Vì sao đến cả người Mỹ cũng không tin vào sự kiện đặt chân lên Mặt Trăng, dù thời đó chưa có internet?

Tâm An |

Thuyết âm mưu về những cuộc đổ bộ giả mạo lên Mặt Trăng đã xuất hiện nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ, từ trước khi Internet ra đời.

Ngày nay, các thuyết âm mưu được thổi bùng lên nhanh chóng và dễ dàng nhờ Internet và cộng đồng mạng. Nhưng từ thế kỷ 20, người ta đã có một "công nghệ" vô cùng đơn giản để làm điều này. Đó chính là… sách.

"Chúng ta chưa từng đến Mặt Trăng"

We Never Went to the Moon là tựa đề cuốn sách tự xuất bản năm 1974 của Bill Kaysing (1922 – 2005). Có thể xem cuốn sách này là cuộc thảo luận dài đầu tiên trên mặt giấy về chủ đề này. Kaysing cũng được xem là người khởi xướng thuyết âm mưu về những cuộc đổ bộ giả mạo lên Mặt Trăng.

Vì sao đến cả người Mỹ cũng không tin vào sự kiện đặt chân lên Mặt Trăng, dù thời đó chưa có internet? - Ảnh 1.

We Never Went to the Moon đang được bán trên Amazon. Ảnh: Amazon

Kaysing vốn là một cây bút viết về kỹ thuật, từng làm việc tại công ty Rocketdyne chuyên thiết kế và sản xuất tên lửa của Mỹ từ giữa những năm 1950. Điều này khiến nhiều người tin vào Kaysing khi ông nói rằng những cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng thật ra đã được ghi hình tại một studio ở Khu vực 51, bất chấp sự thật ông ta từng thừa nhận những điều bản thân biết về tên lửa chỉ là "con số 0".

Kaysing cũng không phải mất nhiều công sức để thuyết phục một đám đông đầy hoài nghi rằng chương trình không gian Apollo và cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng đầu tiên vào ngày 20/7/1969 là một trò lừa đảo. Giai đoạn cuối 1960 – đầu 1970, người Mỹ đã trải qua trong một trong những thời kỳ tồi tệ nhất thế kỷ 20, với mọi thứ từ chiến tranh Việt Nam đến vụ bê bối chính trị Watergate đã khiến giới trung lưu không tin tưởng bất kỳ điều gì mà chính quyền nói với họ. Những cuộc khảo sát trong giai đoạn 1970 – 1976 đưa ra nhiều kết quả tương đồng: gần 1/3 dân số nước Mỹ cho rằng những cuộc hạ cánh trên Mặt Trăng chỉ là trò lừa đảo do chính phủ Hoa Kỳ dàn dựng.

Vì sao đến cả người Mỹ cũng không tin vào sự kiện đặt chân lên Mặt Trăng, dù thời đó chưa có internet? - Ảnh 2.

Hình ảnh và chú thích trong cuốn sách We Never Went to the Moon của Bill Kaysing năm 1974.

Liệu bức hình bên phải có thực sự là bề mặt của Mặt Trăng hay chỉ là một mô hình công phu?Bạn có đánh cược cả mạng sống với câu trả lời của mình không? P/S: NASA nói rằng đây là Mặt Trăng.

Trong cuốn sách, Kaysing đưa ra nhiều lập luận để chứng minh cho giả thuyết của mình. Yếu tố đầu tiên được kể đến là trình độ khoa học kỹ thuật thời điểm đó. Lập luận này được nhiều người đồng tình và cho rằng những kiến thức của Kaysing tại Rocketdyne đã cho ông những góc nhìn sâu sắc. Trong cuốn sách của mình, Kaysing viết "… Tôi đã chứng kiến nhiều thất bại, những vụ nổ và những lần ngắt động cơ sớm khi chớm có sự cố… Kể cả sau khi cụm động cơ tương đối khiêm tốn Atlas được Không quân phê duyệt cho sử dụng trong Atlas ICBM, thất bại vẫn xuất hiện đều đặn".

Luận điểm tiếp theo cho giả thuyết của Kaysing là việc thiếu vắng bóng dáng những vì sao trong các bức ảnh chụp trên Mặt Trăng, điều này được ông nhắc lại nhiều lần trong sách. "Không có một ngôi sao nào trong ảnh chụp của họ cả", Kaysing nói với nhật báo New Jersey vào năm 1977. "Nếu chúng được chụp trên Mặt Trăng, sẽ phải có một vài ngôi sao để làm bằng chứng".

Ngày nay, với những hiểu biết công nghệ hiện đại, chúng ta hoàn toàn có thể giải thích lý do không có ngôi sao nào xuất hiện trong ảnh. Mặt Trăng chỉ nhận ánh sáng từ Mặt Trời, vì vậy, tương tự như việc dùng điện thoại chụp ảnh trong điều kiện chỉ có một nguồn sáng duy nhất, nếu chụp bề mặt Mặt Trăng bằng khẩu độ phù hợp, người ta không thể chụp được những ngôi sao rất nhỏ ở xa.

Vì sao đến cả người Mỹ cũng không tin vào sự kiện đặt chân lên Mặt Trăng, dù thời đó chưa có internet? - Ảnh 3.

Khi đặt khẩu độ đủ để chụp các ngôi sao, kết quả sẽ như thế này…

Một cáo buộc khác của Kaysing là đạo diễn nổi tiếng Stanley Kubrick có thể đã tham gia vào quá trình làm giả những cuộc đổ bộ Mặt Trăng. Bộ phim 2001: A Space Odyssey (Tạm dịch: Chuyến du hành không gian) năm 1968 của Kubrick có một số hiệu ứng được đánh giá là đặc biệt nhất từng được thực hiện cho đến thời điểm đó, và bộ phim này có thể ủng hộ giả thuyết Kubrick thật sự đã đạo diễn các cảnh quay những cuộc đổ bộ Apollo mà chúng ta đang xem ngày nay.

"Trong lúc quay 2001, Kubrick và đoàn phim đã tham vấn gần 70 tập đoàn, trường đại học về công nghiệp và không gian, đài quan sát, trung tâm khí tượng thủy văn và nhiều tổ chức khác để đảm bảo rằng bộ phim này chính xác về mặt kỹ thuật", trích lời Kaysing trong sách. "Nếu điều này được thực hiện cho ASP (Apollo Simulation Project - Dự án mô phỏng Apollo) mà không phải để phục vụ cho ‘2001’, nhiều nghi ngờ sẽ hướng đến những người đưa ra các yêu cầu này". Kaysing thậm chí đã xem ngân sách khổng lồ của bộ phim như bằng chứng thuyết phục cho việc Kubrick đã tham gia vào "trò bịp Mặt Trăng", ngầm ý cho rằng vị đạo diễn được NASA trả tiền để dàn dựng mọi chuyện.

Một "bằng chứng" khác chiếm dung lượng đáng kể trong cuốn sách là hình ảnh những đợt tập huấn mà các phi hành gia đã thực hiện. Chúng trông giống một chuyến đổ bộ Mặt Trăng giả tạo. Những bức ảnh này thực sự tồn tại và đã được công bố trên internet như dẫn chứng cho các thuyết âm mưu cho đến tận ngày nay.

Vì sao đến cả người Mỹ cũng không tin vào sự kiện đặt chân lên Mặt Trăng, dù thời đó chưa có internet? - Ảnh 4.

Neil Armstrong sử dụng một máy quay trong một buổi mô phỏng bề mặt Mặt Trăng tại Manned Spacecraft Center (Houston) vào tháng 4/1969, ba tháng trước khi họ thật sự bước đi trên Mặt Trăng. (Ảnh: NASA)

"NASA chế ra Mặt Trăng cho người Mỹ!"

Sau Bill Kaysing, Ralph Rene (1933 – 2008) – một nhà lý luận âm mưu nổi tiếng từ trước khi có Internet – cũng là một người ủng hộ thuyết âm mưu về du hành Mặt Trăng. Thứ khiến ông trở thành "người hùng" trong cộng đồng Moon Hoax (những người ủng hộ thuyết âm mưu về du hành Mặt Trăng) chính là cuốn sách mang tên NASA Mooned America! (tạm dịch: NASA chế ra Mặt Trăng cho người Mỹ!), xuất bản năm 1994. Cuốn sách này có nhiều điểm tương đồng với những lập luận của Kaysing, thậm chí còn có thêm nhiều tuyên bố kỳ quặc hơn.

Vì sao đến cả người Mỹ cũng không tin vào sự kiện đặt chân lên Mặt Trăng, dù thời đó chưa có internet? - Ảnh 5.

Rene đưa ra một bức ảnh các phi hành gia Apollo 11 trò chuyện với Tổng thống Richard Nixon sau khi trở lại từ Mặt Trăng và cho rằng dáng vẻ của họ trông không giống những người hùng vừa đặt chân lên Mặt Trăng. "Nhóm người này chắc chắn không phải một nhóm người hạnh phúc. Có lẽ nào họ thấy xấu hổ về khi nói về một việc họ đã không thực sự làm?"

Vì sao đến cả người Mỹ cũng không tin vào sự kiện đặt chân lên Mặt Trăng, dù thời đó chưa có internet? - Ảnh 6.

Những phi hành gia đầu tiên lên Mặt Trăng ngồi cách ly khi trò chuyện với Tổng thống Richard Nixon. Ảnh: NASA Mooned America!

Đã 5 thập kỷ trôi qua kể từ khi con người đặt chân lên Mặt Trăng, hầu hết người Mỹ (và cả thế giới) đã chấp nhận đây là một sự thật. Đến trước năm 1999, chỉ còn 6% người Mỹ vẫn cho rằng du hành Mặt Trăng là một trò bịp bợm. Có lẽ nhờ vào những tiến bộ công nghệ mà những câu chuyện về Mặt Trăng trở nên dễ chấp nhận hơn. Nhưng vẫn còn đó những nhà lý luận âm mưu, dù đang dần ít đi nhưng lại có tiếng nói mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Kaysing và Rene không còn nữa, nhưng cả hai đều đã sống qua thời kỳ Internet xuất hiện. Ngày nay, họ vẫn còn hiện diện trong những video phổ biến nhất về trò bịp Mặt Trăng đang có trên mạng, trong đó có cả bộ phim tài liệu "The Truth Behind the Moon Landings".

Không nhất thiết phải có Internet thì những thuyết âm mưu mới có thể lan truyền. Và trong thời đại mà những âm mưu thực sự do chính những người có quyền lực tạo ra, thật dễ dàng để thấy được sức hấp dẫn của những thuyết âm mưu như trò bịp Mặt Trăng.

Nhưng, dù bạn có tin hay không thì chúng ta cũng đã thực sự đặt chân lên Mặt Trăng. Tại sao? Bằng chứng thuyết phục nhất, ngoài tất cả những đoạn phim, hình ảnh và đá Mặt Trăng, có thể chỉ là một lập luận đơn giản. Với công nghệ nhiếp ảnh những năm 60, việc tạo ra một Mặt Trăng giả còn khó hơn việc bay tới đó.

Theo Gizmodo

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại