Vết nứt khổng lồ ở Nam Cực giải phóng tảng băng trôi rộng 1270 km2

ANH VIỆT |

Một tảng băng trôi khổng lồ, có kích thước gấp 20 lần đảo Manhattan (New York), vừa tách ra khỏi Thềm băng Brunt của Nam Cực.

Vụ tách rời đầy kịch tính này diễn ra sau khi một vết nứt lớn hình thành trên thềm băng Brunt vào tháng 11 năm 2020 và tiếp tục phát triển cho đến khi tảng băng tách rời hoàn toàn vào 26/2.

Theo đó, vết nứt mang tên "North Rift" là khe sâu thứ ba xé ngang thềm băng Brunt trong suốt 1 thập kỷ qua.

Nó lan dọc về theo hướng Đông Bắc của thềm băng Brunt với tốc độ khá chậm, chỉ khoảng 0,6 dặm (1 km) mỗi ngày. Tuy nhiên, vào sáng ngày 26 tháng 2, vết nứt đã mở rộng vài trăm mét chỉ trong vài giờ. Được biết, các nhà khoa học đã dự đoán được sự xuất hiện của vết nứt này trong suốt nhiều năm về trước.

"Các nhóm nghiên cứu của BAS đã chuẩn bị cho sự kiện một tảng băng rơi tách rời từ thềm băng Brunt suốt nhiều năm trước đó. Trong thời gian tới, tảng băng có thể di chuyển ra xa hoặc nó có thể mắc cạn và ở gần Thềm băng Brunt", Dame Jane Francis, giám đốc Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) chi biết.

Vết nứt khổng lồ ở Nam Cực giải phóng tảng băng trôi rộng 1270 km2 - Ảnh 1.

Vết nứt North Rift khi nhìn từ trên cao

Theo các nhà khoa học, hiện tượng một tảng băng tách rời khỏi thềm băng là điều diễn ra hoàn toàn tự nhiên, không phải do biến đổi khí hậu. Trên thực tế, hàng năm, các nhà khoa học thường xuyên ghi nhận sự xuất hiện của các tảng băng trôi tách rời khỏi thềm băng Brunt.

Tuy nhiên, tảng băng trôi vừa xuất hiện vào ngày 26/2 vừa qua có kích thước lớn hơn cả, ước tính khoảng 490 dặm vuông (1.270 km vuông), gấp 20 lần kích thước đảo Manhattan tại New York.

"Mặc dù việc các tảng băng trôi tách rời khỏi thềm băng ở Nam Cực là điều hoàn toàn bình thường, sự kiện diễn ra tại Thềm băng Brunt vào thứ Sáu vẫn khá hiếm và thú vị", Adrian Luckman, giáo sư tại Đại học Swansea ở Wales cho biết.

Thềm băng Brunt là nơi đặt trạm nghiên cứu BAS Halley VI, nơi các nhà khoa học quan sát thời tiết khí quyển và không gian.

Trong năm 2016, BAS chuyển trạm 32 km trong đất liền để tránh hai vết nứt lớn khác trong thềm băng được gọi là "Chasm 1" và "Halloween Crack". Tuy nhiên, cả hai vết nứt đều đã không mở rộng thêm nữa trong 18 tháng qua. Trạm nghiên cứu hiện đã đóng cửa khi nhóm nghiên cứu gồm 12 người đã rời Nam Cực vào tháng 2 vừa qua.

Do không thể đoán trước được sự hình thành của tảng băng trôi và việc sơ tán có thể gặp nhiều khó khăn trong mùa đông lạnh giá và tăm tối, nhóm nghiên cứu đã chỉ làm việc tại trạm trong suốt mùa hè ở Nam Cực trong bốn năm qua.

Mỗi ngày, các thiết bị GPS có chức năng đo lường sự biến dạng của thềm băng liên tục gửi thông tin về trụ sở của BAS tại Anh. Song song đó, các nhà nghiên cứu cũng sử dụng hình ảnh vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, NASA và vệ tinh TerraSAR-X của Đức để theo dõi thềm băng.

Tham khảo Science Alert

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại