VEPR: Thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn tiếp tục cản trở nền kinh tế

Minh Tuấn |

TS. Nguyễn Đức Thành nhận định rằng kinh tế Việt Nam có một sự tăng trưởng bất thường trong nửa cuối năm và các con số báo cáo có thể cao hơn mức bình thường. Chia sẻ Tweet

Tại Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý IV/2017, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng năm 2017 có thể nói là một năm thành công của kinh tế Việt Nam khi là năm đầu tiên sau nhiều năm hoàn thành 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội do Quốc hội đề ra.

Trong đó, GDP cả nước ước tăng 6,81%, cao hơn mục tiêu 6,7%, dù từ đầu năm các chuyên gia cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế không đưa ra nhiều kỳ vọng lạc quan.

Liệu tăng trưởng GDP có cao quá mức?

Tuy nhiên, có nhiều người cho rằng chỉ số tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017 cao quá, đặc biệt là quý III và IV. Do đó, VEPR đã kiểm tra lại thông qua Chỉ số hoạt động kinh tế (VEPI). Chỉ số do VEPR xây dựng dựa trên số liệu về sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng tín dụng và chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI).

“Chúng tôi tìm kiếm các nguồn tăng trưởng khác ổng định hơn mà không bị lệ thuộc quá nhiều vào các con số mang tính chất thành tích của Tổng cục Thống kê. Theo đó, các con số theo VEPR thấp hơn Tổng cục Thống kê công bố”, TS. Thành nói.

Mức tăng trưởng này hơi thấp hơn so với công bố của Tổng cục Thống kê về tăng trưởng GDP, do chỉ số VEPI luôn có xu hướng biến động ổn định hơn. Hai quý cuối của năm có sự tăng trưởng mạnh, mặc dù không cao như các con số được công bố nhưng các khuynh hướng giống nhau.

Cụ thể, VEPI Quý 4 đạt 7,28%, cao hơn nhiều so với các quý trước và cùng kỳ năm 2016, trong khi mức tăng trưởng GDP công bố là 7,65%.

VEPR: Thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn tiếp tục cản trở nền kinh tế - Ảnh 1.

“Việc chỉ số VEPI vẫn thấp hơn có thể phản ánh rằng tăng trưởng GDP không thực sự vượt bậc như thực tế, tiếp tục cho thấy cần phải lưu ý đến sự thống nhất giữa các nguồn số liệu”, báo cáo nhấn mạnh.

TS. Thành cho biết các chuyên gia của VEPR cũng sử dụng các mô hình kinh tế lượng khác để dự báo tăng trưởng kinh tế của quý III và quý IV, và kết quả cho thấy các dự báo đều năm dưới mức được báo cáo.

“Điều đó cho thấy thứ nhất, kinh tế Việt Nam có một sự tăng trưởng bất thường trong nửa cuối năm. Thứ hai, các con số báo cáo có thể cao hơn mức bình thường”, Viện trưởng VEPR nói.

Kinh tế Việt Nam đối mặt những lực cản nào?

Nhận xét chung về kinh tế Việt Nam, TS. Thành cho rằng kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với những cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư được Chính phủ quyết tâm theo đuổi được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh trong năm 2018.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để sẽ vẫn là lực cản đối với nền kinh tế.

Thứ nhất, động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động. Năng suất lao động của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/14 so với Singapore, 1/6 so với Malaysia và 1/3 so với Thái Lan.

“Nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao năng suất lao động trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay. Bên cạnh đó, lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, báo cáo lưu ý.

Thứ hai, thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao vẫn tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng cản trở nền kinh tế. Trong khi nguồn vốn chi đầu tư công vẫn còn hạn chế, chi thường xuyên vẫn ở mức cao tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp vốn vay ODA, các nhà tài trợ nước ngoài sẽ lần lượt rút dần và chỉ cho vay với các mức lãi suất kém ưu đãi hơn, Việt Nam sẽ cần sử dụng nhiều hơn nguồn nội lực của mình làm động lực cho tăng trưởng.

Chính phủ cũng cần thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện trong thời gian qua, VEPR khuyến nghị.

Thứ ba, việc phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 có thể đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn liên quan đến địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại của một số nước lớn cũng như sự thay đổi ngày càng nhanh của khoa học công nghệ trên thế giới.

Nhóm nghiên cứu VEPR cho rằng những mục tiêu cho năm 2018 là có thể đạt được, với các điều kiện thuận lợi hiện nay tiếp tục được duy trì.

VEPR dự báo tăng trưởng GDP sẽ tăng đều theo từng quý trong năm 2018, đạt 6,02% trong quý I, 6,41% trong quý II, 7,08% trong quý III, và 7,27% trong quý IV. Tính chung cả năm, GDP được dự báo tăng 6,65%. Lạm phát được dự báo xung quanh 4%.

“Dự báo trên dựa trên nguyên tắc thận trọng. Điều đó cho thấy tăng trưởng GDP của Việt Nam cứ không phải năm nay cao thì năm sau cũng cao như vậy, nếu như không có các cải thiện vững chắc", TS. Thanh nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại