Nhóm nghiên cứu vệ tinh Lomonosov của Nga tin rằng họ đã tìm ra một cái gì đó hoàn toàn mới, bởi những "vụ nổ ánh sáng" được ghi nhận không thể giải thích bằng bất cứ điều gì đã biết trước đây.
Các nhà khoa học tin rằng vệ tinh Lomonosov đã phát hiện một hiện tượng hoàn toàn mới, tạm gọi là "vụ nổ ánh sáng" - ảnh minh họa từ Sputnik
Nhà khoa học Mikhail Panasyuk, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Vật lý hạt nhân tại Đại học Quốc gia Moscow (Nga), cho biết trên Spunik rằng vệ tinh này đã nhiều lần ghi nhận được hiện tượng bí ẩn nói trên.
Trong những năm gần đây, các "vụ nổ ánh sáng", tức các vụ phóng điện bất thường trong không gian, vẫn được ghi lại trên phim bởi các vệ tinh hoặc các phi hành gia đang ở Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Tuy nhiên, chúng luôn gắn liền với các đám mây bão.
Nhưng lần này, các "vụ nổ ánh sáng" xảy ra ở một vùng trời hoàn toàn không mây, không bão, khiến sự việc càng trở nên khó hiểu.
Vì vậy, các nhà khoa học đang cố gắng thu thập thêm dữ liệu và nghiên cứu thêm để tìm ra chân tướng các "vụ nổ ánh sáng". Vị trí xảy ra các vụ nổ này là tầng ngoài, tức tầng cao nhất của bầu khí quyển Trái Đất, trải dài từ độ cao khoảng 700 đến 10.000 km so với mực nước biển.
Vệ tinh Lomonosov được đặt theo tên nhà khoa học Mikhail Lomonosov, tích hợp với tàu vũ trụ Kanopus-B và phóng lên không gian vào năm 2016.
Nhiệm vụ của nó là nghiên cứu các tia vũ trụ năng lượng cao, bao gồm các tia gamma, các hạt từ tính và các hiện tượng ánh sáng thoáng qua trong tầng ngoài của bầu khí quyển.
(Theo Sputnik, Daily Mail)