Chiến lược an ninh nhiều điểm "lạ"
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson đã gây bất ngờ không nhỏ khi công bố chiến lược an ninh mới của chính phủ Anh. Thiên hạ bị bất ngờ cả về nội dung của chiến lược ấy lẫn về thời điểm nó được công bố.
Không thế sao được khi ai ai hiện cũng đều thừa biết rằng xứ đảo quốc này nào có chuyện gì cấp thiết phải xử lý và đáng được quan tâm đến hàng đầu như chuyện Brexit, tức là nước Anh ra khỏi EU.
Liên quan đến Brexit, chính phủ Anh mà ông Williamson là thành viên đang phải chạy đua với thời gian và bị EU làm cho càng mỗi lúc càng thêm bị động.
Câu hỏi đặt ra được quan tâm nhiều nhất, được mong đợi trả lời sớm nhất mà chưa biết đến khi nào mới được trả lời là nước Anh rồi sẽ như thế nào sau Brexit.
An ninh nội địa trên đảo quốc này cũng vẫn là thách thức lớn đối với chính phủ Anh khi nguy cơ bị tấn công khủng bố luôn tiềm tàng, khi vấn đề người tỵ nạn hiện vẫn trầm trọng không chỉ đối với EU mà còn đối với cả Anh.
Một khi đang còn hiện hữu nhiều ẩn số về an ninh nội địa như thế mà chúng lại có thể biến động rất nhanh chóng và cơ bản như hiện tại ở Anh thì đâu có phải là tiền đề cần thiết và sự bức bách đến mức phải có chiến lược an ninh hướng tới lâu dài.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson. Ảnh: Reuters
Thiên hạ không thể không ngạc nhiên khi chiến lược an ninh quốc gia mới này của Anh có sự điều chỉnh mục tiêu đối phó hoàn toàn khác so với chiến lược đã được thông qua năm 2015.
Chống khủng bố như đề ra trong chiến lược an ninh năm 2015 không còn được coi là mục tiêu đối phó hàng đầu trong chiến lược an ninh mới nói trên.
Nước Anh đang quan tâm tới vấn đề gì?
Chiến lược mới này của chính phủ Anh xác định kẻ thù và đối địch chính của nước Anh là Nga, Trung Quốc và Triều Tiên. Sự khác biệt cơ bản so với trước thể hiện trên những phương diện sau.
Thứ nhất, chính phủ Anh không còn coi khủng bố là mối đe doạ an ninh chính nữa mà coi Nga, Trung Quốc và Triều Tiên là vấn đề an ninh của Anh - tức là không phải một tổ chức hay một lực lượng nào nữa mà là quốc gia cụ thể.
Thứ hai, chính phủ Anh chuyển trọng tâm mối lo ngại về an ninh từ nguy cơ bị tấn công khủng bố trên đảo quốc sang lo ngại bị quốc gia bên ngoài tấn công hoặc đe doạ.
Thứ ba, chính phủ Anh chuyển từ chuyện an ninh nội bộ sang chuyện chính trị an ninh châu lục và thế giới.
Giống như chiến lược an ninh năm 2015, chiến lược an ninh mới này của chính phủ Anh có cùng cách tiếp cận và định hướng đối sách như Mỹ. Trước đây đâu có lâu la gì, Mỹ đã đưa ra chiến lược an ninh quốc gia mới mà trong đó cũng không còn dành cho chuyện chống khủng bố ưu tiên hàng đầu để tập trung nhằm vào Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran và một số nước khác nữa.
Ảnh: The New York Times
Xưa nay, việc nước Anh theo sau Mỹ như hình với bóng trong mọi chuyện chính trị an ninh, quân sự và quốc phòng khu vực và thế giới đã trở thành truyền thống và một bản sắc trong cái gọi là mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Anh. Vì vậy, việc phía Anh sao chép chiến lược an ninh của Mỹ lẽ ra không có gì lạ.
Đúng là Nga trong những năm vừa qua có những hoạt động quân sự ở châu Âu khiến nhiều nước thành viên NATO lo ngại bị đe doạ và thách thức về an ninh.
Nhưng chỉ cần lý trí tỉnh táo một chút cũng đã đủ để thấy là hiện tại cũng như trong tương lai không có chuyện đụng độ quân sự giữa NATO và Nga, không có chuyện Nga tấn công quân sự các nước thành viên NATO.
Làm găng nhau thì có. Doạ nhau thì có. Nhưng hai bên sẽ không để căng thẳng hay khiêu khích vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ.
Nói theo cách khác, thách thức an ninh từ phía Nga không thể ghê gớm như thách thức từ nguy cơ bị tấn công khủng bố đối với nước Anh, ít nhất thì cũng ở thời điểm hiện tại và trong thời gian không ngắn ở phía trước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Thủ tướng Anh Theresa May tại hội nghị thượng đỉnh G20
Mục đích của Anh
Việc chính phủ Anh trong chiến lược an ninh này coi Trung Quốc và Triều Tiên thuộc diện thách thức an ninh hàng đầu càng thêm khiên cưỡng.
Vì Brexit mà thủ tướng Anh Theresa May đang phải tìm mọi cách tranh thủ Trung Quốc làm đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Đảo quốc này cần Trung Quốc còn hơn cả trước đây. Trong tình cảnh ấy, coi Trung Quốc là đối địch phải đối phó thì không biết lợi nhiều hay hại lắm và tác dụng có hơn được phản tác dụng hay không.
Anh và cả vài thành viên khác nữa của NATO ở châu Âu đúng là coi chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên là một mối đe doạ an ninh. Nhưng chỉ chung chung thế thôi chứ không cụ thể và trực tiếp.
Họ không phải là lý do để Triều Tiên thực hiện chương trình tên lửa và hạt nhân cũng như không đóng nổi bất cứ vai trò gì trong quá trình giải quyết vấn đề ấy ngoài ủng hộ Mỹ về chính trị.
Cho nên xem ra chính phủ Anh đưa ra chiến lược an ninh mới này vào thời điểm hiện tại và với những nội dung chính như trên chủ yếu nhằm hai mục đích.
Thứ nhất là tranh thủ Mỹ và củng cố mối quan hệ đặc biệt với Mỹ cho thời kỳ sau Brexit.
Thứ hai là đánh lạc hướng sự quan tâm để ý của dư luận, làm cho dư luận bớt xăm soi vào chuyện Brexit mà hiện chính phủ Anh không chỉ khó khăn trong đàm phán với EU mà bản thân vẫn còn bế tắc định hướng.
*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại