Trước khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, Donald Trump từng thể hiện sự ngưỡng mộ dành cho lãnh đạo Nga Vladimir Putin và phỏng đoán rằng mình sẽ là phương án tốt hơn so với tiền nhiệm Barack Obama cho mối quan hệ Nga - Mỹ.
Nhưng đã 2 tháng trôi qua, thực tế vẫn không như kỳ vọng khi mà chính quyền Trump đang cứng rắn trong phát ngôn và chọn những vị trí ngoại giao tương tự như chính quyền Obama, giới chuyên gia nhận định.
"Mối quan hệ nồng ấm" giữa Trump và Putin đột ngột bị gián đoạn giữa cơn bão chính trị vẫn đang khiến Washington chao đảo, liên quan tới những cáo buộc về các cuộc tiếp xúc giữa các nhân vật thân cận với Trump và điện Kremlin trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016.
Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng khiến Trump, người vẫn khen ngợi ông Putin là "lãnh đạo mạnh mẽ hơn" ông Obama, phải tiết chế quan điểm của mình.
Khẩu khí cứng rắn và quen thuộc
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã thể hiện rõ lập trường của Nhà Trắng đối với Moskva.
Trong chuyến công du tới London mới đây, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng thẳng thừng nói: "Giờ đây việc Nga vi phạm luật pháp quốc tế là điều mà ai cũng biết".
Còn Tillerson, từng có quan hệ làm ăn với phía Nga khi còn là CEO của hãng Exxon Mobil, đã tái khẳng định sự ủng hộ mà Washington dành cho Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.
Lần đầu gặp gỡ Ngoại trưởng các nước NATO, ông Tillerson đã có những phát ngôn cứng rắn, chỉ trích "sự thù địch" của Moskva tại Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng Washington nên duy trì những cấm vận đã được chính quyền tiền nhiệm đưa ra cho tới khi "Nga thay đổi".
"Sự hỗ trợ mà Mỹ và NATO dành cho Ukraine là không đổi", ông Tillerson nhắc lại lối nói ngoại giao quen thuộc của cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Trong buổi tiệc riêng, ông Tillerson còn nhận được nhiều tràng pháo tay tán thưởng khi tuyên bố rằng "không thể tin tưởng" Nga được nữa và nước này phải quyết định xem "mình muốn giao du với thế giới hay bị cô lập", AFP dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Chuyên gia Jeffrey Rathke thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định, chính quyền Trump đang có xu hướng tuân theo "cuốn cẩm nang về Nga" của Obama.
"Tôi nghĩ những phát ngôn cứng rắn của Tillerson đã phản ánh khả năng duy trì (lập trường đối với Nga) khá cao", ông Rathke nói.
Theo ông Rathke, cuộc tranh cãi hiện thời về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ và những mối liên hệ giữa các nhân vật thân tín của Trump đã khiến Nhà Trắng khó có thể đổi chiều.
Tuy nhiên, ông Rathke cũng nói thêm: "Không ai biết được chuyện này sẽ kéo dài bao lâu".