahon cho biết các xe tăng Abrams vốn được sử dụng để chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhưng đã có những báo cáo cho thấy chúng được sử dụng để trấn áp cả lực lượng ly khai người Kurd ở Kirkuk, Iraq hồi tháng Mười năm ngoái.

"Tất cả những chiếc xe tăng này gần đây đã trở lại dưới quyền kiểm soát của Lực lượng An ninh Iraq" - ông Pahon nói.

Dù vậy, thông tin các xe tăng Abrams rơi vào tay lực lượng phiến quân do Iran hậu thuẫn đã làm dấy lên một số suy đoán rằng tập đoàn General Dynamics sẽ rút hợp đồng bảo dưỡng các xe tăng này. Nếu điều đó xảy ra thì những chiếc xe tăng Abrams còn lại có thể sẽ bị hư hỏng.

Giới chuyên gia nhận định, việc Iraq tiến đến thỏa thuận mua xe tăng T-90 của Nga sẽ phá vỡ trở ngại đó.

Một số quan chức Iraq cho biết các chuyên gia xe tăng của Nga đã giúp đào tạo các binh sĩ, sĩ quan trực thuộc Lữ đoàn cơ giới số 35 vận hành phương tiện mới. Trong khi đó, thông cáo báo chí chính thức do Iraq công bố không nói rõ những cá nhân hỗ trợ họ đào tạo nhân lực là các quan chức quân đội Nga hay các nhà thầu công nghiệp.

Mẫu xe tăng được 'săn lùng' nhiều nhất thế giới

T-90S là sản phẩm của công ty UralVagonZavod - một trong những nhà sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực lớn nhất trên thế giới.

"Đây là một trong những mẫu xe tăng được 'săn lùng' nhiều nhất trên thị trường vũ khí" - Defense News dẫn thông tin giới thiệu về T-90S trên website chính thức của UralVagonZavod - "T-90S là phiên bản xuất khẩu của T-90".

Công việc của tổ lái xe tăng T-90

Trong khi đó, T-90 là bước phát triển tiếp theo của mẫu xe tăng T-72 thời Liên Xô. Các biến thể của xe tăng T-72 đã được quân đội Iraq sử dụng rộng rãi trước khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ.

Theo Defense News, T-90S được trang bị pháo nòng trơn 125mm, có tốc độ bắn 7 phát/phút.

Xe tăng còn được trang bị súng máy hạng nặng phòng không cỡ 12,7mm và có thể đạt tốc độ tối đa gần 65km/h.

Xe tăng T-90 được nhiều lực lượng vũ trang trên thế giới lựa chọn làm nòng cốt để xây dựng các đơn vị thiết giáp hiện đại.

Giáp phản ứng nổ có thể bảo vệ xe tăng T-90 trước các loại đầu đạn chống tăng nổ mạnh (HE) đang ngày càng trở nên phổ biến hiện nay, cũng như đối phó với các hệ thống vũ khí hạng nặng khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại