Vì sao cần phải sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008?

Phan Trang |

Qua 10 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ (2008) đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Luật đã xuất hiện nhiều tồn tại và các vấn đề phát sinh liên quan như đường cao tốc, cơ chế huy động nguồn lực xã hội vào công trình giao thông, phương tiện giao thông thông minh…

Phương tiện tăng nhanh, cao tốc xuất hiện

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ liên quan đến việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, tại thời điểm xây dựng luật 2008, Việt Nam chưa có đường cao tốc.

Đến năm 2018, mạng lưới đường bộ Việt Nam đã có sự chuyển mình rõ rệt với: 154 tuyến quốc lộ dài 24.598 km, hệ thống đường địa phương dài 643.183 km và đặc biệt là 15 tuyến cao tốc dài 909 km.

Phương tiện cơ giới đường bộ nếu năm 2008 là 22,8 triệu xe, trong đó ô tô là 1,1 triệu, xe máy là 21,7 triệu. Con số này tính đến tháng 4/2019 đã tăng đến 4,1 triệu ô tô và 60,1 triệu xe máy.

Phương tiện kinh doanh vận tải cũng tăng gần 7 lần với 121.897 phương tiện năm 2013 và đến hết tháng 3//2019 con số này là 702.370 phương tiện.

“Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2025, cả nước có ít nhất 4.000 km cao tốc kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau, cùng với đó là sự gia tăng của phương tiện, sự xuất hiện của giao thông thông minh sẽ làm bức tranh giao thông cả nước thay đổi rõ rết.

Do đó, Luật Giao thông đường bộ 2008 không còn phù hợp nữa”, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết.

Sau quá trình tổng kết, nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Huyện cho hay, cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan của các công trình đường bộ có tính chất đặc thù như: Đường cao tốc, cầu dài vượt biển; các cơ chế huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng; khung pháp lý cho các loại phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành đặc biệt là hệ thống giao thông thông minh; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải cho phù hợp thực tế.

Về quan điểm xây dựng Luật, ông Huyện cho biết, dự thảo Luật Giao thông đường bộ mới sẽ đảm bảo 6 quan điểm gồm: Phù hợp Hiến pháp 2013 và các luật mới được ban hành (Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quy hoạch…), đảm bảo các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; kế thừa và phát huy những quy định còn phù hợp, bổ sung quy định đã phát sinh hạn chế trong quá trình thực hiện; tạo cơ chế huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, làm cơ sở kết cấu lại các phương thức vận tải khác; nâng lên thành luật một số quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ 2008 đã ổn định và phù hợp thực tế; cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Những điểm mới

Được biết, nội dung Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sẽ tập trung vào 4 chính sách cơ bản, bao quát cả 5 vấn đề: Quy tắc giao thông, kết cấu hạ tầng, phương tiện, hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ và đảm bảo thực thi Luật Giao thông đường bộ.

Cụ thể, khung pháp lý quy tắc giao thông đường bộ (chính sách 1) sẽ bổ sung các quy định về quy tắc tham gia giao thông của người khuyết tật, người già yếu, bổ sung các quy tắc về tốc độ, khoảng cách giữa các xe theo đặc thù địa hình, loại xe, tình trạng kỹ thuật của phương tiện…

Khung pháp lý kết cấu hạ tầng giao thông (chính sách 2) sẽ làm rõ thẩm quyền trong phân loại, điều chỉnh hệ thống quốc lộ, đường địa phương trong việc đấu nối đường bộ, tạo khung pháp lý thu hút nguồn vốn xã hội hóa để phát triển, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Với khung pháp lý về phương tiện, người điều khiển phương tiện (chính sách 3) sẽ bổ sung quy định liên quan đến xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện, xe đạp điện, xe máy điện...

Trong quản lý hoạt động vận tải đường bộ (chính sách 4), quy định để nhận diện phương tiện có hoặc không vận tải sẽ được bổ sung. Kinh doanh vận tải đường bộ sẽ quy định là loại hình kinh doanh có điều kiện.

“Hiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi của Bộ GTVT đã lấy ý kiến rộng rãi, được sự đồng thuận của 20/21 Bộ, cơ quan ngang Bộ và đang chờ Chính phủ thông qua trình Quốc hội.

Dự kiến, hồ sơ sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào quý II/2021 và thông qua vào quý IV/2021”, ông Nguyễn Văn Huyện thông tin.

Cũng theo ông Huyện, định hướng đưa ra trong các nhóm chính sách mới chỉ là bước đầu, nếu hồ sơ đề xuất sửa đổi Luật Giao thông đường bộ được thông qua, cơ quan có thẩm quyền sẽ xây dựng dự thảo quy định, hoạch định chi tiết từng vấn đề.

Quan điểm của Bộ GTVT là Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sẽ phải giải quyết toàn diện bất cập hiện tại, trong đó có những “điểm nóng” như: Quy định riêng các vấn đề về đường cao tốc (quy mô cao tốc, quản lý, bảo trì, tham gia giao thông trên đường cao tốc; nguyên tắc lùi, vượt trên đường cao tốc); phân loại lại loại hình phương tiện, đảm bảo sự hài hòa giữa taxi truyền thống/taxi công nghệ, xe tuyến cố định/xe hợp đồng limousine...

Để xóa bỏ tình trạng xe chở quá tải, Luật Giao thông đường bộ sẽ hướng đến quy định ô tô vận tải, đặc biệt xe chở hàng rời, vật liệu phải xếp hàng hóa dưới thành thùng 10 cm và che phủ kín.

Quy định phạt từ lái xe đến nơi bốc xếp hàng hóa, chủ hàng đối với xe chở quá tải cũng sẽ được “luật hóa” để hoạt động kinh doanh vận tải trên đường bộ trật tự, an toàn hơn.

Trong công tác tuần tra, kiểm soát, Luật Giao thông đường bộ cũng hướng tới quy định sử dụng thông tin từ quá trình ứng dụng công nghệ như: Hình ảnh trích xuất từ camera giám sát trên đường, dữ liệu từ các trạm cân tải trọng tự động, thậm chí là dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phạt nguội, xóa bỏ bất cập tranh cãi của đối tượng bị phạt đối với lực lượng chức năng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại