Vì sao 100km có tới 4 trạm thu phí?

Tiến Mạnh |

Chiều nay (20/5), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã tham dự buổi Toạ đàm “Minh bạch thu phí dự án BOT giao thông” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Vì sao 100km có tới 4 trạm thu phí? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thẳng thắn trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề thu phí tại các dự án BOT giao thông

Tính toán kỹ khi lựa chọn vị trí đặt trạm

Trước ý kiến của ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, hiện nay các trạm thu phí BOT bủa vây khắp nơi, mức thu phí cao khiến các doanh nghiệp vận tải rất khó khăn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Chúng tôi rất chia sẻ điều này với doanh nghiệp vận tải”.

Theo Thứ trưởng Trường, trong quá trình thực hiện các dự án BOT, Bộ GTVT đã cân nhắc rất kỹ nhằm thực hiện theo đúng các quy định về khoảng cách giữa các trạm thu phí là 70 km/trạm và tính toán mức tăng phí phù hợp theo lộ trình.

“Vừa rồi có ý kiến cho rằng từ Hà Nội về Thái Bình chỉ 100km nhưng có tới 4 trạm thu phí, nhưng thực ra hành trình này có rất nhiều tuyến đường để lựa chọn.

Nếu đi qua cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, qua QL21 mới, cầu Tân Đệ, sẽ phải qua 4 trạm thu phí và sẽ bị tính tiền theo quy tắc của đường cao tốc là đi bao nhiêu km, trả tiền bấy nhiêu.

Tuy nhiên, còn nhiều đường khác để đi như: Theo QL1 (cũ) không mất phí. Nếu đi lối QL21 cũ cũng không mất phí còn đi vào QL21 mới được đầu tư theo hình thức BOT sẽ phải trả phí.

Đối với cầu Tân Đệ, đã tồn tại dự án BOT hơn 10 năm. Vì thế nếu đi theo tuyến cao tốc và BOT sẽ mất 4 lần thu phí, nhưng đổi lại sẽ được đi nhanh, thuận lợi và đáp ứng được nhu cầu vận tải cao.

Nhưng nếu đi theo đường cũ, sẽ không phải đi qua 4 trạm thu phí như phản ánh”, Thứ trưởng cho biết.

“Đối với trạm thu phí Hoà Bình, khi đặt trạm tại đó chúng tôi đã đến khả năng qua trạm của người dân và bảo đảm khoảng cách 70km/trạm buộc phải tránh ra khỏi đô thị.

Thế nhưng, khi đặt ở đâu cũng có người dân địa phương đi qua nên chúng tôi đã kiến nghị Bộ Tài chính, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư dùng một phần lợi nhuận của mình để giảm mức phí cho người dân địa phương ở mức phí thấp nhất và miễn giảm đối với một số đối tượng chính sách”, Thứ trưởng cho biết thêm.

Mức phí được tính toán khoa học

Tại buổi toạ đàm, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết phương pháp xác định mức phí tại các dự án BOT.

Theo đó, trong phương án tài chính của các dự án đều được hình thành từ hai nguồn vốn gồm: nguồn vốn của nhà đầu tư (15 – 20%) còn lại là nguồn huy động từ nguồn vốn vay tín dụng, vay thương mại.

Vì vậy toàn bộ phương án tài chính được xác định đều có thời gian hoàn vốn từ 15 – 20 năm.

Vì vậy, việc đưa ra mức phí là căn cứ vào mức thu nhập của người dân cũng như tình hình kinh tế của khu vực trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng.

“Các dự án thu phí hoàn vốn trước đây thường thu đồng loạt 10 nghìn đồng/lượt xe con, các xe khác nhân lên gấp 4 – 5 lần.

Từ năm 2000 về trước, giá vé đó là cố định, sau đó chúng ta hội nhập kinh tế thị trường, toàn bộ chi phí được tính theo thị trường.

Chúng tôi tính theo tốc độ tăng trưởng kinh tế để đưa ra giá tối thiểu là 20 - 25 nghìn/xe cơ sở, tương đương với giá 10 nghìn đồng/xe như trước đây.

Khi làm việc với Bộ Tài chính, chúng tôi cũng tính rất kỹ về mức thu nhập của người dân. Thứ hai là phải tính mức lãi suất ngân hàng để có được phương án hoàn vốn cho dự án.

Vì vậy có thể nói, các tính toán đó là có cơ sở khoa học”, Thứ trưởng Trường cho biết.

Cho biết quan điểm về vấn đề này, ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cũng cho biết, trước đây do không có sự thay đổi về mức phí nên việc thu hút nguồn vốn BOT đầu tư vào hạ tầng giao thông rất hạn chế.

Vì vậy năm 2013, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp Bộ GTVT điều chỉnh mức phí cơ bản để đến năm 2016, mức phí cao gấp 3,5 lần mức cơ bản trước đây nhằm phù hợp với thu nhập của người dân và đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư.

Về khả năng điều chỉnh mức phí các dự án BOT thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT sẽ làm việc với Bộ Tài chính để rà soát, điều chỉnh các trạm thu phí chưa đảm bảo khoảng cách (còn 11/ 71 trạm chưa bảo đảm khoảng cách).

Đối với các trạm đang thu, tạm thời chưa tăng phí theo hợp đồng 3 năm/1 lần. Đối với dự án chuẩn bị thu phí, sẽ xem xét kéo dài tối đa thời gian hoàn vốn để ít nhất bằng hoặc không cao hơn các trạm đã có.

Cho biết về tính minh bạch trong công tác thu phí, Thứ trưởng Trường khẳng định, các trạm thu phí đang được áp dụng công nghệ thu phí một dừng, được kiểm soát chặt bằng thẻ điện tử và phần mềm.

Công tác quản lý nhà nước giao cho Tổng cục Đường bộ VN thực hiện nên không có chuyện bị thất thu phí. Thời gian tới, với việc áp dụng công nghệ thu phí không dừng, chắc chắn sẽ bảo đảm tuyệt đối việc minh bạch trong thu phí.

Về câu hỏi, Bộ GTVT có ý định mua lại các trạm thu phí hay không? Thứ trưởng Trường cho biết, việc huy động các nguồn lực để đầu tư dự án giao thông BOT xuất phát từ nguyên nhân ngân sách khó khăn.

Vì vậy đến thời điểm này chưa tính đến việc mua lại các trạm thu phí mà phải đợi khi nền kinh tế tốt lên hoặc có các giải pháp phù hợp hơn.

Tương tự, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cũng cho biết, các dự án BOT có mức đầu tư rất lớn nên nêu mua lại bây giờ, ngân sách sẽ rất khó khăn, nợ công sẽ tăng lên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại