Vì sao bàn thắng gây tranh cãi của Nhật được công nhận?

ĐỨC KHUÊ |

Ngay sau chiến thắng bất ngờ của tuyển Nhật trước Tây Ban Nha ở lượt trận cuối bảng E, người hâm mộ đã bày tỏ những sự ngờ vực ở tình huống quyết định trận đấu.

Vì sao bàn thắng gây tranh cãi của Nhật được công nhận? - Ảnh 1.

Tài khoản Twitter Ondrej Koch dùng những vạch kẻ để chứng minh bóng còn nằm trong sân - Ảnh chụp màn hình

Phút 51, thời điểm tỉ số là 1-1, Ritsu Doan chuyền ngang để Kaoru Mitoma thoát xuống, trả ngược lại cho Ao Tanaka đệm bóng vào lưới trống. Trọng tài biên Souru Phatsoane đã căng cờ thông báo bóng đã đi hết biên ngang khi Mitoma chuyền vào.

Tuy nhiên, trọng tài chính Victor Gomes vẫn lắng nghe theo VAR. Một sự hồi hộp bao trùm những người hâm mộ. Và quyết định cuối cùng là bàn thắng được công nhận. Đó chính là khoảnh khắc quyết định không chỉ của trận này, mà còn là cả cục diện bảng E.

Nhật Bản sau bàn thắng đó đã phòng ngự chặt và bảo toàn thắng lợi 2-1. Qua đó, họ cùng Tây Ban Nha đi tiếp, đồng thời biến thắng lợi 4-2 của Đức trước Costa Rica trở nên vô nghĩa.

Lập tức, người hâm mộ đã đặt dấu hỏi về bàn thắng gây tranh cãi của tuyển Nhật. Rất nhiều hình ảnh mà họ đưa ra ở góc máy quay ngang cho thấy dường như toàn bộ quả bóng đã đi hết biên.

Theo luật bóng đá do Ủy ban Bóng đá quốc tế (IFAB) quy định, quả bóng được xác định là ra ngoài khi toàn bộ quả bóng đã qua hết vạch biên, áp dụng khi trái bóng nằm dưới mặt đất hay trên không trung.

Khi VAR vào cuộc ở bàn thắng của Tanaka, các trọng tài phòng VAR có lẽ bằng cách nào đó xác định rằng một phần rất nhỏ của trái bóng vẫn chưa đi hết biên.

Vì sao bàn thắng gây tranh cãi của Nhật được công nhận? - Ảnh 2.

Bức ảnh nhà báo Henry Bushnell dùng để chứng minh một phần trái bóng vẫn còn trên vạch vôi - Ảnh: TWITTER

Trên Twitter, tài khoản Ondrej Koch đã dùng ảnh chụp màn hình góc quay ngang, đồng thời vẽ thêm những đường kẻ để chứng minh các trọng tài đã đúng.

Trong khi đó, nhà báo thể thao Henry Bushnell của Yahoo Sports đã tìm được bức ảnh chụp từ trên cao khi Mitoma chuyền bóng để khẳng định bóng chưa đi hết vạch vôi.

Ông Bushnell cũng khẳng định những góc quay ngang đã đánh lừa mắt thường. Để xác định chính xác việc này, cần có những góc quay từ trên xuống.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại