Vì sao giấm và bột baking soda rất hiệu quả trong việc tẩy rửa?

Nhật Minh |

Theo chuyên gia Stacy Kish, giấm - khi kết hợp với baking soda - có thể mang lại kết quả đáng kinh ngạc trong nhà bếp.

Theo tạp chí gia đình Reader's Digest (Mỹ), ngày càng nhiều người loại bỏ các loại hóa chất ra khỏi chu trình vệ sinh hàng ngày và chuyển sang các sản phẩm tự nhiên, như giấm và baking soda, để loại bỏ bụi bẩn, khử trùng bề mặt, mang lại không gian sáng bóng và sạch sẽ cho nhà ở.

Vậy thì tại sao những thứ đơn giản như trên lại trở thành chất tẩy rửa hiệu quả đến vậy? Theo nhà báo - nhà khoa học Mỹ Stacy Kish, đó là bởi baking soda và giấm nằm ở hai đầu đối ngược của thang độ pH.

Vì sao giấm và bột baking soda rất hiệu quả trong việc tẩy rửa? - Ảnh 1.

Baking soda và giấm trở thành chất tẩy rửa vô cùng hiệu quả. Ảnh: Apartment Therapy

Giáo sư May Nyman tại Đại học Oregon (Mỹ) lý giải thêm rằng: "Khi dùng baking soda hoặc giấm để làm sạch, chúng ta trên thực tế đang thực hiện thao tác rất phức tạp với các phân tử".

Baking soda là tên gọi chung của natri bicacbonat (NaHCO3). Khi nhắc tới baking soda, nhiều người có thể liên tưởng với việc nấu ăn, bởi nó còn được gọi là muối nở, giúp tạo ra độ bông xốp đẹp tự nhiên cho những chiếc bánh.

Trong khi đó, giấm là dung dịch loãng của axit axetic (HC2H3O2), được tạo ra bởi vi khuẩn trong quá trình lên men.

"Baking soda ngược lại với giấm. Nó có vị chua chua, chát chát như giấm nhưng hòa tan các hợp chất hữu cơ", Giáo sư Nyman cho hay, "Giống như giấm, baking soda không gây hại cho người và an toàn khi được sử dụng để làm sạch những nơi bạn lưu trữ thực phẩm".

Vì sao giấm và bột baking soda rất hiệu quả trong việc tẩy rửa? - Ảnh 2.

Baking soda có độ pH là 9, trong khi giấm có độ pH là 2. (Nguồn ảnh: Alamy)

Cả hai thành phần thân thuộc trong nhà bếp này đều là chất làm sạch hiệu quả vì chúng nằm ở hai đầu đối ngược trên thang độ pH. Cần lưu ý, pH là thước đo nồng độ axit hoặc bazơ của một vật chất, theo thang đo từ 1 (rất axit) cho đến 14 (rất bazơ), giá trị trung tính là 7.

Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, nước tinh khiết có độ pH là 7, baking soda có độ pH là 9, trong khi giấm có độ pH là 2.

Baking soda hòa tan các hợp chất hữu cơ như bụi bẩn, dầu mỡ và các chất nhầy dính khác. Ngoài ra, cấu trúc khoáng chất trong từng hạt baking soda còn tạo độ mài mòn nhẹ để làm sạch mà không để lại vết xước.

Trong khi đó, là một loại axit nhẹ, giấm có tác dụng phá vỡ các khoáng chất hình thành từ nước máy, các vết bẩn bám trên bồn rửa, bồn tắm hoặc quầy bếp.

Theo bà Kish, kết hợp hai thứ phổ biến này có thể mang lại kết quả đáng kinh ngạc trong nhà bếp, tuy nhiên, điều quan trọng là không kết hợp chúng với lượng bằng nhau vì điều này có thể làm cho chúng trung hòa và triệt tiêu lẫn nhau. Bạn cần giữ hỗn hợp đó có tính axit hoặc bazơ chiểu theo giá trị trung tính.

Khi trộn baking soda với giấm, axit sẽ phân hủy baking soda, giải phóng khí carbon dioxide có tác dụng loại bỏ bụi bẩn khỏi bề mặt cần làm sạch.

Bà Kish gợi ý một số mẹo vặt khi kết hợp baking soda với giấm như sau:

- Làm sạch bồn rửa: Trộn một phần baking soda với hai phần giấm. Hỗn hợp này tạo ra khí cabonic sủi bọt, có tác dụng làm sạch và làm thông thoáng bồn rửa.

- Loại bỏ mảng bám: Đặt một chiếc khăn ẩm có tẩm giấm lên vùng bị ố, bám bẩn. Sau vài giờ, lấy miếng vải ra và chà lên khu vực bám bẩn đó bằng hỗn hợp bột baking soda với nước. Vệt ố sẽ nhanh chóng bị phân rã và rửa sạch nhanh chóng.

- Diệt nấm mốc: Thêm nửa chén baking soda vào bột giặt để tăng tốc quá trình làm sạch. Sau đó sử dụng một chén giấm trong chu kỳ xả để diệt vi khuẩn và làm mềm vải.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại