Bên cạnh các mẫu smartphone Lux và Max Pro sắp ra mắt, hãng điện thoại Việt Vsmart còn sắp thực hiện một bước đi chiến lược tiếp theo: đặt chân tới thị trường Mỹ. Chủ tịch VinGroup, ông Phạm Nhật Vượng đã không ngần ngại tuyên bố lý do tiến đánh thị trường được coi là khó tính nhất thế giới này: "Nếu thành công ở Mỹ thì việc chinh phục các thị trường khác sẽ dễ dàng hơn".
Quả thật, Mỹ đang được coi là thị trường khó nhằn nhất với các hãng điện thoại "sinh sau đẻ muộn" trong thế giới. Hiện tại, thị trường này vẫn do 2 ông lớn đi đầu là Apple và Samsung gần như độc chiếm (tổng thị phần gần 80%, số liệu Counterpoint Q1). Những cái tên đình đám trong top 5 như Xiaomi, OPPO và Vivo hiện tại vẫn vắng mặt, gã khổng lồ Huawei đầu năm 2018 mới chỉ "mon men" đến Mỹ đã bị chính quyền Trump khước từ.
Nhưng những thất bại to lớn này không có nghĩa rằng Vsmart đang cầm chắc thất bại khi đến Mỹ. Trái lại, trước Vsmart, đã có một ông lớn có thể tạo dựng được chỗ đứng riêng khi chọn được đúng đường để đi.
Kỳ tích của OnePlus
OnePlus, tên tuổi smartphone Trung Quốc duy nhất tự tạo dựng được chỗ đứng tại Mỹ từ con số 0.
Tên tuổi mà chúng ta đang nhắc đến là OnePlus. Cuối năm 2013, OnePlus thành lập dưới sự điều hành của cựu phó chủ tịch OPPO, Peter Lau và Carl Pei. Khác với các thương hiệu "anh em" cùng do tập đoàn BBK Electronics làm chủ, OnePlus có rất ít dòng sản phẩm và tập trung vào các phân khúc cận cao cấp/cao cấp hơn là các phân khúc dưới. Ngày 23/4/2014, OnePlus vén màn sản phẩm đầu tiên, chiếc OnePlus One với cấu hình ngang ngửa Galaxy S5 nhưng giá bán rẻ hơn rất nhiều.
Chiến lược từ OnePlus One sau này đã trở thành đặc trưng của OnePlus: phá giá cấu hình, nhưng chỉ phá giá từ phân khúc cao cấp xuống cận cao cấp chứ không "bán chịu lỗ" như Xiaomi. Hãng điện thoại Trung Quốc cũng đẩy mạnh khâu quảng bá với khẩu hiệu "Never Settle" - "Không dừng lại", với ý nói rằng người dùng tầm trung/cận cao cấp không cần phải chấp nhận trải nghiệm hạng hai như với sản phẩm của các hãng khác.
Với chiến lược này, quả nhiên OnePlus không mất nhiều thời gian để đạt được thành công. Chỉ trong vòng 6 tháng, doanh số OnePlus One đã đạt gần 1 triệu máy. 5 năm sau, OnePlus 6 chỉ mất vỏn vẹn một tháng để đạt được con số này.
OnePlus đã làm được điều không tưởng: Lọt top 5 thương hiệu cao cấp trên toàn cầu.
Quan trọng hơn, OnePlus đã làm được điều mà nhiều thương hiệu Trung Quốc khác không làm được: xây dựng chỗ đứng trên thị trường cao cấp. Trong năm 2018 và 2019, OnePlus được xác định là 1 trong 5 tên tuổi đứng đầu thị trường smartphone trên 400 USD. Tại Ấn Độ, thương hiệu này thường xuyên chiếm giữ vị trí số 1 của phân khúc cao cấp, vượt mặt cả 2 đối thủ sừng sỏ là Apple và Samsung. Tại Trung Quốc, OnePlus đứng thứ 2 trong phân khúc 300 - 500 USD. Đặc biệt, tại Mỹ, OnePlus là thương hiệu duy nhất duy trì được tăng trưởng trong quý 1 đầy khó khăn do Covid-19 gây ra.
Vsmart cần học hỏi
Có thể nói rằng OnePlus là minh chứng cho thấy Vsmart vẫn có thể thành công tại các thị trường nước ngoài khó tính như thị trường Mỹ. Thực tế, ngay từ bây giờ Vsmart đã cho thấy nhiều điểm chung với thương hiệu cao cấp của BBK. Với chiến lược "phá giá cấu hình" và chế độ hậu mãi tốt tới mức các đối thủ cũng buộc phải học theo, Vsmart đã cho thấy người dùng phân khúc giá phổ thông không cần phải chấp nhận những trải nghiệm smartphone dở tệ. Cả Vsmart Live và Vsmart Joy 3 đều đã từng " cháy hàng " nhờ chiến lược này.
Vào tháng 3 vừa qua, thương hiệu smartphone Việt đã làm được điều không thể: vươn lên đứng vị trí thứ 3 của thị trường nước nhà với thị phần hơn 15%. Trước đó, các tên tuổi lớn toàn cầu như Xiaomi, Huawei, Apple... đều bị Samsung và OPPO đè bẹp, thị phần chưa bao giờ vượt nổi mức 10%.
Chiến lược Vsmart vốn đã giống OnePlus, nay chỉ cần lên phân khúc trung/cao cấp nữa thôi.
Với Vsmart, nước Mỹ đơn giản chỉ là thử thách bất khả thi tiếp theo cần bị chinh phục. Mang những thế mạnh đang có lên phân khúc cận cao cấp và rồi gia tăng thêm những tính năng thú vị nhờ trí tuệ Việt, biết đâu, thương hiệu smartphone Việt Nam lại có thể làm được điều không thể ở xứ người thì sao?