Chỉ thị của Thủ tướng mới đây được ban hành thêm một lần nữa cho thấy, người đứng đầu Chính phủ vô cùng sốt ruột trước thực trạng tác phong làm việc của không ít công chức, viên chức hiện nay.
Không phải đây là lần đầu tiên có một văn bản chỉ đạo của cơ quan Nhà nước liên quan đến chuyện cấm uống rượu bia trong giờ hành chính, đặc biệt là trong giờ nghỉ trưa.
Trước đó, từ năm 2013, cho rằng công chức trong ngành chưa nghiêm chỉnh chấp hành kỷ cương công vụ, Bộ trưởng Tư pháp lúc đó là ông Hà Hùng Cường đã yêu cầu cấm uống rượu, bia hoặc đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc.
Bởi vị Bộ trưởng này cho rằng, uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc, tác phong và uy tín cán bộ, công chức, viên chức.
Xem ra, dù có văn bản cấm nhưng “phong trào rượu bia vẫn nở rộ”.
Một con số đáng suy ngẫm: Mỗi năm người Việt tiêu thụ hơn 3 tỷ lít bia. Chưa có thống kê về rượu (rượu nhập ngoại, rượu sản xuất tại các nhà máy trong nước, rượu nấu thủ công trong các gia đình…).
Đi kèm với nó là hàng loạt hệ lụy về bệnh tật, tai nạn giao thông, bạo lực (gây rối trật tự công cộng, bạo lực trong gia đình) và đặc biệt, sau những cuộc nhậu “không bờ bến” đã làm méo mó hình ảnh người cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước.
Đã từng có vị Giám đốc bệnh viện uống rượu buổi trưa, mặt đỏ gay gắt… chửi bới phóng viên và những người xung quanh như Chí Phèo chính hiệu;
Và mới đây nhất, sau "chén chú, chén anh", hai cán bộ của Bình Thuận cũng đã lao vào “choảng” nhau sau cuộc nhậu.
Thời gian qua, không ít người dân bức xúc vì khi đến các cơ quan công quyền, tiếp xúc với cán bộ, công chức thì nồng nặc bia rượu, thái độ hách dịch, cửa quyền, thậm chí hỗn hào với người lớn tuổi.
Những hành vi như vậy không bị xử lý nghiêm dẫn đến tình trạng “nhờn”, không sợ bất kỳ qui định, phép tắc nào; họ - những cán bộ thích nhậu, tự cho mình quyền hành dân, mạt xát dân khi thấy không hài lòng.
Và một vấn đề nữa là Nhà nước bị họ "đánh cắp" rất nhiều thời gian để đi nhậu.
Nhiều người từng đi công tác miền núi chia sẻ rằng, nếu muốn được việc thì buổi sáng phải “chào” nhau bằng rượu đã và chỉ có rượu mới dễ vào cuộc, mới giải quyết được công việc.
Cách giải quyết công việc theo kiểu này giờ đây có lẽ đã bớt đi rất nhiều nhưng không phải không còn. Vài chén rượu buổi sáng khiến cả ngày làm việc liêng biêng, tây tây.
Trong tâm trạng ấy, cán bộ nào nhận thức được hành vi ứng xử của mình đã đúng mực hay chưa, giải quyết công việc đã khoa học, thỏa đáng không?
Còn nhớ, năm 2015, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt hàng Viện Xã hội học thực hiện một cuộc tham vấn cộng đồng về lạm dụng bia rượu ở Việt Nam, đã cho thấy rằng, ba nhóm uống rượu bia nhiều nhất là cán bộ công chức (trên 38%), đặc biệt cán bộ công chức ở Hà Nội với trên 48%, kế đến là người lao động tự do (38%) và thanh niên (25%).
Vì sao cán bộ công chức, viên chức lại nhậu dữ đến vậy? Có ý kiến cho rằng “do công chức viên chức không phải trả tiền”.
Thực tế, đây cũng chỉ là một lý do, bởi vẫn có vô số cuộc nhậu được tổ chức theo kiểu “góp gạo thổi cơm chung”, công chức, viên chức vẫn bỏ tiền túi ra đi nhậu như thường.
Nhưng tiền đó ở đâu ra? Chắc chắn không phải từ lương hàng tháng mà từ những bổng lộc khác, từ sự vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp mà có.
Và còn một nguyên nhân nữa, do năng lực yếu kém, không nghĩ ra được việc để làm hoặc có giao việc cũng không làm được… nên chỉ nghĩ đến nhậu.
Đất nước ta còn nghèo, đội ngũ công chức, viên chứcì hùng hậu nhưng làm việc không hiệu quả, luôn hạch sách, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp – những người đóng thuế để nuôi chính những cán bộ công chức này.
Ấy thế nhưng, sau khi bị làm khó dễ, khi công việc “xuôi chèo, mát mái” một chút thì dân, doanh nghiệp lại phải “cảm ơn cán bộ Nhà nước”.
Đây chính là cái vòng luẩn quẩn để những thói hư, tật xấu của những kẻ “say sưa tối ngày” có đất sống.
Không được uống rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa, thậm chí là sau khi đã hết ngày làm việc nếu có nhậu nhẹt cũng phải có chừng mực, giới hạn.
Chứ không thể say xỉn tới mức lao vào đánh nhau gây thương tích như hai vị cán bộ ở Bình Thuận.
Có biết bao nhiêu điều cấm kỵ ở nơi làm việc, nếu thực hiện nghiêm chắc chắn sẽ có những công chức mẫn cán thực sự, làm việc hiệu quả xứng đáng với đồng lương từ tiền thuế của dân.
Cách nào để làm tốt? Trước hết, người đứng đầu, thủ trưởng đơn vị phải làm gương để nhân viên noi theo.
Người đứng đầu có gương mẫu, nghiêm túc thì mới nói được cấp dưới của mình. Nếu cứ xuê xoa, không quyết tâm thì sau Chỉ thị của Thủ tướng lần này, mọi việc lại “vẫn y nguyên”./.