Nông dân tại bang Uttarakhand, miền Bắc Ấn Độ thu hoạch lúa mì đầu tháng 5. (Ảnh: ANI)
Tuy nhiên, cam kết chưa được bao lâu, chính phủ Ấn Độ vừa ra quyết định cấm xuất khẩu lúa mì để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Cú đảo chiều chính sách này gây bất ngờ nhưng cũng là hợp lý nếu xét trên tình hình hiện tại.
Cú sốc lạm phát ngăn tham vọng của Ấn Độ
Tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cách đây chưa lâu về việc Ấn Độ sẽ giúp bù đắp sản lượng lùa mì thiếu hụt trên thị trường thế giới cho thấy tham vọng của nước này. Và Ấn Độ cũng đã cho thấy năng lực của mình khi trong tháng 4/2022, nước này đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn lúa mì ra thị trường bên ngoài.
Đây là một mức kỷ lục mới, nếu so với cùng kỳ tháng 4/2021, Ấn Độ chỉ cung cấp khoảng 242.000 tấn lúa mì cho thế giới. Nếu không có lệnh dừng xuất khẩu mới được ban hành, người ta dự báo Ấn Độ sẽ có thể xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn trong tháng 5, trong bối cảnh nông dân nước này đang vào vụ thu hoạch lúa mỳ.
Trở lại các nguyên nhân khiến chính phủ Ấn Độ phải cấm xuất khẩu lúa mì vào thời điểm thị trường quốc tế đang rất nóng. Có 2 vấn đề vào lúc này mà Ấn Độ đang lo lắng.
Thứ nhất, sản lượng lúa mì trong niên vụ 2022-2023 tại nước này ở mức cao nhưng không cao như kỳ vọng. Ấn Độ dự kiến xuất khẩu khoảng 12 triệu tấn lúa mì trong niên vụ này, cao gấp nhiều lần mức 7,2 triệu tấn của năm ngoái. Sau 5 vụ thu hoạch liên tiếp có sản lượng tăng dần đều, New Delhi hy vọng vụ mùa thứ 6 này sẽ có mức cao hơn 111,32 triệu tấn. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng bất thường kết hợp lượng mưa sụt giảm trong tháng 3 và tháng 4, đúng vào thời điểm cây lúa mì sinh trưởng mạnh nhất khiến sản lượng và chất lượng hạt lúa chắc chắn kém hơn so với kỳ vọng. Người ta dự báo sản lượng lúa mì của Ấn Độ thực tế năm nay chỉ vào khoảng 105 triệu tấn.
Thứ hai, kể từ sau khi nổ ra khủng hoảng tại Ukraine, việc thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá lúa mì trên toàn cầu leo thang. Điều này kết hợp với khả năng sản lượng lúa mì không đạt như kế hoạch kéo giá thu mua lúa mì trong nước lên theo. Theo các số liệu mới nhất giá lúa mì tại Ấn Độ đã tăng 20- 40% thời gian qua. Xu hướng này ảnh hưởng tiêu cực tới chương trình thu mua lương thực dự trữ của chính phủ, đồng thời tạo ra nguy cơ lạm phát rất lớn.
Trong bối cảnh giá nhiên liệu, giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm đang ở mức cao như hiện nay, khả năng lạm phát ngoài kiểm soát đang hiển hiện. Chỉ số giá bán buôn tại Ấn Độ đã tăng từ 2,26% từ đầu năm lên 14,55% vào thời điểm hiện tại. Chỉ số giá tiêu dùng cũng đã đạt mốc cao kỷ lục trong 8 năm qua ở mức 7,79% trong tháng 4. Chính điều này khiến chính phủ Ấn Độ phải can thiệp để đảm bảo bình ổn thị trường trong nước, tránh nguy cơ lạm phát và mất an ninh lương thực.
Tác động cộng hưởng tới thị trường lương thực
Ấn Độ là quốc gia sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, nhưng lại không nằm trong nhóm các nước xuất khẩu mặt hàng này lớn nhất. Lý do là bởi mặt hàng này được chính phủ trợ giá khá cao và nhu cầu lớn của thị trường trong nước. Tuy nhiên, nhờ vào việc cải thiện khâu chọn giống và quản lý canh tác, sản lượng lúa mì của Ấn Độ đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua, đủ để vươn ra xuất khẩu.
Nước này đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 12 triệu tấn trong niên vụ 2022- 2023, đưa Ấn Độ trở thành 1 trong 8 nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Các thị trường truyền thống của lúa mì Ấn Độ là Bangladesh, Indonesia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ. Gần đây, Ai Cập – một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất đã đồng ý đặt mua lúa mì Ấn Độ để thay thế cho nguồn cung từ Nga và Ukraine đang bị gián đoạn. Điều đó cho thấy quyết định dừng xuất khẩu của Ấn Độ thực chất sẽ không tác động quá lớn tới thị trường toàn cầu.
Hiệu ứng tạo ra chủ yếu là về tâm lý trong bối cảnh tương lai khá ảm đạm về nguồn cung lúa mì trên toàn cầu. Chiến tranh đã làm tê liệt gần như hoàn toàn hoạt động xuất khẩu nông sản của Nga và Ukraine. Trong khi đó, hạn hán, lũ lụt và nắng nóng khắc nghiệt đe dọa mùa màng ở hầu hết các nhà sản xuất lúa mì lớn như Canada, Mỹ, châu Âu…
Biến đổi khí hậu - kẻ thù của an ninh lương thực
Trước khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, đã xuất hiện những cảnh báo về vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Giá lương thực toàn cầu đã liên tục tăng kể từ tháng 6/2020 khi biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng, tàn phá các mùa vụ ở khắp nơi trên thế giới. Bài học từ Ấn Độ là lời cảnh báo nghiêm khắc với thế giới.
Là một quốc gia có diện tích lớn, lại nằm ở khu vực chịu nhiều tác động của các hình thái thời tiết cực đoan, và đặc biệt là chịu tác động của biến đổi khí hậu, Ấn Độ đang ngày càng phải gánh chịu nhiều hệ quả của vấn đề này. Vụ mùa lúa mì hiện tại là một trong những ví dụ rõ ràng nhất. Trong những năm qua, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, mưa lớn, hạn hán, nắng nóng gay gắt xảy ra thường xuyên hơn và ở khắp các vùng của Ấn Độ, không chỉ ảnh hưởng tới sinh mạng của người dân mà còn tác động trực tiếp tới năng suất nông nghiệp.
Theo một nghiên cứu của Chương trình Đổi mới Sáng tạo Quốc gia về Nông nghiệp Thích ứng với Biến đổi khí hậu (NICRA) của Ấn Độ, sản lượng lúa gạo phụ thuộc vào nước trời Ấn Độ sẽ giảm nhẹ (<2,5%) trong giai đoạn 2050 và 2080. Còn năng suất của lúa gạo tại các diện tích có hệ thống tưới tiêu sẽ giảm 7% vào năm 2050 và 10% trong kịch bản năm 2080. Ngoài ra, năng suất lúa mì dự kiến giảm 6-25% vào năm 2100 và năng suất ngô giảm 18 đến 23% trong giai đoạn này vì các nguyên nhân liên quan đến biến đổi khí hậu. Các mô hình nghiên cứu mô phỏng tính ra rằng nhiệt độ cao nhất sẽ tăng từ 1 đến 1,3 độ C tại hơn 256 quận trong toàn Ấn Độ từ năm 2020- 2049. Các đợt nắng nóng kỷ lục sẽ kéo dài hơn gây tác động tới việc trồng trọt lúa mì./.