Vào năm ngoái, Mỹ đã tổ chức đợt tập kích sân bay quân sự Shayrat của Syria trong đêm gây ra một số thiệt hại và lần này cũng vậy, tên lửa Tomahawk đã mở màn cuộc oanh kích vào ban đêm theo giờ địa phương.
Lùi lại xa hơn, từ Iraq, Kosovo cho tới Lybia... cũng đều ghi nhận những vụ tấn công đêm từ phía liên quân, vậy nguyên nhân nào khiến cho bóng tối trở thành bạn đồng hành của bên tấn công?
Khu trục hạm Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk trong đêm
Lý do rất đơn giản, đó là tác chiến ban đêm đang là lợi thế lớn của những cường quốc quân sự có tiềm lực khoa học công nghệ vượt trội.
Các phương tiện chiến tranh của Mỹ hiện nay đều được tích hợp hệ thống dò tìm hồng ngoại nhìn xuyên đêm FLIR, camera kỹ thuật số CCD và thiết bị chỉ thị đo xa laser có tính năng tác chiến đêm rất mạnh.
Trong khi đó ở phía đối phương thì đánh đêm chưa bao giờ là lợi thế, các đối thủ của Mỹ hầu hết đều thiếu trang thiết bị cần thiết để hoạt động hiệu quả vào khoảng thời gian này.
Tác chiến đêm được xem là lợi thế lớn của Mỹ
Lấy ví dụ như việc chặn đánh Tomahawk, khi tên lửa đã bay thấp bám địa hình và lại còn được sự hỗ trợ của máy bay tác chiến điện tử thì việc các hệ thống radar cảnh báo sớm phát hiện nó từ xa là gần như bất khả thi.
Trong trường hợp này, theo kinh nghiệm chống tập kích đường không thì sẽ phải lập trạm quan sát bằng mắt thường trên hướng tiến công dự kiến của tên lửa. Nếu Tomhawk bay vào ban ngày thì việc nhận biết nó rõ ràng sẽ dễ hơn nhiều so với ban đêm và lại còn trong tình trạng thiếu khí tài quang điện tử đủ mạnh.
Thêm một nguyên nhân nữa cũng cần nhắc đến đó là tuy đặt chế độ trực chiến cao nhưng tinh thần cũng như độ tỉnh táo của quân nhân trong canh gác đêm không bao giờ có thể bằng được ban ngày, rất dễ hoang báo hay bỏ lọt mục tiêu.
Bởi vậy khi bắn tên lửa BGM-109 Tomahawk trong đêm sẽ mang lại xác suất bị phát hiện thấp hơn, từ đó dẫn tới thắng lợi dễ dàng hơn cho cuộc tập kích đường không.
Tên lửa hành trình Tomahawk được chiến hạm Mỹ phóng đi trong đêm