Viên "bạch ngọc" của làng lâu đài
Xã Hải Minh thuộc huyện Hải Hậu, nằm cách TP Nam Định (tỉnh Nam Định) khoảng hơn 20km xưa nay nổi tiếng là làng nghề gỗ mỹ nghệ với nhiều đại gia trong làng.
Nổi bật nhất trong số đó là lâu đài Lan Khoa Khuê của vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Khuê (SN 1958) và Nguyễn Thị Lan (SN 1961). Ông Khuê hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khoáng sản, tàu biển.
Con đường dẫn vào "làng lâu đài"
Đứng cách xa hàng trăm mét có thể nhìn thấy những toà lâu đài lấp ló
Lâu đài này được một số người dân ví von là "bạch ngọc" tức viên ngọc màu trắng của xã. Ngoài cổng là hai bức tượng sư tử cỡ lớn, hàng rào được làm bằng nhôm hợp kim mạ đồng. Theo tiết lộ của chủ nhân, dinh thự được xây dựng hơn 9 năm với kinh phí hơn 50 tỷ đồng.
Nổi tiếng đã nhiều năm nay nên toà lâu đài này không còn xa lạ gì so với người dân xã Hải Minh nói riêng và người dân Nam Định nói chung. Được biết, tổng diện tích tòa lâu đài này là 470m2 nằm trên mảnh đất 3.000m2.
Lâu đài Lan Khoa Khuê với kinh phí xây dựng lên đến gần 50 tỷ đồng
Các họa tiết trang trí dù lớn hay nhỏ đều được gia chủ trau chuốt tỉ mỉ làm tăng thêm vẻ bề thế của tòa lâu đài
Khuôn viên bên trong lâu đài Lan Khoa Khuê
Toà lâu đài vẫn mở cửa nhưng khi gọi cửa không có ai bên trong đi ra
Toà lâu đài được xây dựng theo phong cách châu Âu. Bên trong tòa lâu đài này có những phòng ăn có sức chứa khoảng 60-70 người, phòng triển lãm cổ vật, phòng ở cho gia nhân và cung cách sinh hoạt cũng y hệt như ở cung điện của vua chúa...
2 năm xây lâu đài tặng bố mẹ
Nằm cách lâu đài Lan Khoa Khuê không xa là lâu đài của nhà bà Rung. Chia sẻ với chúng tôi, bà Rung cho biết, ngôi nhà được xây dựng từ năm 2019, hơn 2 năm mới hoàn thành.
Ngôi nhà gồm 3 tầng, 7 phòng. Kể từ khi bắt đầu xây dựng, 20 công nhân làm liên tục trong vòng 2 năm mới xong được ngôi nhà này.
Toà lâu đài của gia đình bà Rung
Bà Rung cho hay, ngôi nhà là món quà mà người con trai thứ 2 tặng cho vợ chồng bà. Thế nhưng hiện tại bà vẫn chưa sử dụng đến do bị đau khớp chân, không thể đi lại trong ngôi nhà quá rộng.
Kể về người con trai, bà Rung không khỏi xúc động. "Ở trong ngôi làng làm nghề về gỗ nhưng tôi lại làm ruộng, chồng làm thợ xây. Con trai lớn cũng theo nghề của bố còn con trai thứ 2 sau khi đi nghĩa vụ quân sự cũng đi vào miền Nam làm xây dựng.
Thời điểm đó, do nó chưa có vợ nên tôi thường xuyên hỏi thăm về công việc, làm ăn nhưng nó giấu tôi", bà Rung nói.
20 công nhân làm liên tục trong vòng 2 năm mới xong được ngôi nhà này
Ngôi nhà có 7 phòng, có cả phòng karaoke được xây dựng riêng trong vòng hơn 1 tháng, chủ nhà phải lên Hà Nội để thuê thợ về làm
Bà Rung không khỏi xúc động khi kể về ngôi nhà do con trai thứ 2 xây dựng
Bà Rung kể tiếp: "Năm 2019 con trai thứ 2 về quê, tát ao và bảo bắt cá. Tôi còn nói rằng 'ao không có cá đâu' nhưng nó vẫn tát. 1 tuần sau, nó đưa anh em, máy móc về san bằng miếng đất rồi xuống móng.
Con trai tôi giấu, không cho tôi biết ý định làm nhà, khi tôi hỏi thì nó bảo 'con bàn với bố rồi' để cho tôi bất ngờ. Đến khi người thân hỏi tôi vẫn bị bất ngờ vì ngôi nhà to quá. Nếu biết làm nhà to như thế tôi đã không cho làm bởi tôi để chỗ chăn nuôi lợn, gà. Lấp ao đi tôi lấy đâu ra chỗ để nuôi".
Mở cửa toà lâu đài này có thể nhìn thấy những toà lâu đài khác trong làng
Bà Rung tâm sự, đến bây giờ khi ngôi nhà đã hoàn thành nhưng bà vẫn chưa biết kinh phí vì con trai vẫn giấu bố, mẹ.
"Sau đó con trai tôi cũng chia sẻ, làm nhà to để cho bố mẹ ở đỡ vất vả nhưng tôi đã ngoài 50 rồi cũng không cần thiết nhà to. Nếu đã trót làm thì cho tôi ở ngôi nhà bên dưới để đi lại cho dễ", bà Rung nói thêm.
Bà Rung cũng cho biết thêm, sau khi hoàn thành ngôi nhà, con bà làm gần trăm mâm cỗ, mời tất cả người dân trong xóm làng đến chung vui.
Hình ảnh những công trình lâu đài tiền tỷ khác tại "làng lâu đài"