Suốt sáu tháng qua, con tàu phá băng Polarstern của Đức nằm im lìm giữa Bắc Băng Dương. Không phải lớp băng dày bám lấy thuyền ngăn con tàu này về với đất liền, mà những người có mặt trên Polarstern không còn cách nào khác. Trên tàu là hàng trăm nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới, đi đây đó mấy tháng trời này để thực hiện chuyến thám hiểm MOSAiC, nỗ lực nghiên cứu khoa học tại vùng cực nhằm hiểu hơn về nơi đây trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu.
Theo dự định, khoảng giữa tháng Tư, con tàu Polarstern sẽ nhận nhóm thám hiểm mới tại Svalbard, Na Uy và đưa đoàn các nhà khoa học hiện tại về nghỉ ngơi. Nhưng vì tình hình đại dịch Covid-19 đang hoành hành, kế hoạch này bị gián đoạn. Hiện tại, nhóm các nhà khoa học sẽ ở thêm 6 tuần nữa trên tàu, với mục đích giữ cho chuyến thám hiểm không “đứt gánh giữa chừng”.
Đầu tháng này, chính phủ Svalbard - một quần đảo nằm trên Bắc Băng Dương - đã tuyên bố dừng nhập cảnh do lo sợ dịch Covid-19, khiến khoảng 100 nhà khoa học và thủy thủ đoàn không thể cập bến Svalbard mà bắt chuyến bay về nhà. Trong thời gian tới, nhiều khả năng những người chỉ đạo dự án MOSAiC sẽ điều phà chở đồ tiếp tế tới cho các nhà khoa học đang “cố thủ” trên con tàu phá băng.
Dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành, mọi hoạt động giao thông đều chững lại. Đi kèm với nó là quyết định dừng một loạt các hoạt động khám phá và nghiên cứu khoa học. Còn nhóm các chuyên gia của dự án MOSAiC đối mặt với những khó khăn rất riêng: họ vừa phải đảm bảo tiến độ nghiên cứu, lại vừa ngăn chặn virus xâm nhập lên Polarstern bằng mọi giá. Chuyến hành trình tiếp tế cho Polarstern cũng rất gian nan, trực thăng rất khó tiếp cận được con tàu phá băng này, tàu biển cũng phải mất nhiều tuần mới tới nơi.
Hồi đầu tháng, một nhà nghiên cứu dự định tham gia hỗ trợ dự án MOSAiC đã dương tính với Covid-19, khiến toàn bộ kế hoạch bị gián đoạn. Tình hình tệ hơn khi chính quyền Na Uy cấm nhập cảnh. Kế hoạch mùa xuân trì trệ, và giờ nhóm nghiên cứu cũng chưa biết kế hoạch mùa hạ sẽ ra sao.
Tuy vậy, đoàn thám hiểm trên Polarstern an toàn tuyệt đối, sống cách xa Covid-19 và trên tàu đủ lương thực cho nhiều tuần nữa. Họ có thừa thời gian để tận tâm cống hiến cho khoa học, trong thời gian này bên tổ chức chuyến nghiên cứu MOSAiC sẽ tiến hành lên kế hoạch phòng bị.
Dự tính, một con tàu phá băng khác sẽ mang đoàn nghiên cứu mới tới Polarstern; những người này sẽ phải đều âm tính với SARS-CoV-2 và đã thực hiện cách ly đủ số ngày quy định. Ban điều hành MOSAiC đã liên hệ với một số tàu trong khu vực, xét xem bến cảng chưa bị phong tỏa nào sẵn sàng cho thuyền ra khơi.
Còn một cách khác, đó là gộp nhóm hai nhóm các nhà khoa học lại để tăng cường tốc độ nghiên cứu. Nếu thế, nhóm ở trên Polarstern sẽ ở lại tàu thêm 6 tuần nữa, và thay vì 3 chuyến thay người từ giờ cho tới tháng Chín, sẽ chỉ còn hai đợt thay nhân lực như vậy.
Cách thức này sẽ đảm bảo dự án MOSAiC tiếp tục đi đúng lộ trình, và còn giải quyết được khúc mắc mới nảy sinh - nhiều nhà khoa học không thể dời quốc gia đang trú ngụ vì lệnh cấm bay do dịch Covid-19.
Thời điểm hiện tại, các chuyên gia có mặt trên Polarstern vẫn tiếp tục công việc thường ngày. Họ nghiên cứu mối quan hệ cộng sinh giữa sinh vật dưới đáy đại dương và vi khuẩn tại các mạch thủy nhiệt sâu dưới lòng biển, tìm hiểu vòng xoay carbon trên đại dương toàn thế giới - một sứ mệnh do NASA đứng sau chỉ đạo, bên cạnh đó là chuẩn bị cho hơn 10 dự án khác sẽ được tiến hành trong tháng tới.
Trong tình hình nhà nhà phải cách ly, người người phải làm việc tại nhà, nhóm các chuyên gia nghiên cứu trên con tàu Polarstern là số ít người có thể đi làm mùa dịch, lại còn làm công việc quan trọng như nghiên cứu khoa học nữa chứ! Dù là tính chất khác biệt với các nhà nghiên cứu đang tìm cách xử lý dịch Covid-19, nhưng họ đều cùng mục tiêu: cống hiến hiểu biết cho nhân loại.