Vì sao đảo quốc du lịch Maldives thành "đích ngắm" của Saudi Arabia, Trung Quốc và... IS?

Hải Võ |

Không chỉ bị Trung Quốc và Saudi Arabia "nhòm ngó" với kế hoạch lập căn cứ quân sự, Maldives có thể lọt vào tầm ngắm của các nhóm khủng bố.

Việc Quốc vương Salman bin Abdulaziz al-Saud của Saudi Arabia thăm Maldives trong hành trình công du châu Á dài ngày của ông làm dấy lên câu hỏi tại sao quần đảo nhỏ bé, được biết đến với ngành dịch vụ du lịch xa xỉ và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, lại trở thành một nhân tố then chốt trong cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng ở khu vực.

Cả Riyadh và Bắc Kinh đều tỏ ra quan tâm đến chuỗi đảo san hô dài 820km có vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương, trong nỗ lực mà giới phân tích đánh giá là nhằm tìm kiếm sự thỏa hiệp để đặt các cơ sở quân sự.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Trung Quốc xem Maldives là chốt quan trọng trong "chuỗi ngọc trai" - khái niệm do Mỹ nêu ra, chỉ một loạt cảng khẩu nằm trên tuyến đường thương mại và vận chuyển dầu lửa trọng yếu, kết nối Trung Quốc với Trung Đông.

Còn với Saudi Arabia, các đảo của Maldives có ưu thế vượt trội khi nằm cách bờ biển của "đối thủ truyền kiếp" Iran.

Sự hiện diện của căn cứ quân sự Trung Quốc hoặc Saudi ở đây cũng sẽ hỗ trợ cho sự phát triển độc lập các "điểm tiếp tế chiến lược" của cả hai nước ở Djibouti.

Cựu tổng thống lưu vong của Maldives, ông Mohamed Nasheed, người bị mất quyền lực năm 2012 sau các cuộc biểu tình phản đối giá tiêu dùng gia tăng và nền kinh tế nghèo nàn, cho biết ông không lạ gì ý định của Trung Quốc và Saudi.

Trang Climate Change News dẫn lời Nasheed nói rằng hai nước "muốn có căn cứ ở Maldives để bảo đảm an ninh cho các tuyến thương mại, vận tải dầu mỏ của họ đến những thị trường mới. Và để có được cơ sở hạ tầng chiến lược".

Vì sao đảo quốc du lịch Maldives thành đích ngắm của Saudi Arabia, Trung Quốc và... IS? - Ảnh 1.

Thủ đô Male của Maldives (Ảnh: AFP)

Tăng cường hợp tác quân sự

Cạnh tranh lợi ích của Saudi và Trung Quốc ở Maldives trái với mối quan hệ hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực quân sự giữa hai quốc gia.

"Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Saudi Arabia lên một cấp độ mới," Bộ trưởng quốc phòng Thường Vạn Toàn nói với người đồng cấp Saudi, Phó thái tử Mohammed bin Salman, vào tháng 8/2016.

Hai tháng sau đó, lực lượng chống khủng bố của hai nước tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và một lực lượng vũ trang của Arab.

Chuyến thăm Maldives của Quốc vương Salman diễn ra trong bối cảnh vương quốc của ông đang thương lượng gói phát triển 10 tỉ USD, thậm chí là thu mua Faafu, 19 hòn đảo thấp (so với mực nước biển) nằm cách thủ đô Male 120 km về phía Nam. Dự án bao gồm xây dựng cảng biển, sân bay, nhà ở và khu nghỉ dưỡng cao cấp... và tạo nên các vùng kinh tế đặc biệt.

Transparency Maldives, chi nhánh của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI), đã kêu gọi chính phủ công khai bản kế hoạch với Faafu, trong bối cảnh có nhiều cuộc biểu tình phản đối vụ đầu tư của Saudi, cũng như tình trạng tham nhũng trong nước.

Vì sao đảo quốc du lịch Maldives thành đích ngắm của Saudi Arabia, Trung Quốc và... IS? - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón tổ chức ở Quảng trường Cộng hòa, thủ đô Male, Maldives năm 2014 (Ảnh: AFP)

Mối đe dọa tiềm tàng

SCMP cho hay, Riyadh coi sự phát triển quyền lực mềm ở Maldives như một biện pháp khiến Trung Quốc tin rằng chính Saudi, chứ không phải Iran, mới là mắt xích chủ chốt trong sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm kết nối lục địa Á-Âu (Eurasia) với Trung Quốc thông qua các dự án cơ sở hạ tầng được Bắc Kinh rót vốn.

Hồi năm 2014, ông Tập đã công du Maldives và tại đây, Trung Quốc công bố dự án xây dựng cây cầu hữu nghị trị giá 210 triệu USD nối giữa phần phía Đông và phía Tây của đảo quốc, nơi có sân bay quốc tế.

Bắc Kinh cũng đồng ý xây dựng một đường băng mới và một cảng ở Laamu, hòn đảo ở phía Nam Faafu. Cảng này được xem là "viên ngọc" trên chuỗi cảng khẩu mà Trung Quốc đã đầu tư xây dựng ở Djibouti, Gwadar của Pakistan, Hambantota của Srri Lanka cùng thành phố công nghiệp trị giá 10.7 tỉ USD mà nước này đầu tư ở cảng Duqm của Oman.

Trong khi sự quan tâm chủ yếu dành cho Bắc Kinh và Riyadh, Ấn Độ bắt đầu lo ngại đảo quốc này có thể xuất hiện một thế lực hoàn toàn khác.

Theo SCMP, các nguồn tin tình báo Ấn Độ khẳng định hàng trăm người Maldives đã gia nhập hàng ngũ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, làm gia tăng lo ngại về sự manh nha của hang ổ khủng bố ngay ngoài khơi lục địa châu Á.

Đảo quốc ở Ấn Độ Dương có thể bị tác động bởi chủ nghĩa bảo thủ cực đoan có nguồn gốc từ IS, và xa hơn nữa là kế hoạch của Saudi hay Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại