Vì sao chiến dịch mùa xuân của Ukraine chưa bắt đầu dù mùa hè cận kề?

Trung Hiếu |

Chỉ còn độ một tuần nữa là Ukraine chính thức bước vào mùa hè 2023. Thế nhưng chiến dịch phản công vào mùa xuân mà họ tiết lộ bấy lâu nay vẫn chưa thực sự bắt đầu. Nguyên nhân là gì?

Trong nhiều tháng trời, các đồng minh phương Tây đã xuất sang Ukraine hàng tỷ USD vũ khí đạn dược một cách khẩn trương cho kịp với cuộc “phản công mùa xuân” dự kiến của Kiev.

Nhưng ở Ukraine lúc này mùa hè chỉ còn một tuần nữa là tới. (Mùa xuân ở Ukraine được tính chính thức từ tháng 3 đến tháng 5, còn mùa hè là từ tháng 6 đến tháng 8. Hiện tại là ngày 23/5 - ND ).

Vì sao chiến dịch mùa xuân của Ukraine chưa bắt đầu dù mùa hè cận kề? - Ảnh 1.

Lính Ukraine bên pháo cao xạ. Ảnh: AFP.

Mới đây Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng cuộc phản công này bị trì hoãn vì nước ông thiếu các vũ khí phương Tây để có thể chiến đấu mà không phải hứng chịu quá nhiều thương vong. Các quan chức và chuyên gia quốc phòng Ukraine cho biết, còn có cả yếu tố thời tiết và huấn luyện.

Giới chức Ukraine khẳng định phản công vẫn sắp diễn ra. Một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng các động thái sơ bộ của Ukraine chuẩn bị điều kiện cho một cuộc phản công như vậy đã được xúc tiến.

Yếu tố thời tiết

Một lý do lớn cho sự trì hoãn là thời tiết. Vừa rồi, mùa xuân ở Ukraine ẩm ướt, lạnh giá và kéo dài, khiến mặt đất ở Ukraine phải mất nhiều thời gian hơn dự kiến để tan băng và trở nên khô ráo. Do vậy Ukraine chưa thể dễ dàng mở cuộc phản công lớn ngay được.

Trên thực tế, hiện nay đất ở Ukraine vẫn còn giữ lại lớp bùn sâu không thuận lợi cho các loại xe không có bánh xích vận hành.

Quan chức Mỹ nói trên cho hay, bùn lầy như nước xúp, khiến người ta dễ bị lún sâu xuống đó.

Huấn luyện

Trong vài tháng qua, hàng chục ngàn quân nhân Ukraine đã được Mỹ và đồng minh huấn luyện cho cuộc chiến sắp tới. Nhưng tiểu đoàn Ukraine cuối cùng do Mỹ đào tạo vẫn đang trong giai đoạn hoàn thành khóa học.

Lớp học cuối cùng này nâng tổng số quân nhân Ukraine được Mỹ đào tạo cho phản công lên mức hơn 10.700 người. Các lực lượng đó vừa được học không chỉ kỹ năng chiến trường và y tế mà còn cả chiến thuật binh chủng hợp thành hiện đại, sử dụng xe chiến đấu bộ binh thiết giáp Stryker và Bradley và các lựu pháo tự hành Paladin. Ngoài ra, học viên còn bao gồm các lực lượng tinh nhuệ đã được đào tạo để vận hành hệ thống tên lửa phòng không Patriot.

Theo Lực lượng lục quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, có thêm hơn 41.000 lính Ukraine được đào tạo trong khuôn khổ các chương trình do hơn 30 nước đối tác quản lý.

Giai đoạn đào tạo mới sẽ sớm bắt đầu: Mỹ sẽ bắt đầu huấn luyện người Ukraine về sử dụng xe tăng Abrams tại thao trường Grafenwoehr ở Đức. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói với báo giới vào cuối tháng 4 rằng Ukraine sẽ không đợi đến khi việc huấn luyện xe tăng kết thúc thì mới mở cuộc phản công.

Vũ khí mà Ukraine mong vẫn chưa tới

Trong riêng 5 tháng qua, Mỹ công bố rằng họ sẽ gửi thêm 14 tỷ USD vũ khí đạn dược cho Ukraine, đa số lấy từ các kho hiện có nhằm đẩy nhanh quá trình cung cấp cho Kiev. NATO và các đồng minh phương Tây của Ukraine cũng có phản ứng, cam kết cung cấp cho Ukraine hàng tỷ USD xe tăng, xe thiết giáp và hệ thống phòng không.

Thế nhưng phần nhiều các vũ khí trên vẫn chưa tới Ukraine, theo Ben Barry - một cựu quan chức tình báo Anh hiện là nghiên cứu viên cao cấp về tác chiến lục quân tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS).

Ví dụ, trong xấp xỉ 300 cỗ xe tăng được hứa hẹn, như các xe tăng Leopard 2 mà Đan Mạch, Hà Lan, Tây Ban Nha và Đức hứa hẹn, chỉ khoảng 100 xe đã tới nơi. Trong số 700 xe chiến đấu bộ binh, như xe đa nhiệm Marauder của Anh và xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ, chỉ khoảng 300 xe đã tới được Ukraine.

Ukraine cũng sẽ cần có trong tay đủ đạn dược để duy trì nhịp độ chiến đấu nhanh hơn một khi cuộc phản công bắt đầu.

Chuyên gia Barry cho biết, nói đến chuyện đạn dược, người phụ trách ngành hậu cần quân đội Ukraine sẽ có tiếng nói trọng lượng về thời điểm Ukraine sẵn sàng mở cuộc phản công .

Nếu xét riêng loại đạn của lựu pháo 155mm, nghị sĩ Ukraine Oleksandra Ustinova có nói với các phòng viên hồi tháng 4 rằng Ukraine hiện bắn từ 6.000-8.000 quả đạn pháo loại này mỗi ngày.

Manh mối phản công

Cả Nga và Ukraine đều có những bước đi chuẩn bị cho khả năng Kiev phản công.

Một quan chức phương Tây thạo tin tình báo cho hay, Nga có xấp xỉ 200.000 lính dọc theo chiến tuyến 1.000km, bám chắc vào chiến thuật chiến hào có từ thời Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Lực lượng trên không được huấn luyện như lực lượng tấn công ban đầu của Nga nhưng lại có lợi thế là được che chắn bằng chiến hào, bãi mìn và hệ thống “răng rồng” - đó là các chướng ngại vật bê tông hình tam giác nhô trên mặt đất để cản bước tiến của xe tăng đối phương.

Trong khi đó, Ukraine đã khởi động các chiến dịch tạo thế, như là dùng pháo tầm xa để tấn công vào các tuyến phía trước của Nga. Quan chức trên cho hay, đây là dấu hiệu của 2 khả năng: Ukraine sắp tấn công thẳng vào các nơi đó hoặc đây là đòn nhử để đánh lạc hướng chú ý của Nga khỏi kế hoạch tấn công chính thực sự của Ukraine.

Cả chuyên gia Barry và quan chức phương Tây trên nhận định rằng khi Ukraine cố gắng đột phá qua các chiến tuyến dù là ở khu vực hẹp hay tại nhiều vị trí khác nhau trong một chiến dịch phức hợp, đó có khả năng là dấu hiệu cuộc phản công của họ đã bắt đầu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại