Theo tờ SCMP đưa tin, xã hội Trung Quốc đang trải qua tình trạng mất cân bằng giới tính, trong đó nam nhiều hơn nữ. Các gia đình rất áp lực để con trai họ có đủ điều kiện lấy vợ.
Tháng 2 năm nay, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố dữ liệu điều tra dân số năm 2021, cho thấy tỉ lệ giới tính của dân số nước này là 723,11 triệu nam giới so với 689,49 triệu nữ giới.
Tiền lễ mà nam giới phải chi dao động 10.000 nhân dân tệ (1.390 USD) đến 1 triệu nhân dân tệ (139.000 USD).
Tình trạng này dẫn đến nhiều hệ lụy trong xã hội. Vào tháng 9 vừa qua, một phụ nữ 29 tuổi ở miền Nam Trung Quốc đã bất hòa với cha mẹ vì từ chối mua nhà cho em trai.
Tháng 5, một người cha ở tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc, tặng 20 bất động sản cho cậu con trai 24 tuổi để cậu ta nhờ dịch vụ mai mối tìm bạn đời.
Bên cạnh vấn đề tài chính và những mối lo ngại cá nhân, những người đàn ông độc thân này còn có lý do riêng đó là mong muốn sẽ tìm được một người bạn đời không có em trai, vì họ sợ sẽ trở thành gánh nặng tài chính cho hai vợ chồng sau này.
Tại một sự kiện mai mối có sự tham gia của hơn 4.000 người độc thân ở miền Đông Trung Quốc hồi đầu tháng 4, thông tin chi tiết và sở thích hẹn hò của những người tham gia đã được hiển thị công khai.
Theo Jimu News, nhiều nam giới mong muốn tìm kiếm phụ nữ không có em ruột.
Lời giới thiệu của một người đàn ông sinh năm 1990 tại sự kiện ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) cho biết anh ta muốn kiếm bạn gái có công việc ổn định, có ô tô và một căn hộ riêng. Tuy nhiên, cô ấy không được có em trai.
Một người đàn ông khác sinh năm 1998, quê ở Tế Nam (Trung Quốc) mong muốn tìm cho mình một người vợ tương lai dịu dàng và chu đáo.
"Cô ấy không có em trai thì tốt hơn". Anh ta nói.
Nhiều phụ nữ độc thân nhận thức được sở thích ngày càng tăng này của đàn ông độc thân và bắt đầu chia sẻ rõ rằng, họ không có em trai.
Trong bảng thông tin cá nhân của một phụ nữ 27 tuổi cho biết, cô có một người em trai. Nhưng cậu ấy đang là sinh viên của một trường đại học hàng đầu và có thành tích tốt.
"Hơn nữa, tôi sẽ không trở thành một fu di mo", tiểu sử của người phụ nữ cho biết.
Được biết, "Fu di mo" là thuật ngữ mới xuất hiện tại Trung Quốc, có nghĩa đen là "quái vật hỗ trợ em trai" nhằm ám chỉ những người phụ nữ làm quá nhiều việc cho em trai. Nhiều phụ nữ bị cha mẹ buộc phải hỗ trợ tài chính cho anh em trai vì văn hóa truyền thống của Trung Quốc coi trọng con trai hơn con gái.
Ông Zhang Fuhui - chuyên gia tư vấn của Viện Tư vấn tâm lý tương lai Sơn Đông cho biết, việc đàn ông khăng khăng tìm bạn đời tương lai không có em trai là điều bất thường.
"Họ có ý tưởng này vì sợ vợ tương lai sẽ chỉ đóng góp cho em trai họ mà bỏ qua lợi ích của gia đình mới - gia đình chồng mình.", Zhang nói.
Cô tiết lộ, nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc nuôi dạy con gái để có trách nhiệm với em trai.
"Từ nhỏ, cha mẹ đã thấm nhuần tư tưởng là chị phải giúp đỡ em. Kết quả, nhiều phụ nữ sẵn sàng bất chấp để hy sinh vì em trai của họ", Zhang cho hay.
Trước đó, hồi tháng 11/2022, một phụ nữ ở tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc, đã khiến cộng đồng mạng bị sốc sau khi tiết lộ mình đã dành 12 năm làm việc vất vả và tiết kiệm để em trai có thể trang trải chi phí cho hôn nhân.
Kinh doanh hiệu ăn nhỏ, chuyên phục vụ món bánh hành (một loại bánh Trung Quốc), cô đã học làm món bánh này năm 19 tuổi, sau đó gây dựng hiệu ăn có doanh thu hằng tháng khoảng 100.000 nhân dân tệ.
"Hơn 4 năm trở lại đây, tôi rất tằn tiện, ngay cả quần áo mới cũng không mua", cô nói.
Người phụ nữ độc thân cho biết cô đã mua cho em trai mảnh đất rộng 129m2, một chiếc ô tô và tặng luôn nhà hàng cho em.
Cô nói chưa nghĩ đến việc mua nhà cho mình vào lúc này nhưng có thể mua trong tương lai. Khi được hỏi về hôn nhân của mình, người phụ nữ nói bây giờ không phải lúc vì cô đang ưu tiên cho tương lai của em trai.
"Tôi sẽ nghĩ cho bản thân sau khi em trai kết hôn. Đám cưới của tôi có thể đợi", cô nói.
Cách sống của người phụ nữ này khiến nhiều cư dân mạng bất ngờ, có người cho rằng cô đang là tấm gương xấu, tạo ra làn sóng "fu di mo".
Sự kiện mai mối Sơn Đông đã tạo ra nhiều cuộc thảo luận trực tuyến ở Trung Quốc, sau khi được truyền thông địa phương đưa tin. Tin tức về sự kiện này đã nhận được hơn 93 triệu lượt xem chỉ riêng trên Weibo.
"Vấn đề không phải là bạn có em trai, mà bạn là fu di mo", một người nói trên Douyin.
"Hiện tượng xã hội biến dạng này bắt nguồn từ một xã hội biến dạng", một người bình luận.
"Tôi có một người họ hàng là em trai. Nửa kia của tôi nói rằng, tôi không nên có em trai dù không phải em ruột. Buồn cười thật!", một người khác nói.
Tuy nhiên, một người dùng mạng xã hội là nam cho biết: "Tôi là con một. Tôi ghen tỵ với những người có anh chị em ruột. Tôi không phiền nếu bạn gái hay vợ tôi có em trai. Giúp anh ấy đâu có gì to tát".