Vẻn vẹn 9 ngày, Mỹ "quay ngoắt" 180 độ trong vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ - người Kurd như thế nào?

Tất Đạt |

Những dự định trái chiều của Mỹ tại khu vực trong những ngày vừa qua đã khiến các nước trong khu vực và thế giới phải nghi ngại.

Ngày 13/1: Mỹ thông báo sẽ thành lập Lực lượng An ninh Biên giới (BSF) do người Kurd ở Syria dẫn đầu để đề phòng sự tái xuất của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Lực lượng BSF được dự tính sẽ có quân số lên tới 30.000 lính, với nòng cốt là Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), hoạt động trong vùng lãnh thổ người Kurd quản lí.

Ngày 15/1: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gọi BSF là "quân đoàn khủng bố" và tuyên bố sẽ "tiêu diệt BSF trước khi lực lượng này ra đời".

Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức lên kế hoạch đưa quân tới khu vực Afrin ở tây bắc Syria sau khi cáo buộc Mỹ không hề bàn bạc với Ankara về BSF, khẳng định Washington đã phá vỡ cam kết không tài trợ vũ khí YPG – lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi là khủng bố.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ được vận chuyển tới biên giới với Syria. Nguồn: RT

Ngày 17/1: Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu trên truyền thông: "Toàn bộ vụ việc đều là sự hiểu nhầm. Mỹ không hề tạo lập lực lượng BSF."

Trong khi đó, khi được hỏi về 8.000-10.000 quân YPG đang đóng tại Afrin, phát ngôn viên Adrian Rankine-Galloway của Lầu Năm Góc nói: "Chúng tôi không coi đoàn quân này thuộc chiến dịch ‘Tiêu diệt IS’. Chúng tôi không tài trợ cho họ. Chúng tôi cũng không liên quan gì tới họ cả."

Ngày 20/1: Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Afrin và gọi cuộc không kích – tiến công bộ binh tổng lực này là Chiến dịch Cành Ô-liu. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ tạo lập một "khu an ninh" dài 30 km quanh biên giới Syria, và lập kế hoạch tiếp tục công kích vào miền đông Syria.

Ngày 21/1: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói: "Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh NATO của Mỹ và họ có những mối quan tâm an ninh hợp pháp. Chúng tôi sẽ giải quyết chuyện này".

Ngày 22/1: Ngoại trưởng Mỹ Tillerson phát biểu: "Mỹ sẽ cân nhắc liệu hai nước có thể cùng nhau tạo nên khu an ninh cần thiết cho Thổ Nhĩ Kỳ hay không."

Những dự định trái chiều của Mỹ tại khu vực trong những ngày vừa qua đã khiến các nước trong khu vực và thế giới phải nghi ngại. Nhiều chuyên gia hoài nghi về sự có mặt của chính quân đội Mỹ tại đây.

Đối với chính quyền Syria, đây là vấn đề lớn cho chủ quyền lãnh thổ của họ khi vùng biên giới bị kẹt giữa ba bên Thổ Nhĩ Kỳ - người Kurd – Mỹ.

Vẻn vẹn 9 ngày, Mỹ quay ngoắt 180 độ trong vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ - người Kurd như thế nào? - Ảnh 2.

Các chiến binh Peshmerga của Iraq. Ảnh: Marius Bosch / Reuters

RT cho biết, mới đây, lực lượng Peshmerga của Iraq cũng lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ người Kurd Syria chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria.

Theo đó, văn phòng nhánh Iraq của đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) khẳng định sẽ tham chiến nếu "được cho phép".

"Nếu có thể, chúng tôi sẽ đưa quân tới giúp Afrin. Tuy nhiên, trước khi triển khai lực lượng, chúng tôi sẽ gửi đại diện tới Ankara để đàm phán trước. Chúng tôi ưu tiên đối thoại hơn chiến tranh," vị đại diện nói.

Trên thực tế, việc đưa quân người Kurd ở Iraq tới Afrin gần như bất khả thi bởi nếu muốn tới miền bắc Syria, lực lượng này phải đi qua lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại