Vệ tinh Starlink. Ảnh: GeekWite
Nga cho nổ một trong các vệ tinh của họ bằng tên lửa vào ngày 15-11, vụ nổ gây ra các mảnh vỡ lan rộng khắp quỹ đạo Trái đất. Tốc độ di chuyển của các mảnh vỡ nhanh gấp 10 lần tốc độ của một viên đạn, theo trang tin Business Insider.
Các đám mây mảnh vụn mới là mối đe dọa đối với hầu hết mọi thứ trong quỹ đạo Trái đất. Trong đó, Công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk có mạng lưới của khoảng 1.700 vệ tinh Starlink kết nối Internet xuống Trái đất.
"Chúng tôi đã phải dịch chuyển một số quỹ đạo vệ tinh Starlink để giảm xác suất va chạm" - tỉ phú Musk - người thành lập SpaceX vào năm 2002 - viết trên Twitter .
Các mảnh vỡ nhỏ hơn có thể dễ dàng làm mất khả năng hoạt động của vệ tinh. Trong trường hợp đó, vệ tinh sẽ từ từ mất độ cao cho đến khi rơi qua bầu khí quyển của Trái đất, bốc cháy do ma sát.
Tuy nhiên, vệ tinh Starlink sẽ nổ tung nếu va chạm với những mảnh vỡ lớn của vệ tinh Nga. Lúc này tình hình tồi tệ hơn sẽ xảy ra, quỹ đạo Trái đất lại có thêm mảnh vỡ mới từ vệ tinh của Starlink.
"Nếu một vệ tinh bị một trong những mảnh vỡ lớn hơn của Nga va vào, nó có thể phá hủy hoàn toàn vệ tinh thành hàng nghìn mảnh nữa. Sau đó, những mảnh vỡ mới lại va vào nhiều vệ tinh hơn. Thật sự là thảm họa" - nhà thiên văn Jonathan McDowell, người theo dõi vệ tinh và các vật thể mảnh vỡ, nói với tạp chí Insider sau vụ thử tên lửa.
Các cơ quan chuyên môn của Mỹ ước lượng vụ thử tên lửa của Nga đã tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ đủ lớn để theo dõi từ mặt đất. Tuy nhiên, chưa cơ quan nào xác định hoặc theo dõi được đầy đủ tất cả các mảnh vỡ lớn. Điều đó có thể mất hàng tháng.
"Nếu các mảnh vỡ lớn không có trong danh mục cần theo dõi, SpaceX không biết nó ở đó. Và vì vậy họ không thể né tránh" - ông McDowell nói.
Việc né các mảnh vỡ có lẽ sẽ là nhu cầu thường xuyên hơn khi SpaceX phát triển chùm vệ tinh của mình. Ủy ban Truyền thông Liên bang đã cấp phép cho SpaceX đưa 12.000 vệ tinh Starlink của mình lên quỹ đạo và công ty đã yêu cầu phê duyệt 30.000 vệ tinh khác.