Theo văn hóa người Việt Nam, sau khi sinh con được đầy tháng, các chị em thường xin về nhà ngoại một thời gian để nghỉ dưỡng. Ngắn thì 1 tháng, dài thì cũng phải đôi ba tháng rồi mới trở lại nhà nội.
Với nhiều người, cảm giác được ông bà ngoại chăm bẵm, cưng nựng cả mẹ lẫn con như là lần thứ hai trở thành đứa trẻ bé bỏng ngày nào của ông bà vậy.
Chẳng thế mà, cho dù có đi lấy chồng hay tận đến khi sinh nở con gái vẫn luôn mong được về nhà cha mẹ đẻ.
Đó cũng là tâm trạng hân hoan của một người mẹ trẻ khi được về nhà ngoại ở cữ.
"Về ngoại sướng thật đó. Cơm không phải nấu, bát không phải rửa, nhà không phải quét, chỉ lúc nào em xung phong làm thì làm thôi.
Sáng con dậy sớm lôi mẹ dậy, mẹ lười không dậy nên toàn ông bế con chơi, rửa mặt mũi, xi tè xi ị rồi thay bỉm tã cho con..
. Bà thì nấu cháo, xay cháo theo công thức mẹ dặn từ trước rồi hai ông bà cho cháu ăn uống, vệ sinh các kiểu... chán rồi mới mang lên phòng gọi mẹ dậy cho con ti một lát xong ông lại bế cho mà ngủ tiếp (con em quấy đêm không ngủ được mấy nên ngày em hay ngủ bù).
Trưa đến ông bế cháu ru cháu ngủ trưa, mẹ tha hồ ngủ hoặc xem phim, không cần lo.
Tối lại ông bà thay phiên bế và chơi với cháu, mẹ có thể tắm gội giặt giũ thoải mái (nhà có máy giặt nhưng đồ của con em em toàn giặt tay, không thích giặt máy).
Thời gian còn lại có thể xem phim, chat chit hoặc tranh thủ ngủ sớm cũng được. Tầm 11 - 12h ông bà mới đưa bé cho mẹ bế để đi ngủ.
Nhà có đồ gì ngon ông bà dành hết cho em, ép mẹ ăn để lấy sữa cho con và dỗ là toàn đồ sạch đấy, thành phố không kiếm được đâu. Rồi còn bao nhiêu cái đáng yêu nữa mà không kể hết được. Yêu thương lắm ý.
Nhưng mà những tháng ngày thiên đường của mẹ con em sắp hết rồi. Một tháng trôi qua nhanh quá. Sắp phải về rồi. Luyến tiếc quá nhiều!
Sắp tới về Hà Nội lại 1 mẹ 1 con vật lộn với nhau. Hoang mang quá!".
Đính kèm bài viết là bức ảnh ông ngoại đang bế cháu khiến chị em xúc động.
Ngay khi được đăng tải, câu chuyện của mẹ bỉm này đã nhận được rất nhiều sự đồng tình xen lẫn háo hức từ phía hội chị em.
Ai nấy đều cảm thấy như chính mình là nhân vật chính trong câu chuyện ấy. Thậm chí có người còn phải thốt lên "Sao mà giống mình quá!".
- Giống em. Lên ngoại ai cũng kêu béo nhưng mai lại phải đi rồi.
- Về ngoại thoải mái thật. Giờ 2 mẹ con em vẫn đang quấn chăn ôm nhau. Chẳng đâu thoải mái bằng nhà mình các mom ạ.
- Cùng cảm giác ạ. Con 3m26d về ngoại được hơn 2 tháng sướng, thoải mái vui vẻ nay về lại nhà nội cứ nghĩ đến ông bà ngoại, ngôi nhà quen thuộc là nước mắt trào ra.
- Giống mình quá. Hết cữ mình về nhà nội còn khóc nhiều hơn cả ngày đi lấy chồng. Nhớ bố mẹ mà ông bà cũng nhớ con, nhớ cháu. Vì mình đi lấy chồng xa, cả năm mới về ngày Tết. Lúc bố mẹ tiễn 2 mẹ con ra xe khách về Hà Nội mà không dám ngoái lại nhìn vì sợ khóc theo.
- Đúng là không nơi nào sung sướng hạnh phúc, thoải mái và được nuông chiều giống công chúa như ở nhà ngoại. Thèm được về ở với bố mẹ thôi!
Bên cạnh đó, rất nhiều mẹ đã xúc động khi nhớ lại khoảng thời gian từng ở cữ nhà bố mẹ đẻ của mình.
"Ngày mình về ở cữ, sáng nào mẹ cũng nấu khi thì cháo, khi thì phở, cơm nóng, bánh... đổi món cho mình ăn đỡ ngán.
Cháu cứ dậy là ông với bà thi nhau bế bồng bảo đỡ cho mẹ. Bố mẹ cứ giục mình tranh thủ ngủ đi cho đỡ mệt hoặc giải trí gì thì làm đi. Ngày tạm biệt ông bà để 2 mẹ con về nội mà mình buồn cả đêm không ngủ được", mẹ Thu Hòa viết.
Facebook Tuyết Lê nghẹn ngào: "Giống cảm xúc của nhau quá! Bao giờ cũng thế, chỉ có cha mẹ mình mới thương và luôn coi mình như 1 đứa trẻ mặc dù mình đã lấy chồng và có con.
Mình từ khi sắp sinh đến bây giờ được 4 tháng, ông bà ngoại luôn ở bên cạnh chăm lo từng tí một. Thương bố mẹ nhiều lắm nhưng không thể nói nên lời chứ!".
Mặc dù ở nhà nội hay nhà ngoại thì cũng đều được yêu thương, thế nhưng trong sâu thẳm trong trái tim bất cứ người con gái nào sau khi đi lấy chồng cũng đều ước mong được một lần trở về nhà, được trở về vòng tay bao bọc, chở che của bố mẹ đẻ, để có được cảm giác chiều chuộng, nâng niu như cô công chúa nhỏ ngày nào.
Dẫu rằng, thời gian đó là ngắn ngủi, nhưng hạnh phúc ấy là điều quý giá mà mẹ bỉm nào cũng chỉ mong nó kéo dài mãi mãi.