Theo Baidu, Tôn Lộc Đường chính là huyền thoại võ thuật lừng danh vào thế kỷ 19. Ông sở hữu công phu tuyệt đỉnh, là cao thủ từng tập nhiều môn phái võ thuật khác nhau trước khi sáng lập nên Tôn thức Thái Cực Quyền. Ở Trung Quốc, người ta gọi ông là "võ sư toàn năng".
Tôn Lộc Đường sinh năm 1860 tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Năm lên 7 tuổi, người cha của Tôn Lộc Đường qua đời. Kể từ đó, Tôn Lộc Đường bắt đầu bỏ học và chỉ theo đuổi niềm đam mê võ thuật.
Theo Baidu thì vào năm 1872 (khi Tôn Lộc Đường mới 12 tuổi), ông từng suýt chết vì định tự vẫn. Lý do là bởi mẹ cậu mắc bệnh nặng nhưng Tôn Lộc Đường không những không giúp được gì mà chỉ suốt ngày tham gia những cuộc đánh lộn. Với suy nghĩ nông nổi, Tôn Lộc Đường đã treo cổ trong rừng vào lúc nửa đêm. Thế nhưng, cậu lại may mắn được một người đi đường bắt gặp và cứu sống.
Tôn Lộc Đường từng suýt chết vì treo cổ giữa rừng vào đêm khuya.
Với niềm đam mê võ thuật cháy bỏng, Tôn Lộc Đường sớm theo học môn phái Thiếu Lâm từ khi còn là một đứa trẻ. Đến năm 13 tuổi, Tôn Lộc Đường theo học Hình Ý Quyền với Lý Khuê Nguyên – một võ sư nổi danh tại Hà Bắc. Với tư chất hơn người, Tôn Lộc Đường sớm lĩnh hội được hết những tinh hoa của Hình Ý Quyền và trở thành một cao thủ sau 11 năm luyện môn võ này.
Thế nhưng, do không hài lòng với trình độ của mình, ông đến Bắc Kinh để tầm sư học đạo, nhận làm đệ tử của Trình Đình Hoa – một cao thủ Bát quái chưởng của Trung Quốc.
Vào mùa xuân năm 1886 (tức năm 26 tuổi), Tôn Lộc Đường bắt đầu một mình đi tới 11 tỉnh thành từ miền Bắc tới miền Nam để theo học thêm nhiều môn phái võ thuật khác nhau, từ Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi... Trong thời gian này, ông từng tỉ thí với hàng chục cao thủ và chưa từng nếm mùi thất bại.
Hai năm sau (1888), ông trở về quê hương ở Hà Bắc để mở võ đường. Vài năm sau đó, người đứng đầu ba tỉnh miền Đông Trung Hoa là Từ Thế Xương vì nghe danh Tôn Lộc Đường có võ công cái thế nên đã tìm tới, thuyết phục Tôn Lộc Đường về phủ của mình để làm quan nhưng Tôn Lộc Đường một mực từ chối.
Tôn Lộc Đường là võ sĩ bất khả chiến bại, huyền thoại của làng võ Trung Quốc.
Năm 1912, Tôn Lộc Đường tình cờ gặp gỡ Hác Vi Trinh – một cao thủ Thái Cực Quyền nổi tiếng vào cuối triều Thanh tại Bắc Kinh. Lúc bấy giờ, Hác Vi Trinh ở tuổi lục tuần bị lâm bệnh, không nơi nương tựa. Tôn Lộc Đường nghe nói liền mời Hác Vi Trinh về nhà mình, đón thầy thuốc chữa cho Hác Vi Trinh khỏi bệnh. Hác Vi Trinh mang ơn ấy liền đem sở đắc Thái Cực Quyền của mình truyền cho Tôn Lộc Đường.
Theo Baidu, Tôn Lộc Đường lĩnh hội Thái Cực Quyền nhanh tới nỗi làm Hác Vi Trinh phải kinh ngạc. Nhưng chính nhờ Hác Vi Trinh, Tôn Lộc Đường tinh thông cả ba nhà Hình Ý, Bát Quái, Thái Cực, võ công dần đạt tới cảnh giới thượng thừa.
Năm 1928, Trung Ương Quốc Thuật Quán ở Trung Quốc được thành lập, Tôn Lộc Đường được mời giữ chức Võ Đang Môn Trưởng. Ông đảm nhiệm chức vụ này đến tháng 10 năm 1931 thì về lại Bắc Kinh, tiếp tục tập luyện và nghiên cứu về võ thuật.
Theo Baidu thì vào năm 1920, một cao thủ võ thuật ở Nhật Bản đã được đích thân Nhật Hoàng Nhật Bản phái tới Bắc Kinh tìm gặp Tôn Lộc Đường để thách đấu. Vị cao thủ Nhật Bản tuyên bố sẽ đánh gãy tay Tôn Lộc Đường và cho rằng những người Trung Quốc vốn chỉ là "Đông Á bệnh phu". Thế nhưng, rốt cục Tôn Lộc Đường đã hạ gục võ sư người Nhật chỉ sau chưa tới 1 phút. Lúc này, Tôn Lộc Đường đã gần 60 tuổi.
Các giai thoại ở Trung Quốc khẳng định ông từng một mình đánh bại 5 võ sĩ Nhật Bản.
Có một lần khác, Tôn Lộc Đường từng một lúc đấu với 5 võ sĩ Nhật Bản ở Hồng Khẩu (Thượng Hải). Kết quả, Tôn Lộc Đường mau chóng đánh bại cả 5 đối thủ nhờ vào những tuyệt kỹ của Thái Cực Quyền và Hình Ý Quyền.
Không lâu sau sự kiện này, đích thân Thiên Hoàng Nhật Bản đã gửi thư mời Tôn Lộc Đường sang Nhật để dạy công phu Trung Quốc. Thế nhưng, Tôn Lộc Đường một mực chối từ. Và cũng sau sự kiện này, Tôn Lộc Đường được phong danh hiệu là "Hổ đầu thiếu bảo, thiên hạ đệ nhất thủ".
Theo Baidu, Tôn Lộc Đường còn từng tỉ thí với nhiều cao thủ ngoại quốc từ Pháp, Mỹ, Thái Lan mà chưa một lần thất bại.
Tuy là người có võ công thượng thừa, Tôn Lộc Đường không hề tự phụ. Trái lại, ông nổi danh là người khiêm tốn và thường giúp đỡ người khác. Theo truyền thông Trung Quốc, Tôn Lộc Đường dường như đã đoán biết được ngày mà ông sẽ từ giã cuộc đời.
Có giai thoại kể rằng trước khi qua đời đúng một tháng, Tôn Lộc Đường chào tạm biệt bằng hữu, dặn dò gia quyến. Sau đó, ông không ăn uống gì, chỉ luyện quyền cước, khí công, viết thư pháp trong suốt hai tuần. Vào một ngày mùa Đông năm 1933, trước giờ lâm chung, Tôn Lộc Đường một lần nữa từ biệt gia quyến và một số đại đồ đệ của mình. Sau đó, ông ngồi tọa thiền trên ghế rồi từ giã cõi trần.