Từ đầu năm 2020, ngành bia Việt Nam chịu tác động kép của Nghị định 100 và đại dịch COVID-19. Lần đầu sau nhiều năm tăng trưởng, ngành bia chứng kiến sự sụt giảm hai chữ số.
Theo tổng cục thống kê, tổng sản lượng bia sản xuất trong năm ngoái đạt khoảng 4,39 tỷ lít, giảm 14%. Lượng tiêu thụ bia bình quân đầu người năm ngoái đạt 40,5 lít, giảm 7,1 lít so với năm 2019.
Heineken bỏ Sabeco lại ngày càng xa
Tình hình thị trường trở nên bất lợi khiến cho các ông lớn ngành bia khốn đốn theo. Cuộc đua của hai thương hiệu bia dẫn đầu thị trường là Heineken và Sabeco có thêm nhân tố gây xáo trộn.
Điểm đáng chú ý là doanh thu của Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading), công ty chịu trách nhiệm phân phối các sản phẩm bia và đồ uống Heineken không giảm mà còn tăng nhẹ, đạt hơn 55.700 tỷ đồng. Những năm trước đó, doanh thu của Heineken Trading tăng trưởng rất mạnh, đạt gần 20% mỗi năm.
Hoạt động sản xuất của Heineken được đảm nhiệm bởi Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam và Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Hà Nội.
Trong khi đó, Sabeco Trading có vai trò tương tự Heineken Trading ghi nhận doanh thu giảm hơn 7.000 tỷ đồng, còn 30.167 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất của Sabeco đạt 27.961 tỷ đồng, giảm gần 10.000 tỷ đồng.
Như vậy, khoảng cách về doanh thu giữa Heineken và Sabeco càng tăng thêm sau năm đầu đại dịch, chênh lệch doanh thu thương mại ở mức hơn 1 tỷ USD.
Theo số liệu của Euromonitor, năm 2019, Sabeco vẫn là thương hiệu bia nắm thị phần số 1 với 39,6%; Heineken xếp thứ hai với 33,5%. Hai nhà sản xuất nắm 3/4 thị trường bia Việt Nam.
Không những vượt trội so với Sabeco về doanh thu, lợi nhuận ròng của riêng Heineken Việt Nam cũng bỏ xa đối thủ. Năm ngoái, công ty chủ chốt của Heineken lãi ròng 8.868 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ. Con số này gần gấp đôi nếu so với lợi nhuận hợp nhất của Sabeco, 4.937 tỷ đồng. Ngoài ra, lợi nhuận của Heineken Trading cũng ghi nhận mức gần 2.200 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận gộp của Heineken Việt Nam duy trì trên mức 53% liên tục trong nhiều năm. Còn tại Sabeco, dù cải thiện mạnh mẽ khi về tay những ông chủ người Thái (ThaiBev), tuy nhiên vẫn chỉ dừng ở mức 30%.
Cũng xin lưu ý một yếu tố khác khiến cho lợi nhuận của Heineken không bị sụt giảm trong năm đại dịch là nhờ giao dịch bán gần 26,4 triệu cổ phần Sabeco thu về 4.850 tỷ đồng. Giao dịch này có thể giúp Heineken Việt Nam ghi nhận một khoản lợi nhuận tài chính không nhỏ. Được biết, Heineken là cổ đông lớn tại Sabeco khi công ty này tiến hành IPO năm 2008.
Nếu trừ đi lợi nhuận từ bán cổ phần, tỷ suất lợi nhuận sau thuế của Heineken Việt Nam có thể đã giảm tương đối.
Ngành bia tiếp tục khốn đốn vì COVID-19, biên lợi nhuận sẽ mỏng hơn
Quay trở lại với hoạt động kinh doanh bia, cả hai nhà sản xuất hàng đầu đều có những điều chỉnh để đối phó với tình hình mới.
Heineken ra mắt dòng sản phẩm Bia Việt, cùng với đẩy mạnh Heineken nhãn bạc và Heineken không cồn. Sabeco cũng cho ra mắt bia Lạc Việt, bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng biên lợi nhuận trong bối cảnh doanh thu sụt giảm.
Tình hình hiện tại với ngành bia là không sáng sủa hơn so với năm ngoái, thậm chí còn tệ hơn nhiều. Việt Nam đang phải đối mặt với làn sóng đại dịch thứ tư lớn nhất từ trước đến nay. Thêm hàng trăm nghìn ca nhiễm COVID-19 mới tập trung vào khu vực phía Nam, thị trường tiêu thụ bia lớn của cả nước.
Kết quả kinh doanh 6 tháng của Sabeco cải thiện nhẹ so với cùng kỳ, doanh thu 13.087 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.057 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quảng cáo khuyến mãi tăng mạnh 63% nhằm thúc đẩy doanh số.
Với Heineken, thương hiệu bia từ Hà Lan cho rằng COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến thị trường châu Á trong nửa cuối năm nay, làm tăng chi phí và giảm tỷ suất lợi nhuận.
Heineken cũng nhắc đến Việt Nam, một trong ba thị trường lớn của tập đoàn đồ uống này sẽ chịu ảnh hưởng nặng do đại dịch. Bên cạnh đó, chi phí hàng hóa gia tăng, gồm cả nguyên liệu lúa mạch, đường và nhôm đóng lon sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến Heineken vào cuối năm 2021.
Thậm chí điều này có thể gây ra ảnh hưởng đáng kể trong năm 2022 khi các hợp đồng hedging giá nguyên liệu hết hạn. Ngoài ra, chi phí tiếp thị bán hàng cũng sẽ tăng lên trong giai đoạn phục hồi khi các nhà hàng, quán bar mở cửa trở lại.