Nếu bạn xem danh sách các tỷ phú của Forbes, bạn sẽ thấy rằng những người này đang tạo ra, hoặc là mất đi hàng tỷ USD mỗi ngày. Có những thông tin đại loại như, Jeff Bezos kiếm được 9 tỷ USD chỉ trong 2 ngày. Đối với những người bình thường, như tôi và bạn, thật khó để tưởng tượng ra được.
Hàng tỷ USD đối với chúng ta là những con số khổng lồ, nhưng đối với một số người, nó là thứ có thể mất đi hàng ngày. Những người này có ném tiền qua cửa sổ không? Hãy thử tìm hiểu điều đó. Những tỷ phú này có thực sự giàu như chúng ta vẫn nghĩ hay không?
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần biết cách mà các tỷ phú tạo ra giá trị tài sản của họ trên thị trường cổ phiếu. Cái mà ta vốn chẳng hề quan tâm, ta chỉ được nghe rằng họ có rất nhiều tiền.
Cách đây không lâu, đã có thông tin rằng Apple trở thành công ty "nghìn tỷ USD" đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Các nhà đầu tư mua cổ phiếu Apple sẽ cảm thấy đó là một thông tin vô cùng tuyệt vời. Nhưng nếu bạn chỉ đơn giản là một người dùng iPhone, thì điều đó sẽ chẳng giúp được gì cho bạn, và bạn không quan tâm.
Bởi vì việc đạt đến giá trị hàng nghìn tỷ USD cũng sẽ chẳng khiến cho công ty này tăng gấp đôi được sản lượng trong một đêm hay điều gì đó đại loại thế. Cái bạn quan tâm là sau khi đạt giá trị đó, công ty này đã cho ra mắt một chiếc iPhone bị cho là "gây thất vọng nhất" từ trước tới nay.
Hãy quay trở lại ngày 26/7/2015. Nếu bạn chỉ đơn giản là người dùng Facebook, bạn sẽ chẳng có ấn tượng gì về ngày này. Facebook trông vẫn thế, nhưng thực ra nó đã mất 120 tỷ USD, chỉ trong ngày hôm đó. Số tiền này còn nhiều hơn cả GDP của Ukraine, quốc gia lớn thứ hai châu Âu với dân số 45 triệu người.
Vậy tại sao các công ty này lại có thể đột nhiên mất nhiều tiền như thế?
Vấn đề là ở giá trị vốn hóa thị trường - tổng giá trị của số cổ phần của một công ty niêm yết. Hãy quay lại câu chuyện "nghìn tỷ" của Apple, điều đó có đồng nghĩa với việc muốn mua Apple bạn phải dùng số tiền tương đương với ngân sách của chính phủ Anh hay không?
Để xác định giá trị vốn hóa thị trường của một công ty, họ lấy giá trị của một cổ phiếu nhân với tổng lượng cổ phiếu. Tuy nhiên, giá trị cổ phiếu không đại diện cho giá trị thực của công ty. Chúng thay đổi hàng ngày, hàng giờ.
Giả sử rằng cổ phiếu Apple đang là 230 USD, mức giá khi Apple trở thành công ty "nghìn tỷ". Bất cứ ai học về kinh tế cơ bản cũng đều biết, giá sẽ phụ thuộc vào cung và cầu.
Chỉ có một phần nhỏ các nhà đầu tư sẵn sàng mua cổ phiếu Apple với giá 230 USD, một số người khác chỉ sẵn sàng trả 200 USD, và chủ yếu sẽ mua khi giá khoảng 80-100 USD. Vậy rõ ràng về mặt lý thuyết, nó không thể đạt được giá trị "nghìn tỷ" đó.
Nhưng đó chỉ là lý thuyết, trên thực tế, nếu những người ở đáy của tháp nhu cầu (những người sẵn sàng mua cổ phiếu Apple với mức giá thấp nhất) đột nhiên bán cổ phiếu ra, giá tối thiểu có thể sẽ giảm thậm chí chỉ xuống còn khoảng 60 USD. Ngược lại, nếu họ đột nhiên muốn mua vào, giá có thể tăng thậm chí gấp đôi hoặc gấp ba lần.
Rõ rằng giá trị vốn hóa thị trường không phải là cách chính xác nhất để định giá một công ty, nhưng đó là cách phổ biến nhất.
Hầu hết tài sản của các tỷ phú hiện nay đều đến từ cổ phần của họ trong các công ty lớn. Jeff Bezos là người giàu nhất hành tinh vì ông sở hữu 16% của Amazon. Hay như Mark Zuckerberg, anh đã mất 15 tỷ USD chỉ trong một ngày vì cổ phiếu Facebook giảm giá, nhưng điều đó cũng chẳng làm anh ta để tâm quá nhiều.
Bài viết này không phải để nói rằng các tỷ phú nghèo, mà là để bạn hiểu rõ hơn về tài sản của họ và thị trường cổ phiếu. Vậy lần sau nếu như bạn nhìn thấy thông tin đại loại như công ty nào đó đạt trị giá nghìn tỷ, hay tỷ phú nào đó mất hàng chục tỷ trong một đêm, đừng quá ngạc nhiên. Chuyện thường thôi!