Vì sao bác sĩ quyết định dùng 5 lít bia để truyền cho người đang nguy kịch vì ngộ độc rượu?

PV |

"Bản chất của bia cũng có Etylic nên tôi đã quyết định sử dụng chính loại đồ uống này truyền vào đường tiêu hóa thay vì rượu", bác sĩ Lê Văn Lâm cho biết.

Ngày 25/12/2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận cấp cứu 3 bệnh nhân có dấu hiệu ngộ độc sau khi uống rượu, gồm ông Nguyễn Văn Nhật (trưởng trạm y tế xã Triệu Độ), ông Lê Văn Xược (64 tuổi, thôn Quy Hà, Triệu Độ) và ông Hoàng Thanh Chiến (58 tuổi, thôn Gia Độ, Triệu Độ). 

Trong đó ông Xược và ông Chiến có các triệu chứng nặng hơn nên đã chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ông Xược sau đó tử vong tại bệnh viện.

Ông Nguyễn Văn Nhật tiếp tục được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị và hiện đã được xuất viện.

Điều đáng nói là, để điều trị cho bệnh nhân Nhật, các bác sĩ đã sử dụng phương pháp dùng bia để truyền cho bệnh nhân. Tổng cộng số bia được truyền vào cơ thể bệnh nhân là 15 lon (khoảng 5 lít).

Vì sao bác sĩ quyết định dùng 5 lít bia để truyền cho người đang nguy kịch vì ngộ độc rượu? - Ảnh 1.

Bệnh nhân ngộ độc rượu được các bác sĩ cứu sống. Ảnh: PLVN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quốc Tuấn, giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, cho biết việc việc dùng bia để cấp cứu ngộ độc rượu là lần đầu tiên bệnh viện này thực hiện và thu được kết quả tốt. Ông cũng nhấn mạnh, đây chỉ là phương pháp phụ trợ, còn phương án điều trị chính vẫn là lọc máu.

Theo ông Tuấn, phương án này được thực hiện theo phác đồ điều trị chứ không phải tự nhiên thực hiện. Trong y khoa có phác đồ tương tự để cấp cứu khi bệnh nhân bị ngộ độc methanol. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định chọn phương án này.

Chất etylic có trong bia sẽ giúp hãm lại quá trình chuyển hóa methanol trong rượu khi vào cơ thể. Gan sẽ ưu tiên lọc etylic trước. Khi đó bác sĩ sẽ có thời gian lọc máu. Nếu để gan chuyển hóa Methanol trước, thì sẽ sinh ra một chất độc. Có thể sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân trước khi lọc máu xong.

Nói cụ thể hơn về trường hợp cấp cứu cho bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật, bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trao đổi với Zing.vn:

"Cách điều trị tốt nhất cho bệnh nhân lúc đó là sử dụng rượu Etylic tinh chế truyền trực tiếp vào đường tĩnh mạch giống như thuốc. Tuy nhiên, khi xảy ra sự việc chúng tôi không thể mua loại rượu này ngoài thị trường. Hơn thế, việc đảm bảo rượu chỉ chứa Etylic hay có thêm Metylic rất khó xác định. 

Bản chất của bia cũng có Etylic nên tôi đã quyết định sử dụng chính loại đồ uống này truyền vào đường tiêu hóa thay vì rượu".

Ngoài ra, tình trạng của bệnh nhân khi đó gặp biến chứng của ngộ độc rất nặng nề, xuất huyết chảy máu đường tiêu hóa. Khi các bác sĩ đặt ống vào dạ dày, máu đã trào ra.

Bác sĩ Lâm cũng khẳng định: "Phương pháp cấp cứu bệnh nhân này tôi đã đọc trên các tài liệu nước ngoài từ lâu nên khi đó mạnh dạn thực hiện. Cách tối ưu nhất không có, tôi phải quyết định nhanh dùng cách kém hiệu quả hơn là sử dụng bia. Chúng tôi không có nhiều thời gian để đắn đo, tin vào những gì mình biết, làm hết sức có thể để cứu sống bệnh nhân của mình".

Trao đổi với Phóng viên yte24h sáng nay, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết:

Thực chất, việc truyền bia để giải độc rượu có thể xem như một phương pháp chữa trị. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyên khuyến cáo: chỉ được áp dụng phương pháp này tại các cơ sở y tế, do chính các bác sĩ có chuyên môn thực hiện.

Việc lựa chọn phương pháp giải độc còn phải căn cứ vào nồng độ methanol gây ngộ độc trong cơ thể bệnh nhân. Vì vậy, người dân tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc sau khi uống rượu.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại