VFF, 60 tỷ & chuyện thầy trò Hữu Thắng đi… cày tiền

Lập Trần |

Tại sao ĐT Việt Nam lại chọn Cần Thơ làm điểm đến cuối cùng trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2016?. Đây là câu hỏi mà nhiều người quan tâm.

Bực bội thì làm sao?

Xin nhắc lại câu chuyện chưa cũ, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã rất bực bội khi LĐBĐ Việt Nam (VFF) chọn TP.HCM để tập huấn cho đội tuyển.

Ông Thắng bực là đúng, bởi đó là những ngày các trò của ông vừa tập vừa nhìn ông trời vì… sợ mưa, đường ngập. Thật ra, đấy là thỏa thuận của VFF với nhà tài trợ. Vì thế, Hữu Thắng và các học trò đành phải chấp nhận dù trong bụng không ưng.

VFF đã thắng lớn trong thương vụ giao hữu giữa ĐT Việt Nam và Triều Tiên. Đó là một trận đấu đẹp, với việc thầy trò thắng lợi tưng bừng với tỷ số 5-2. Và đẹp vì nhà tài trợ cảm thấy rất hài lòng khi sân Thống Nhất không còn một chỗ trống và nó tạo ra một hiệu ứng truyền thông rất lớn.

Nhưng cái được và đẹp nhất chính là số tiền thu về sau một trận đấu. Với các mệnh giá 100, 150 và 200 ngàn đồng, theo ước tính VFF đã thu về khoảng 3 tỷ đồng từ tiền bán vé.

Trở lại câu chuyện ĐT Việt Nam vào Cần Thơ thi đấu. Thật ra, ý tưởng đưa đội tuyển về phục vụ bà con xứ Tây Đô là ý tưởng rất hay.

Đấy là cách để thương hiệu của ĐT Việt Nam, vốn bị ngó lơ trong thời gian qua tìm lại chỗ đứng trong lòng người hâm mộ. Nó không chỉ làm vừa lòng nhà tài trợ mà còn mang về ngân khố của VFF một khoản tài chính kha khá.

Cụ thể, sân Cần Thơ với sức chứa khoảng 40 ngàn chỗ ngồi, ước tính VFF sẽ thu về khoảng 4 tỷ đồng tiền bán vé. Rõ ràng, trong thời buổi "gạo châu củi quế" thì số tiền khoảng 7 tỷ đồng từ 2 trận đấu ở phía Nam mà VFF có được là rất đáng kể.

Khi đội tuyển "du đấu"

Năm 2014 những nhà vô địch U21 Quốc tế đang khoác áo đội tuyển bây giờ là Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh, Văn Toàn đã làm khán giả xứ Tây Đô ngây ngất với những màn trình diễn đẳng cấp.

Có lẽ vì thế, VFF đã rất rốt ráo trong vụ các CLB nước ngoài không chịu nhả cầu thủ của HAGL về thi đấu cho đội tuyển. Trong đó có Lương Xuân Trường từ Incheon United kịp về thi đấu với Indonesia và CLB Avispa Fukuoka.

VFF, 60 tỷ & chuyện thầy trò Hữu Thắng đi… cày tiền - Ảnh 1.

ĐT Việt Nam đang có thêm những trận đấu ở các tỉnh thành khác ngoài Hà Nội.

Chắc chắn, chiến lược kinh doanh thương hiệu đội tuyển đã có những thay đổi. Cụ thể, VFF nhìn đã chuyển hướng "tấn công" ra vùng ven, tức là mang đội tuyển đến các tỉnh thành khác chứ không còn quẩn quanh ở thủ đô Hà Nội.

Thật ra, việc thăm dò thị trường đã được áp dụng từ lâu nhưng nó không mang đến sự hiệu quả.

Chẳng hạn, năm 2013, nằm chuẩn bị cho SEA Games 27, HLV Hoàng Văn Phúc dẫn U23 Việt Nam về đá với đội hạng Nhất Tây Ninh. Đó là một trận đấu vô thưởng vô phạt vì "quân xanh" của U23 Việt Nam quá yếu và khán giả cũng đến sân không như mong muốn.

Năm 2015, trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 28, VFF cũng tổ chức trận giao hữu giữa U23 Việt Nam của HLV Toshiya Miura và Myanmar tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, hiệu quả thu về là không đáng kể mà cụ thể sân Cẩm Phả vẫn còn rất nhiều chỗ trống.

Dưới thời của Hữu Thắng, ĐT Việt Nam cũng đã chọn Than Quảng Ninh làm đối thủ giao hữu ngay tại Cẩm Phả. Trận đấu này đã thu về những tín hiệu tích cực và có lẽ từ đây, VFF đã có những quyết định mạnh mẽ hơn trong việc chuyển hướng kinh doanh.

Thương hiệu lên, tiền sẽ về

Tổng thư ký của VFF – ông Lê Hoài Anh cho biết: "Chúng ta đang trong giai đoạn đầu tư, và đang từng bước mang lại hiệu quả. Chúng tôi tin khi rằng trong năm các năm tới, giá trị của các đội tuyển được nâng cao sẽ đem lại nguồn tài trợ mạnh mẽ hơn" .

Đúng vậy, giá trị thương hiệu của ĐTQG cần được đặt lên hàng đầu thay vì một đội tuyển trẻ.

Thực tế, bóng đá Việt Nam từng có nghịch lý là khán giả đổ xô đi mua vé chợ đen với giá "cắt cổ" để xem U19 Việt Nam đá trên sân Mỹ Đình. Còn ĐTQG thi đấu lại bị chê bai và sân bóng cứ vắng như chùa bà đanh.

Cần phải khẳng định, ĐTQG chính là thước đo thành công của một nền bóng đá. Đáng tiếc, trong những năm qua VFF đã không dành sự quân tâm, hoặc quan tâm chưa đủ về mặt xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho đội tuyển.

Nguyên do, bộ phận truyền thông của VFF vừa thiếu lại vừa yếu. Cho đến khi VFF làm việc với các đối tác truyền thông từ Nhật Bản thì thương hiệu đội tuyển mới có thể… nhích lên đôi chút.

Chắc chắn, chúng không nên đặt lợi nhuận và mục đích kinh doanh với ĐTQG. Nhưng bằng cách trực tiếp hay gián tiếp thì VFF cần phải có một chiến lược tiếp thị cho đội tuyển.

VFF, 60 tỷ & chuyện thầy trò Hữu Thắng đi… cày tiền - Ảnh 2.

Các CĐV Cần Thơ háo hức xem đội tuyển thi đấu.

Bởi suy cho cùng bóng đá cũng là một môn thể thao giải trí. Nói cách khác, đội bóng ấy cũng giống như một bộ phim, nếu có diễn viên hạng A, được truyền thông rầm rộ, ắt sẽ thắng lớn.

VFF đã "vỡ mộng" với mục tiêu thu về mỗi năm 300 tỷ đồng từ việc khai thác thương quyền, hình ảnh, truyền hình của ĐTQG. Tổ chức xã hội này không sai khi đặc mục tiêu nói trên. Có chăng, họ đã sai khi không có một chiến lược cụ thể.

Nhìn từ việc HLV Hữu Thắng và các học trò được chào đón tưng bừng tại TP.HCM, Cần Thơ, Quảng Ninh; thời gian tới đây, chẳng có lý do gì VFF lại không mang đội tuyển đến Đà Nẵng, Hải Phòng, Gia Lai…

Chắc chắn, thương hiệu đội tuyển chỉ có được khi các khán đài kín chỗ, khi hàng triệu người dán mắt ngồi trước màn hình và khi thông tin đội tuyển tràn ngập trên các trang báo, các bản tin truyền hình…

VFF đã hành động và rõ ràng họ cần thêm sự kiên nhẫn cũng như xây dựng một đội tuyển gần hơn với NHM cả nước.

Thu 60 tỷ vẫn… lỗ

Theo báo cáo tổng kết hoạt động năm 2016 và kế hoạch, nhiệm vụ công tác năm 2016 của VFF, công tác tiếp thị và vận động tài trợ thực hiện tốt so với mục tiêu kế hoạch 2016, tính đến 30.9.2016 là 60 tỉ đồng (bao gồm hiện vật).

Trong năm 2016, VFF cũng đã tổ chức được 20 sự kiện bóng đá. Tuy nhiên, số tiền thu được nếu so với dự trù kinh phí hoạt động năm 2016 của VFF vẫn lỗ. Nguyên nhân là do năm 2016, VFF đã tập trung 12 ĐTQG, với trên 20 đợt tập huấn và mức đầu tư kinh phí là rất lớn. Dự kiến năm 2017, VFF sẽ phải bỏ ra trên 4 tỷ với những phát sinh.

Còn 3 tháng nữa để… cày"

Chúng tôi không đặt ra lợi nhuận với ĐTQG, mà chỉ mong có được những chi phí duy trì ĐTQG và phát triển phong trào. Trong thời gian qua, ngoài chế độ Nhà nước, VFF đã tăng chế độ tiền công cho ĐTQG nam và nữ, cho các trọng tài tham gia điều hành tại giải chuyên nghiệp.

Với chi phí năm nay, vẫn còn 3 tháng nữa, nhưng phát sinh nhiều giải trẻ, VFF cố gắng co kéo lo chi phí thì mới đủ", Tổng Thư ký VFF – Lê Hoài Anh cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại