Lo ngại virus corona, nhiều địa phương Trung Quốc niêm phong nhà có người từ Vũ Hán về

An An |

Nhiều hộ gia đình có người ở Vũ Hán về đã bị niêm phong nhà. Trong thời gian đó, nhu yếu phẩm hàng ngày sẽ được cán bộ địa phương cung cấp tận nơi.

Địa phương TQ dùng biện pháp mạnh

Mới đây, đoạn video đăng trên báo Tân Kinh - tờ báo uy tín của Trung Quốc - về ngôi nhà của một người dân tại Liên Thủy, Giang Tô, bị chặn bằng những ống kim loại đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Hình ảnh trong video cho thấy, một thông báo đã được dán ở trước cửa căn nhà với nội dung: "Hộ gia đình này về từ Vũ Hán, hãy tránh tiếp xúc", bên cạnh đó, một số người đàn ông - gồm hai cảnh sát - đã sử dụng những ống kim loại để chặn kín cửa nhà.

Chia sẻ với phóng viên báo Tân Kinh, chủ hộ - cô Tiểu Đường cho biết, gia đình ba người mới từ Vũ Hán về quê ăn Tết và trong nhà không có ai dương tính với virus corona, tuy nhiên cán bộ khu phố vẫn quyết định niêm phong ngôi nhà của họ.

Chủ hộ kể rằng, sau khi vụ việc được phản ánh, các ống kim loại đã được gỡ bỏ nhưng một tờ giấy niêm phong vẫn được dán trước cửa nhà: "Trước đó, họ trao đổi với chúng tôi, các ống kim loại có thể được tháo xuống nhưng chúng tôi không được ra ngoài. Hàng ngày muốn mua gì có thể nhắn họ, họ sẽ mang tới. Họ yêu cầu hai bên cần phải thông cảm lẫn nhau bởi đây là thời điểm đặc biệt".

Lo ngại virus corona, nhiều địa phương Trung Quốc niêm phong nhà có người từ Vũ Hán về - Ảnh 1.

Nhiều địa phương tại TQ thực hiện biện pháp mạnh như niêm phong nhà những người từ Vũ Hán về quê ăn tết. Ảnh cắt từ màn hình

Tiều Đường chia sẻ, cán bộ khu phố cho rằng gia đình cô có nguy cơ lây lan dịch bệnh nên họ bất đắc dĩ phải niêm phong và sau đó, họ sẽ mua đồ dùng nhu yếu phẩm giúp nhà cô, tiền do gia đình cô chi trả.

Cô kể thêm, bạn cùng lớp cô từ Vũ Hán trở về - ở khu phố khác - cũng bị niêm phong cửa nhà.

Sau khi gia đình Tiểu Đường bị niêm phong, có người hàng xóm tốt bụng đã mang đồ ăn cho họ bằng cách đặt vào một chiếc giỏ để Tiểu Đường dùng dây kéo lên.

Hai ngày sau, cô lập một danh sách một số loại rau củ và trái cây, cán bộ khu phố mang tới như yêu cầu, với giá thấp hơn 20% so với giá thị trường. Việc thu gom rác cũng do những người này thực hiện.

Trách nhiệm đối với 2.000 người trong thôn

Cũng theo báo Tân Kinh, ngày 18/1, Tiểu Vương - sinh viên đại học ở Vũ Hán - về đến quê nhà ở Khâu Bình, Sơn Đông. Khi đó, địa phương đã yêu cầu cả gia đình cô phải tự cách ly, trong gia đình Tiểu Vương còn có bà nội đã 86 tuổi, mắc một số bệnh của người già như bệnh thiếu máu não và bệnh tim.

Đến ngày 1/2, Tiểu Vương và gia đình tự cách ly đủ 14 ngày thì xảy ra hiện tượng cửa nhà bị chính quyền thôn niêm phong. 

Ông Trương, chủ nhiệm thôn cho biết: "Thành phố Tân Châu có 9 ca dương tính, trong có có 5 ca ở thị trấn Hàn Điếm (Khâu Bình) chúng tôi", tôi phụ trách 2.000 số dân cả thôn. Tôi không thể chỉ vì mỗi gia đình cô ấy. Gia đình cô ấy có thể chịu trách nhiệm với toàn thôn không? Cô ấy về từ nơi khác thì không sao nhưng cô ấy lại về từ Vũ Hán. Chúng tôi làm theo chỉ đạo. Hai ủy viên của thôn tôi không có quyền niêm phong của nhà cô ấy".

Ông Trương cho biết, ông đã sắp xếp bác sĩ, cảnh sát theo dõi nhà Tiểu Vương 24/24h cũng như cung cấp cho cô số điện thoại của Bí thư và trưởng thôn.

Lo ngại virus corona, nhiều địa phương Trung Quốc niêm phong nhà có người từ Vũ Hán về - Ảnh 2.

Rau củ được đưa đến tận nhà những người bị cách ly. Ảnh chụp màn hình

Ông khẳng định, bất kỳ thời điểm nào, cán bộ thôn cũng sẽ hỗ trợ mọi nhu cầu sinh hoạt của gia đình Tiểu Vương, đồng thời bày tỏ, chấp nhận "đắc tội" với một gia đình để đảm bảo an toàn cho cả thôn.

Lưu Vượng (đã thay đổi tên) ở thị trấn Hoa Kiều, Côn Sơn, Giang Tô cũng bị cơ quan phòng chống dịch bệnh và địa phương dán giấy niêm phong.

Trước đó, mẹ của Lưu Vượng qua đời vào ngày 15/1 do bệnh viêm phổi nặng ở Vũ Hán. Ngày 21/1, sau khi hoàn thành hậu sự cho mẹ, Lưu Vượng trở vể nhà ở Côn Sơn và bị cách ly. Trong thời gian cách li, các vật phẩm như rau củ đều do cán bộ địa phương mua giúp.

"Cán bộ địa phương đưa cho tôi bản danh sách thực phẩm, muốn mua gì đánh dấu vào đó, sau đó ông ấy sẽ đi mua và mang đến nhà. Bây giờ đổ rác cũng không được ra ngoài đổ, cho nên ông ấy sẽ đến lấy rác đúng giờ quy định".

"Thực ra, điều này cũng không đem lại sự bất tiện nào, do tôi tự cách ly, cho nên dù là ông ấy có yêu cầu tôi cách ly thì cũng vậy", Lưu Vượng nói.

Cán bộ khu Phong Tân, thị trấn Kiều Hoa cho biết, những người trở về từ Hồ Bắc, không nhất định là Vũ Hán, nếu đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc đi qua nơi đó đều phải được cách ly. Tờ giấy niêm phong là do trung tâm phòng chống dịch bệnh dán.

Những gia đình bị dán niêm phong đều phải được cách ly 14 ngày không được ra ngoài.

Lưu Vượng cho biết, việc nhà bị niêm phong, dù ít hay nhiều cũng đều khiến anh cảm thấy không thoải mái nhưng anh thông cảm, hiểu cho cách làm của địa phương trong thời điểm đặc thù như hiện nay.

Theo Báo Tân Kinh, sau khi dịch bệnh bùng phát, rất nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc như Giang Tô, Hà Nam đã phát sinh hiện tượng niêm phong nhà của những gia đình trở về từ Vũ Hán. Sau khi dẫn đến sự chú ý của công chúng, các hình thức niêm phong mới được gỡ bỏ.

#ICT_anti_nCoV

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại