Bài phát biểu "sai thời điểm"
Với bài phát biểu đầu tiên tại ĐHĐ LHQ, ông Trump đã làm hài lòng những cử tri vốn ủng hộ mình ở Mỹ và có chăng thì chỉ thêm Israel và Arab Saudi, chứ ở bên ngoài nước Mỹ, thái độ phản ứng chung là thất vọng, hành động phản ứng chung là lắc đầu.
Bộ trưởng Ngoại giao Thuỵ Điển Margot Wallstroem đã gói gọn đánh giá của bên ngoài về bài phát biểu này của ông Trump bằng nhận xét "Đó là một bài phát biểu sai vào thời điểm sai trước diện khán giả sai".
Những ngôn từ gay gắt được ông Trump sử dụng để nói về Triều Tiên, Iran và Venezuela cũng như việc đề cao nhà nước quốc gia tạo nên tông điệu chủ đạo trong bài phát biểu này của ông.
Chúng làm lu mờ một số ý tưởng có thể được coi là tích cực của ông về cải tổ LHQ và dấu hiệu đáng khích lệ là phía Mỹ không đi xa hơn nữa trong việc dùng sự đóng góp tài chính lớn nhất của Mỹ cho ngân quỹ và hoạt động của LHQ để gia tăng áp lực đối với tổ chức này.
Thế giới bên ngoài vốn không còn lạ lẫm gì với cả tính cách cá nhân, triết lý cầm quyền của ông Trump lẫn quan điểm của ông về LHQ, Triều Tiên, Iran và Venezuela. Nhưng từ ngôn từ đến mức độ, từ cách thể hiện đến địa điểm thể hiện thì lại gây bất ngờ và khó hiểu không nhỏ đối với thế giới bên ngoài.
Ông Trump làm những người ủng hộ mình ở Mỹ hài lòng khi dùng chính diễn đàn ĐHĐ LHQ để đề cao khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết".
Không chỉ thế, ở đây ông còn thể hiện là tất cả những quan điểm chính sách của ông Trump đều xuất xứ từ đó. LHQ phải có lợi cho Mỹ và hoạt động theo ý Mỹ thì LHQ mới tốt trong con mắt của ông Trump, phải hiệu quả theo tiêu chí của Mỹ thì Mỹ mới tiếp tục đóng góp tài chính như đã cam kết lâu nay. Điều đó phần nào thể hiện sự không quá coi trọng LHQ của ông Trump.
Đại sứ Triều Tiên tại LHQ, ông Ja Song Nam, rời khỏi phòng khi ông Trump còn chưa kết thúc bài phát biểu. Ảnh: Reuters
Gây lo ngại nhiều hơn tin tưởng
Không thế thì ông Trump đã không dùng diễn đàn LHQ để có bài phát biểu y hệt như thời còn vận động tranh cử tổng thống. LHQ là biểu tượng cho sự gắn kết chung của cộng đồng thế giới thì ông Trump đến và đề cao vai trò của nhà nước quốc gia, tán dương chủ quyền của quốc gia.
Trong khi thế giới hối thúc các bên liên quan tiến hành đối thoại để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thì ông Trump công khai doạ phá huỷ hoàn toàn Triều Tiên.
Trong khi thế giới đánh giá cao giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran thì ông Trump lại phát đi tín hiệu là Mỹ sẽ lật ngược giải pháp ấy. Cả với Cuba hay Venezuela, ông Trump cũng phát đi thông điệp là nước Mỹ chủ trương làm găng thêm chứ không hoà dịu, sẵn sàng chiến tranh chứ không hoà bình.
Ông Trump không đề cập vấn đề khí hậu trái đất, cũng không thể hiện gì về tầm nhìn và định hướng chính sách của Mỹ đối với những vấn đề liên quan đến tương lai chung của nhân loại.
Bài phát biểu của ông Trump vì thế bàn về chuyện đối với nước Mỹ nhiều hơn là về chuyện chung của cả thế giới.
Ông Trump trình bày chủ ý của mình về cách giải quyết những vấn đề hiện đang đặt ra cho nước Mỹ nhiều hơn là về nước Mỹ làm gì để giúp giải quyết những vấn đề chung của thế giới mà cả cách tiếp cận lẫn định hướng ý tưởng giải pháp của ông Trump lại đều khiến thế giới phải lo ngại nhiều hơn là lạc quan tin tưởng.
Ở trong đó có thể thấy bóng dáng của nhiều điềm "không lành" đối với thế giới trong thời gian tới, liên quan đến Triều Tiên và Iran cũng như đến cả LHQ. Đặc biệt là hai nước này sẽ có cách đối phó chứ không ngồi im.
Triều Tiên sẽ coi phát biểu của tổng thống Trump là sự khẳng định những lo ngại an ninh lâu nay và sẽ càng thúc đẩy chương trình tên lửa và hạt nhân. Iran sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản Mỹ lật ngược thoả thuận đã ký kết.
LHQ sẽ phải thích ứng với tình trạng Mỹ cắt giảm đóng góp tài chính và chỉ tham gia vào những hoạt động nào có lợi cho Mỹ.
Nước Mỹ hiện vẫn mạnh về kinh tế và quân sự nhưng dường như đã suy giảm đủ uy tín và tin cậy để dẫn dắt thế giới, càng không phải là khuôn mẫu về chính trị cũng như đạo lý cho thế giới.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả