Chỉ trong vài tuần, các dự án tham vọng nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin - hệ thống xuất khẩu khí đốt tự nhiên mang tầm vóc địa chính trị mới thay cho thời kỳ Chiến tranh Lạnh - đã đi đến những hình hài cuối cùng.
Nếu không có gì thay đổi, các dự án này sẽ biến Nga trở thành nhà xuất khẩu năng lượng hàng đầu trong tương lai, đồng thời chi phối các đòn bẩy về quyền lực và kinh tế đối với các khu vực vệ tinh, tờ Moscow Times nhận định.
Chiến lược khí đốt của Tổng thống Putin sẽ "đơm hoa" trong tương lai.
Chiến lược của Nga khởi nguồn bằng đường ống Blue Stream tới Thổ Nhĩ Kỳ được hoàn thành vào năm 2003, tiếp theo là đường ống Power of Siberia tới Trung Quốc khai trương vào ngày 2/12 vừa qua. Kế đến là đường ống Nord Stream 2 tới Đức và vận hành đường ống TurkStream với Thổ Nhĩ Kỳ.
Áp lực trừng phạt từ bên ngoài và bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu là những điều kiện hình thành hệ thống xuất khẩu khí đốt mới của Nga. Tuy nhiên, nó cũng được coi là công cụ đối ngoại hữu hiệu của Tổng thống Putin.
Phát triển
Nga thừa hưởng các hợp đồng cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu từ thời Liên Xô và kể từ đó đến nay, đây là một trong những nguồn lợi nhuận lớn nhất đối với quốc gia này.
Nhưng rắc rối ở chỗ là các đường ống của Liên Xô được lắp đặt trên khắp Ukraine và Belarus. Sau khi hai quốc gia này trở thành các quốc gia độc lập, họ đã đòi phí vận chuyển và yêu cầu cung cấp năng lượng giá rẻ để đổi lấy việc duy trì đường trung chuyển năng lượng của Nga cho châu Âu.
Đồng thời, các nhà cung cấp khí đốt ở Trung Á và Azerbaijan cũng trở thành các đối thủ cạnh tranh khi chọn con đường chuyển khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ để chuyển tới châu Âu một cách tương đối dễ dàng.
Vào những năm 2000, khi Tổng thống Putin và các cố vấn muốn biến Nga trở thành một siêu cường năng lượng, họ hiểu rằng nước Nga cần linh hoạt hơn trong việc tăng nguồn cung và cần thêm đòn bẩy kinh tế so với các nước láng giềng ở châu Âu và châu Á.
Blue Stream nằm dưới đáy Biển Đen đến cảng Samsun của Thổ Nhĩ Kỳ được khánh thành vào năm 2003 là động thái mở đầu “cuộc chơi khí đốt” của Tổng thống Putin.
Nhưng công suất 16 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm của Blue Stream đã bị lấn át bởi khoảng 180 tỷ mét khối mà các đường ống xuất sang châu Âu thông qua Ukraine và Belarus vốn được xây dựng dưới thời Liên Xô.
Đường ống mới có thể giúp Nga cạnh tranh ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không giải quyết được sự phụ thuộc của Nga vào Ukraine và Belarus. Thị phần nhập khẩu khí đốt tự nhiên của châu Âu đến từ Nga tiếp tục giảm.
Năm 2011, Nga đã giành được toàn quyền kiểm soát hệ thống vận chuyển khí đốt của Belarus để đổi lấy việc cung cấp khí giá rẻ cho nước này. Nhưng Ukraine vẫn kiên quyết kiểm soát các đường ống của mình, chiếm tỷ trọng lớn trong khả năng xuất khẩu của Nga.
Tổng thống Putin muốn tiếp cận trực tiếp hơn đến miền Nam và Tây Âu nhưng không muốn quá phụ thuộc vào Ukraine vì cả lý do kinh tế và chính trị.
Hệ thống đường ống của Ukraine đã rơi vào tình trạng hư hỏng và Gazprom, công ty độc quyền xuất khẩu khí đốt của Nga, sợ rằng họ có thể phải đầu tư vào việc sửa chữa quá nhiều.
Đồng thời, Tổng thống Putin vẫn muốn giữ Ukraine nằm trong quỹ đạo của Moscow. Hai lần trong những năm 2000, Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine để gây áp lực nhưng các chiến thuật như vậy được cho là không bền vững.
Năm 2012, Nga đã thực hiện một động thái lớn khác với việc mở đường ống Nord Stream, kéo dài dưới đáy biển Baltic đến phía Bắc nước Đức. Với công suất 55 tỷ mét khối mỗi năm, nó đã thúc đẩy thị phần nhập khẩu châu Âu của Nga.
Đồng thời, Nga đang lên kế hoạch cho một đường ống chính đến Nam Âu, South Stream, qua Biển Đen đến Bulgaria. Từ đó, hệ thống sẽ phân nhánh để mang khí đốt đến Hy Lạp, Ý, Serbia và đến trung tâm châu Âu.
Nord Stream 2 đang vấp phải sự trừng phạt từ Mỹ nhưng sẽ sớm đi vào hoạt động.
Sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014 đã khiến ông Putin bắt buộc phải vẽ lại bản đồ xuất khẩu khí đốt. Giờ đây, Ukraine không còn là một đối tác, thậm chí còn là một đối thủ.
Châu Âu cũng lo lắng hơn bao giờ hết về việc nhập khí đốt ngày càng lớn từ Nga, quốc gia có thể sử dụng năng lượng để mở rộng ảnh hưởng chính trị.
Kế hoạch mở rộng Nord Stream còn được gọi là Nord Stream 2 đang trở thành dự án gây tranh cãi, đặc biệt là vấp phải sự phản đối từ Mỹ. Washington lo ngại về đòn bẩy của Nga đối với Đức sẽ khiến nước này tổn hại cả về kinh tế lẫn chính trị.
Di sản
Cách Nga thay đổi kế hoạch xuất khẩu khí đốt trong 5 năm qua phản ánh một sự thay đổi lớn trong tư duy địa chính trị.
Quan hệ đối tác chống phương Tây với các nhà lãnh đạo mới như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được bảo đảm và củng cố bằng các đường ống dẫn khí đốt.
Đồng thời, Tổng thống Putin muốn duy trì sự kết nối với nước Đức. Với Nga, mối quan hệ ưu tiên ở châu Âu phải nhắc ngay đến Đức, điều này cũng xuất phát từ việc Thủ tướng Angela Merkel là một trong những nhà lãnh đạo thân thiện nhất với ông Putin.
Vì vậy, South Stream đã biến đổi thành TurkStream, một đường ống có công suất dự kiến 31,5 tỷ mét khối chạy đến phía Tây của Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó khí sẽ luân chuyển đến Balkan. Hai nhà lãnh đạo Putin và Erdogan có kế hoạch khánh thành nó vào ngày 8/1.
Mặc dù các công ty sở hữu tàu đặt ống cho Nord Stream 2 đang có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt, Gazprom và một trong những nhà thầu Nga đã có các phương án dự phòng. Tiến độ có thể chậm hơn vì áp lực từ Mỹ nhưng Nord Stream 2 dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ nửa cuối năm 2020.
Sự chậm trễ đã buộc Nga phải thực hiện một thỏa thuận mới với Ukraine. Để thay thế cho thỏa thuận quá cảnh hết hạn vào cuối năm nay, Nga đã cố gắng ký một khoản gia hạn một năm. Đổi lại, Nga có thể tiếp tục cung cấp khí đốt trực tiếp cho nhu cầu của chính Ukraine – điều sẽ dễ dàng hơn dưới thời Tổng thống Volodymyr Zelenskiy,
Do đó, Ukraine sẽ vẫn là một trụ cột quan trọng trong kế hoạch xuất khẩu khí đốt mới của Nga ít nhất là trong 5 năm tới.
Với những dự án đường ống dẫn khí xuyên suốt châu Âu bên cạnh các đối tác Âu-Á khác, Nga được đảm bảo có nguồn thu xuất khẩu vững chắc đến từ khí đốt trong dài hạn.
Điều này rất quan trọng đối với một quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, với trị giá 49,1 tỷ USD trong năm 2018 và thu được khoảng 7% thu ngân sách từ ngành công nghiệp khí đốt.
Nga dự kiến sẽ chiếm khoảng 1/3 nguồn cung cấp khí đốt cho EU ít nhất là cho đến năm 2040.
20 năm nữa, Tổng thống Putin có thể sẽ không còn nắm quyền, nhưng di sản ông để lại là giá trị thương mại năng lượng của Nga sẽ đa dạng hơn so với những ngày đầu ông nắm chiếc ghế quyền lực ở Điện Kremlin.
Chính phủ Nga trong tương lai có thể sử dụng đòn bẩy khí đốt để thúc đẩy các mối quan hệ láng giềng tốt hơn trong khi nó sẽ vừa trở thành một công cụ gây áp lực.